Tuesday, May 19, 2020

Thư cho Kinh Tế Gia Nguyễn Xuân Nghĩa - Nam Lộc

Cám ơn bạn Phạm Gia Đại rất nhiều, là nạn nhân của những sự vu cáo và tấn công một cách vô trách nhiệm của những người sử dụng quyền “tự do ngôn luận” một cách bịnh hoạn, và dùng cái laptop để trở thành một loại “YouTuber” làm vũ khí tấn công người khác, hoặc phát ngôn bừa bãi, tôi rất hiểu và tôn trọng phản ứng của toàn thể môn sinh trường trung học Chu Văn An trước những lời nhận định vô căn cứ và bất kính của ông Nguyễn Xuân Nghĩa về Cụ Chu Văn An. Đối với tôi, dù là học sinh hay không phải môn đệ của ngài thì mọi người cũng có thể nhận ra lỗi lầm đó của ông Nghĩa.
Thưa anh Nghĩa, là một người bạn rất thân thiết và quý mến hiền thê của anh, chị Quỳnh Giao cũng như cô Minh Trang khi cả hai còn sinh tiền, đồng thời cũng là một người ái mộ tài năng và kiến thức của anh, tất cả đã biểu hiện mỗi khi chúng ta có dịp gặp nhau. Tôi xin tha thiết yêu cầu anh lên tiếng giải thích về những lời anh đã phát biểu và nhận định vô căn cứ theo sự phân tích sử học một cách chủ quan của cá nhân anh về Cụ Chu Văn An và nhất là so sánh Cụ với nhân vật Trần Thủ Độ là một người thiếu nhân phẩm và đạo đức. Dĩ nhiên là anh có quyền phát biểu hay chia sẻ cảm nhận của mình trong các cuộc “trà dư, tửu hậu”. Nhưng để đưa lên một diễn đàn công cộng phổ biến rộng rãi như “YouTube” thì tôi thấy là một việc làm không đúng.
Là một người quen với sinh hoạt truyền hình, tôi đã xem kỹ và quan sát đoạn video đó, nhận thấy rõ ràng là anh đã uống khá nhiều rượu trước khi anh nói chuyện nên có những cử chỉ thiếu tỉnh táo, nhất lại là lúc quá nửa đêm. Đối với một người đã hơn 70 tuổi như chúng ta, sức khỏe và trí tuệ cũng chỉ có giới hạn, không thể nào còn minh mẫn hay bình tĩnh như thời trai trẻ, vì thế trong sự quý trọng, tôi mong anh Nghĩa nên sớm nhận ra điều này và ngỏ lời xin lỗi các môn sinh của ngôi trường trung học mang tên Chu Văn An, và cũng là ngôi trường đã đào tạo ra biết bao nhiêu nhân tài đã và đang giúp nước, giúp đời, trong đó có những người bạn mà anh cho biết là rất kính trọng.    
Mến chào và thân chúc anh luôn bình an, khỏe mạnh,
Nam Lộc

Sunday, May 17, 2020

Nguyễn Xuân Nghĩa, anh là ai ? - LS Lê Duy San


Tôi tính không viết về anh chàng say rượu này vì tôi đã mắng anh ta mấy câu khá nặng nề, nên nghĩ như vậy cũng đã quá đủ nhất là anh ta đã bị nhiều người không những là dân Chu Văn An mà cả người không phải là dân Chu Văn An cũng đã viết bài dậy bảo cho anh ta. Nhưng nhiều anh em Chu Văn An đã gọi điện thoại hỏi tôi:
- Nguyễn Xuân Nghĩa đã nói hỗn hào thế nào tới cụ Chu Văn An mà anh em phản đối và chửi bới anh ta dữ thế.
Tôi trả lời rằng :
- Anh cứ mở You Tube ra mà coi.
Anh ta lại nói:
- Nếu tôi mở được thì tôi đâu cần gọi điện thoại hỏi anh.
Thông cảm các bạn già, nhiều bạn, Email cũng chẳng biết xài chứ đừng nói là You Tube. Vì thế tôi đành phải viết bài này: Nguyên Xuân Nghĩa, Anh là ai? Anh đã nói hỗn thế nào tới Cụ Chu Văn An, một người đã được cả dân tộc coi là Vạn Thế Sư Biểu (Người thày của muôn đời) ? để các bạn Chu Văn An nào còn thắc mắc được rõ.

1/ Nguyên Xuân Nghĩa, anh là ai ?
Nguyễn Xuân Nghĩa sinh ngày 11 tháng 11 năm 1946 tại Hà Nội. Năm 1954, theo gia đình di cư vào Nam. Sau khi tốt nghiệp Tú Tài II , anh ta được đi du học tại Pháp. Anh ta học trường Hautes Etudes Commerciales (Cao Đẳng Thương Mại) tại Paris. Sau khi tốt nghiệp (1974) anh ta về nước phục vụ tại Ngân Hàng Phát Triển dưới quyền Tiến Sĩ Nguyễn Văn Hảo. Sau 30/4/1975, vì là cháu của Mười Cúc Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí Thư đảng Cộng Sản Việt Nam, anh ta ở lại cùng với Nguyễn Văn Hảo và phục vụ cho Việt Cộng với chức vụ phụ tá Thứ Trưởng kinh tế đặc trách ngân hàng; vì thế anh ta thường tự xưng là kinh tế gia. Cuối cùng anh ta lại được Việt Cộng cho đi Pháp vào năm 1980 (?), không biết vì lý do gì. Đúng lúc Mặt Trận Hoàng Cơ Minh được thành lập, anh ta nhờ Đại Tá Phạm Văn Liễu tiến cử với ông Hoàng Cơ Minh. Anh ta được ông Hoàng Cơ Minh chấp nhận cho gia nhập và cho làm Vụ Trưởng Tuyên Vận và trông nom tờ báo Kháng Chiến của Mặt Trận vào năm 1984 (?) với bí danh Nguyễn Đồng Sơn tới năm 1992 thì ra khỏi Mặt Trận..

2/ Nguyễn Xuân Nghĩa đã nói hỗn thế nào tới Cụ Chu Văn An.
Trong You Tube giải ảo thời sự số 200506 phần 1 nói về “Sau vụ Đại Dịch, trận chiến Mỹ-Hoa”. Sau khi anh ta lèm bèm, đầu thì lắc la, lắc lư, hai tay múa may như thằng say rượu, anh ta nói mấy câu mở đề về trận đại dịch Vũ Hán tại Trung Cộng, rồi bắt ngay qua chuyện anh ta nói trước đó trên Face Bơok của mình về hai nhân vật đều là vĩ nhân của Việt Nam là ông Chu Văn An và Trần Thủ Độ. Anh ta nói : Bản thân anh ta, anh ta coi Chu Văn An cũng thường thôi và rất tệ, trong khi đó các bạn bè anh ta học trường Chu Văn An từ Bắc vào Nam coi Chu Văn An là nhân vật lỗi lạc kinh khủng, nhưng anh ta coi thằng cha đó (ý nói cụ Chu Văn An) là đồ cà chớn . Anh ta nói Chu Văn An làm quan rất cao mà tại sao có bẩy thằng tham nhũng mà ông ấy nêu ra trong cái gọi là Thất Trảm Thư (Sớ) đề nghị giết bẩy tên tham nhũng này, nhưng anh ta vẫn nói là anh ta không biết trong Thất Trảm Thư này nói gì (?) …
Nghe đoạn video clip trên, chúng ta thấy rằng anh ta không những là một thằng đại mất dậy mà còn là một tên rất ngu dốt. Nhiều người cứ tưởng rằng anh ta rất uyên bác, nhưng thực ra anh ta rất dốt, không phân biệt nổi hai chữ THƯ và SỚ.
Anh ta cũng rất dốt về sử, anh ta nói: Chu Văn An làm quan rất cao. Cụ Chu Văn An làm quan chức gì mà nói rất cao? Mặc dầu cụ Chu Văn An đậu Thái Học Sinh, một học vị ngang với Tiến Sĩ, nhưng cụ không ra làm quan mà chỉ mở trường dậy học, mãi sau này, đời vua Trần Minh Tông cụ mới ra kinh đô để giữ chức quan Tư Nghiệp một chức vụ dậy học để dậy riêng cho Thái Tử ở Quốc Tử Giám. Chức vụ này chẳng có gì là to lớn, không khác gì chức vụ Hiệu Trưởng hay Viện Trưởng bây giờ.
Với một chức quan văn nhỏ bé như vậy mà cụ Chu Văn An dám dâng Sớ xin vua chém bẩy tên tham quan thử hỏi thời nay có ai dám ? Vậy mà anh ta dám mở miệng hỗn hào che bai cụ Chu Văn An là cũng thường thôi và rất tệ và hết sức mất dậy, khi gọi cụ Chu Văn An là thằng cha đó, là đồ cà chớn.
Thử hỏi, sau 30/4/1975, anh ta cũng nắm một chức vụ khá cao dưới chế độ Cộng Sản, chức phụ tá Thứ Trưởng Kinh Tế đặc trách ngân hàng, anh ta đã làm được gì ? Anh ta có dám viết thư hay dâng kiến nghị gì để cải tổ cho đất nước đang nghèo đói và dân chúng đang đói khổ, cho Tổng Bí Thư đảng Cộng Sản Lê Duẩn hay Chủ Tịch nước Tôn Đức Thắng ? Hay anh ta miệng câm như hến vì qúa hèn nhát ?

Để kết thúc bài này tôi xin mượn bài thơ dưới đây của thi sĩ Tha Nhân:

NHẮN NHỦ…!
Này này lão Nghĩa kia ơi,
Phải chăng lão đã già rồi hóa ngu.
Mang danh tiến sĩ mà hư,
Giống phường thất học chẳng như người thường.
Những người cắp sách đền trường,
Đều học lễ nghĩa luân thường kỷ cương.
Kính trên nhường dưới noi gương,
Lão là tiến Sĩ, khinh thường tiền nhân?
Chu Văn An là Học quan,
Giúp Vua xử thế trảm quân gian thần.
Chu Văn An bậc chính nhân,
Danh Sư Dân Tộc, không hèn như mi.
Đã từng cắp sách đi thi,
Có bằng này nọ, suy vi tâm hồn.
Học cao mà chẳng hề khôn,
Tỏ ra “mất dạy” muốn hơn cả Thày.
Uổng công cha mẹ bấy nay,
Cho mi ăn học sánh tày ngườì ta.
Ôi thôi ‘’mất dạy’’ mi là,
Một thằng vô học xấu cha hổ dòng.
Từ nay mi chớ đừng hòng,
Nếu không hối lỗi cộng đồng Việt Nam.
Ta là một kẻ vô danh,
Chướng tai gai mắt không đành bỏ qua.
Nhắc mi một chút gọi là,
Nhủ mi hối cải thật thà ăn năn.
Từ nay cắn cỏ ngậm vành,
Một lòng xin lỗi tâm thành xin tha.
Họa chăng như thế mới là…

Tha Nhân
Cam thành
May 14, 2020

Lê Duy San
15 May 2020

Thư Phản Đối của các Hội Đoàn và Cá Nhân V/v NXN Vỗ Lễ với VânThế Sư Chu Văn An

Thư Phản Đối của các Hội Đoàn và Cá Nhân V/v NXN Vỗ Lễ với Vạn Thế Sư Chu Văn An
Kính thưa quý Giáo Sư, quý Niên Trưởng, quý Đồng Môn, quý Hội Đoàn bạn và quý Thân Hữu,
 
A.- Trong một chương trình you tube “Giải Ảo”, KTG Nguyễn Xuân Nghĩa (NXN) đã giả say để vô cớ buông những lời bất kính, thất học và vô lễ đến một bậc tiền nhân đáng tôn kính là Danh Sư Chu Văn An. Thầy đã được công nhận là Vị Thầy Muôn Đời, được vinh danh như một vĩ nhân tại UNESCO, LHQ, và cũng được để hình thờ trong Quốc Tử Giám, Hà Nội.
Các Hội Bưởi-CVA Miền Đông và Nam Bắc California, và hội đoàn bạn cùng nhiều cá nhân đã lên tiếng phản đối hành động thiếu giáo dục này của NXN, bởi lẽ nếu không ngăn chặn, không phản đối, nhân đà này có thể NXN sẽ nhục mạ đến những vị anh hùng, những bậc tiền bối, những danh nhân khác của giòng giống Lạc Việt như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, danh tướng Trần Hưng Đạo, Lê Văn Duyệt, Phan Thanh Giản, Nguyễn Đình Chiểu, v.v… mà các trường Trung Học VNCH tại miền Nam trước năm 1975 đã lấy làm tên trường của mình.
Danh tướng Lý Thường Kiệt đã từng đem quân qua chinh phạt triều đình nhả Tống vì tại sao vô cớ quân Tầu kéo qua xâm lược nước Việt, thì chúng bây sẽ bị đánh cho tơi bời.
 
NXN hãy trả lời hai câu hỏi và yêu cầu sau đây:
1) Nguyên nhân gì mà vô cớ NXN buông lời nhục mạ Danh Sư Chu Văn An? NXN tự nhận có nhiều bạn CVA, duyên cớ gì mà nhục mạ thầy của bạn mình?
2) Yêu cầu NXN chính thức lên tiếng nhận lỗi và xin lỗi trên “Giải Ảo” và trên các phương tiện truyền thông tại Nam Cali.
Nếu NXN không trả lời hai câu hỏi và yêu cầu trên, NXN đã tự chọn chỗ đứng của NXN trong hàng ngũ kẻ thù của các cựu hs Bưởi-CVA.
 
B.- Sau đây là đính kèm các Thông Báo Phản Đối và các bài viết, ý kiến của các cựu hs Bưởi-CVA và cá nhân thân hữu xa gần:
 
-Thông Báo Phản Đối của Hội CVA Miền Đông
-Thông Báo Phản Đối của Hội Bưởi-CVA Nam Cali và Hội Bắc California
-Thông Báo Phản Đốicủa Hội Liên Trường Tây Ninh
-Thư của CVA Trần Anh Tuấn
-Thư của CVA Nghiêm Hữu Hùng
-Thư của Dương Chí Thành (lồng trong nội dung của thông Báo Phản Đối của Hội Bưởi-CVA Nam Cali)
-Thư của anh Trần Việt Hải (Petrus Ký)
-Biên khảo của GS Trần Huy Bích về Vạn Thế Sư Chu Văn An (đã được đăng trên báo Viễn Đông và các báo chí)
website Viễn Đông:
website của Người Việt Boston: https://nguoivietboston.com/?p=8357
website thực hiện bên Pháp, lấy tên là Báo Động:
-Thông Báo Phản Đối của Hội Bưởi-CVA Nam Cali đăng trên báo giấy và online Người Việt (Thứ Bẩy May 16th, 2020).
-Ý kiến của 20 cựu học sinh Bưởi-CVA
-Ý kiến của GS Dương Ngọc Sum (Petrus Ký): Dear quý Bạn, Sau khi đọc Bài viết của GS TRẦN HUY BÍCH, Tôi có ghi ý kiến của tôi như sau: "Thầy Cô và Cựu Học sinh Trường PETRUS TRƯƠNG VĨNH KÝ xin được chia xẻ với Thầy Cô và Cựu Học sinh CHU VĂN AN về sự tổn thương danh dự do lời phát biểu bất kính và thiếu cẩn trọng của một trí thức đối với " VỊ THẦY CỦA CÁC THẦY CHU VĂN AN" DƯƠNG NGỌC SUM
Trân Trọng,
Phạm Gia Đại CVA’65

Saturday, May 16, 2020

CẢM TẠ Gia Đình Trần Minh Khanh CHS/PBC79

Con trai: TRẦN NGỌC KHOA kính gửi đến các Bác – Cô – Chú – Anh - Chị - của cha con là ông: TRẦN MINH KHANH - Cựu học sinh Phan Bội Châu niên khóa 1972-1979, đã giúp đỡ làm tang lễ đưa linh cửu cha con đến nơi an nghỉ cuối cùng thật trọn vẹn và ấm cúng.
       Xin chân thành cảm tạ, nếu có gì sơ suất xin cô – chú – bác bỏ qua cho con.
                         Con trai Trần Ngọc Khoa


Bà GS Ung Bạch Tuyết: 200.000 VND
Bà GS Huỳnh Bích Đào: 100 USD
Bác Chuân và Bác Chấn: 2.3000.000 VND
Bác Hồng Đào: 500.000 VND 
Bác Thiết: 50 USD
Bác Thiệt: 1.000.000 VND
Bác Nhung: 100 Đôla úc
Bác Tỵ: 1.000.000 VND
CHS/PBC72: 200 USD
Vợ chồng Bác Năm, Như Mây: 1.000.000 VND
Bác Chung: 500.000 VND
Bác Nở 100.000 VND
Bác Thanh 100.000 VND
Bác Ánh Tuyết : 50 USD
Bác Xuân Liên: 50 USD
Bác Phạm Hòa: 200 USD 


LỜI CẢM TẠ. 
Tôi là TRẦN THỊ ANH ĐÀO PBC72, thay mặt gia đình em chúng tôi là TRẦN MINH KHANH CHS PBC79 
Phan Thiết, vừa từ trần ngày 09-5-2020 nhằm ngày 17-4 Canh Tý, thọ 61 tuổi. 
Gia đình chúng tôi xin chân thành cám ơn Quý Thầy cô, cùng toàn thể anh chị em và các bạn CHS/PBC đã giúp đỡ và phúng điếu để em tôi được một tang lễ mãn nguyện. 
Sự giúp đỡ của Quý ân nhân, gia đình chúng tôi xin ghi nhận với sự biết ơn chân thành nhất và vô cùng trân trọng. 
Trong lúc tang gia bối rối chắc chắn sẽ có nhiều điều sai sót, kính xin quý vị niệm tình tha thứ. 
TM Gia đình: Chị TRẦN THỊ ANH ĐÀO. 
Phan thiết, Bình thuận, Viêt Nam.

Friday, May 15, 2020

KHÔNG CÒN NGHI NGỜ GÌ NỮA! --- (Tác giả : BẰNG PHONG ĐẶNG VĂN ÂU.)

 
 Thưa quý bạn đọc,
Nguyễn Xuân Nghĩa, cháu ruột của TBT-VC Nguyễn văn Linh
Trước đây, theo dõi hành tung của ông Nguyễn Xuân Nghĩa, cháu ruột của Mười Cúc Nguyễn văn Linh, Tổng Bí thư Việt Cộng, tôi nghi ngờ anh ta được Việt Cộng phái ra Hải ngoại để lãnh đạo Mặt trận Quốc gia Thống nhất Giải phóng Việt Nam do Phó Đề đốc Hoàng Cơ Minh cầm đầu. Nhưng tôi không hồ đồ quy kết ông Nghĩa là Việt Cộng, vì ngại mang tiếng chụp mũ bừa bãi. Bởi thế, tôi đã viết bài “Nguyễn Xuân Nghĩa, Anh là ai?” để anh ta tự nói lên sự thật về nhân thân của mình. Ông Nguyễn Xuân Nghĩa im lặng, tức là ông ta không thể nói sự thật về mình.
Mới đây, ông Nguyễn Xuân Nghĩa dùng Youtube mạt sát cụ Chu văn An hết sức nặng lời, khiến cho những cựu sinh viên Chu văn An đành phải phá vỡ sự im lặng. Mời quý bạn đọc dành chút thời giờ để nghe ông Nguyễn Xuân Nghĩa mắng cụ Chu văn An:
Dưới đây là lời giáo hóa của Giáo sư Tiến sĩ Trần Huy Bích cho Nguyễn Xuân Nghĩa hiểu biết lịch sử. Giáo sư Tiến sĩ chuyên lo hoạt động Văn Hóa, không quan tâm đến vấn đề chính trị, nên đã kết thân với ông Nguyễn Xuân Nghĩa, mà không một chút nghi ngờ. Nếu Nguyễn Xuân Nghĩa không buông lời mạt sát cụ Chu văn An, thì sự giao tiếp của hai bên vẫn còn nồng thắm. Dưới đây là bài giáo hóa của Giáo sư Trần Huy Bích:
“GS Trần Huy Bích giáo hóa Nguyễn Xuân Nghĩa, cháu Mười Cúc Nguyễn văn Linh, Tổng Bí thư Việt Cộng.
KTG Nguyễn Xuân Nghĩa có kiến thức rất rộng, không những trong lãnh vực kinh tế mà còn trong nhiều lãnh vực khác: lịch sử, văn học ... Nhưng khi đưa ra nhận định như thế về nhà giáo dục Chu Văn An, anh ấy đã sai lầm ở mấy điểm quan trọng sau đây:
1).-Anh ấy nói, “Chu Văn An làm quan rất cao,” và hỏi sao cụ không bày mưu lập kế để trị “4 tên tham nhũng giết 3, rồi 3 tên còn lại giết nhau.” Vì thế, anh ấy đánh giá cụ là “thường, rất tệ,” gọi cụ là “tối,” rồi đưa ra một lời xúc phạm cực vô lễ, “thằng cha đó là thằng cà chớn.” Anh ấy lầm ở hai điểm căn bản sau đây:
--“Chu Văn An làm quan rất cao”: Tuy được vua và triều đình kính trọng vì tư cách cao quý, chức quan của cụ Chu không cao (tuy cũng không thấp). Đó là Quốc tử giám Tư nghiệp (chức thứ hai ở Quốc tử giám, sau chức Quốc tử giám Tế tửu). Ở thời chúng ta, chức “Tế tửu” tương đương với Viện trưởng viện Đại học, và “Tư nghiệp” tương đương với Phó Viện trưởng phụ trách Học vụ. Nhiệm vụ đầu tiên của cụ Chu do vua Trần Minh tông trao là “dạy Thái tử học” (vị Thái tử cụ dạy sau lên ngôi là vua Trần Hiến tông, mất rất sớm khi mới 22 tuổi). “Tư nghiệp” tuy được tôn kính nhưng chỉ là một “học quan” (quan coi về giáo dục), không có quyền trong hệ thống hành chánh của triều đình. Theo quan chế thời Nguyễn, chức Quốc tử giám Tư nghiệp ở hàng Tòng tứ phẩm, dưới các chức Thượng thư, Đô Ngự sử (Chánh nhị phẩm), Tham tri, Tuần phủ (Tòng nhị phẩm), Thị lang, Bố chánh (Chánh tam phẩm), và dưới cả Thái y, Án sát (Chánh tứ phẩm)… Quan chế thời Trần không giống hệt thời Nguyễn, nhưng sự kiện Quốc tử giám Tư nghiệp chỉ là một “học quan,” không có quyền về hành chánh, chắc không khác. Ở miền Nam thời Đệ Nhị Cộng Hòa, các giáo sư Nguyễn Đăng Thục, Nguyễn Khắc Kham có danh vọng rất cao về tinh thần (Gs. NĐ Thục từng là Khoa trưởng Đại học Văn khoa Sàigòn) nhưng đâu có quyền hành gì, làm được gì trước các tướng lãnh hoặc những Tổng, Bộ trưởng buôn lậu, tham nhũng? Địa vị của cụ Chu ở đời Trần cũng thế. Dâng sớ xin chém bọn gian thần là một hành động cực can đảm, một vị thầy giáo (dù ở cấp cao) khó có thể làm hơn.
-- Cụ Chu là một nhà đạo đức, một nhà giáo dục, chứ không phải một nhà chính trị. So sánh cụ với Trần Thủ Độ, một người nhiều thủ đoạn, bày mưu lập kế đem họ Trần thay ngôi nhà Lý, là một việc không thích hợp. Con người đạo đức của cụ đâu cho phép cụ làm những việc tàn nhẫn như Trần Thủ Độ đã làm (giết tôn thất nhà Lý, ép vua Lý Huệ tông treo cổ tự tử) hay trái luân thường (bắt cháu là vua Trần Thái tông cướp người vợ đã có thai của anh ruột). Có lẽ KTG NX Nghĩa đã quan niệm cụ như một nhà chính trị thủ đoạn khi chê cụ là “thường,” là “tối.” Nhận định căn bản của anh ấy về con người và tư cách của cụ Chu đã sai, cho nên kết luận sai là lẽ đương nhiên.
2).-KTG NX Nghĩa sai lầm ở chỗ khi buông lời thất kính với cụ Chu như thế, anh không chỉ làm phật ý các cựu học sinh CVA. Theo dòng lịch sử dân tộc, cụ được ngưỡng mộ qua nhiều triều đại, được thờ (tòng tự) trong Văn miếu từ đời Trần, suốt qua các triều Lê, Lê Trung hưng, sang Nguyễn. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục chép về cụ với những lời thật trân trọng. Nhận định về cụ đã có những câu như:
Thất trảm chi sớ, nghĩa động càn khôn.
Băng hồ tướng công Trần Nguyên Đán (ông ngoại và là người nuôi dạy vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi khi còn nhỏ) viết về cụ với những câu như:
Học hải hồi lan, tục tái thuần
Thượng tường sơn đẩu đắc tư nhân
Cùng kinh bác sử công phu đại
(Đẩy ngược làn sóng dữ trong biển học để phong tục được thuần hậu trở lại,
Trường Quốc Học được bậc đạo đức như Thái sơn, Bắc đẩu đến dạy,
Đọc hết kinh, xem rộng hết sử, công phu rất lớn …)
Cụ được thờ phụng ở nhiều nơi, được coi là một danh nhân của dân tộc, và được đặt tên trên nhiều đường phố vì đạo đức và tư cách. Gọi cụ là "thằng cha," "thằng cà chớn" là đã dùng những lời cực vô lễ.
Người chọn đổi tên trường Trung học Bảo hộ (thời Pháp thuộc) thành trường Chu Văn An là giáo sư Hoàng Xuân Hãn, Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục trong chính phủ của học giả Trần Trọng Kim. Một trong các cựu Hiệu trưởng của trường Chu Văn An là giáo sư Dương Quảng Hàm… Khi KTG NX Nghĩa coi cụ Chu là “rất tệ, tối,” và gọi cụ là “một thằng cà chớn,” anh ấy cũng đã bày tỏ sự thất kính đối với nhiều thế hệ tiền nhân qua suốt dòng lịch sử dân tộc, gần chúng ta nhất là các học giả Trần Trọng Kim, Hoàng Xuân Hãn, Dương Quảng Hàm…
Tôi nghĩ như các anh Lê Tuấn, Song Thao và Huân là khi nói trong YouTube này, anh NX Nghĩa có vẻ chưa tỉnh hẳn rượu. Một chứng cớ là anh ấy không nhớ đúng tên tác phẩm quan trọng nhất của cụ Chu: Anh ấy gọi “Thất trảm sớ” là “Thất trảm thư.” Hai thứ khác nhau, “sớ” chỉ để dâng lên vua. Tôi tin là sau khi tỉnh hẳn lại, anh ấy sẽ nhận ra những chỗ sai của mình.
Gần đây tôi ít gặp anh NX Nghĩa. Tôi cung cấp chút thông tin cần thiết để khi thuận tiện thì những anh trong Ban Chấp hành Hội như các anh Quang Tuấn, Huân ..., các “nhân sĩ” của Hội như các anh CHT Khoát, Uyên, các anh Phạm Đỗ Chí, VC Hiển, DC Thành..., hay những anh có dịp gặp anh Nghĩa trong các hoạt động truyền thông như các anh Lê Tuấn, PG Đại ..., hoặc bất cứ một anh em nào trong tập thể CVA chúng ta ... có thể chuyển đến anh ấy ít hàng nhận xét của tôi.
Thân quý,
Trần Huy Bích.
Nhờ sự giáo hóa của Giáo sư Trần Huy Bích với ông Nguyễn Xuân Nghĩa, tôi mới có tài liệu để “nói chuyện” với những nhà hoạt động Văn Hóa, Tôn Giáo.
Tôi thường gặp một số nhà hoạt động Văn Hóa, Tôn Giáo tỏ ra thờ ơ với thời cuộc, vì không muốn dính dáng đến chính trị.
Năm 1983 sang Pháp thăm người anh, tôi được người anh đến thăm nhà Giáo dục Hoàng Xuân Hãn. Thạc sĩ Hoàng Xuân Hãn nguyên là Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục trong chính phủ cụ Trần trọng Kim và Thầy (Bố) tôi là Đổng Lý Văn phòng của Thủ tướng Trần trọng Kim. Vì thế, cụ Hãn và Thầy tôi ngoài bạn đồng hương, còn là bạn đồng liêu.
Tôi có hỏi cụ Hãn một câu:
Thưa Bác, Bác vốn được mọi người Việt Nam trọng vọng, vì khi làm Bộ trưởng Giáo dục, bác đã ra lệnh các trường sử dụng Tiếng Việt thay vì Tiếng Pháp. Tại sao một người nặng tinh thần Quốc Gia như bác không về nước giúp Tổng thống Ngô Đình Diệm, để chống lại chủ nghĩa cộng sản ở Miền Bắc, nhằm duy trì văn hóa dân tộc?”
Cụ Hãn trả lời:
Bác không muốn dính dáng đến chính trị, bởi vì chính trị là nhất thời; còn Văn Hóa là muôn đời”.
Nghe bác Hãn trả lời như thế, tôi hỏi tiếp:
Bác nghĩ rằng dưới chế độ độc tài toàn trị cộng sản, liệu người dân có quyền hoạt động Văn Hóa một cách tự do hay không? Hay là phải tuân hành sự chỉ đạo của Đảng”.
Anh tôi nhận thấy tôi có vẻ “gay cấn” với cụ Hãn, đưa tay lên nhìn đồng hồ, rồi xin phép cáo từ. Tôi vốn kính sợ anh mình, nên tôi còn muốn “chất vấn” nhiều điều với cụ Hoàng Xuân Hãn lắm, nhưng đành đứng lên chào cụ Hãn để ra về.
Cụ Hoàng Xuân Hãn sinh năm 1908, kém Thầy tôi 18 tuổi, nhưng theo tục lệ, anh em nhà tôi vẫn thưa gửi với cụ Hãn bằng bác. Đọc những sự tán tụng của người đời đối với nhà Giáo dục Hoàng Xuân Hãn, tôi cũng đem lòng cảm phục. Nhưng được đích thân hầu chuyện với Cụ thì tôi nhận thấy thực tế không đúng như sự lượng giá của mình.
Người trí thức như cụ Hãn được cả nước trọng vọng mà nói câu “Chính trị nhất thời, Văn Hóa là muôn đời” thì tôi hiểu vì sao nước mình rơi vào thảm họa cộng sản.
Cụ Chu văn An tuy là quan văn, giữ chức vụ Tư Ngiệp (tương đương Phó Viện trưởng ngày nay), có thể trói gà không chặt, mà dám dâng sớ xin vua chém đầu 7 nịnh thần, tức là Cụ đã ý thức việc triều chính suy đốn, thì nền Văn Hóa sẽ suy đồi. Cụ Hoàng Xuân Hãn đổi tên trường Bảo Hộ dưới thời Thực dân Pháp thành trường Chu văn An, ắt hẳn Cụ Hãn phải hiểu rằng phải có Nền Chính Trị chân chính thì mới có Nền Văn Hóa văn minh, nhân bản. Thế mà cụ Hãn thường có lời lẽ trọng vọng Hồ Chí Minh và coi ông Ngô Đình Diệm là tay sai của Mỹ.
Trường Chu văn An đã đào tạo nhiều nhân tài; nhưng hiếm thấy có nhân tài khí phách như cụ Chu văn An. Anh Trần Minh Cộng, một cựu học sinh Chu văn An, một Viện trưởng Viện Cảnh sát Quốc gia, một Phát ngôn viên của Mặt trận Kháng chiến, lẽ nào anh không biết Nguyễn Xuân Nghĩa – cháu ruột Mười Cúc – tham gia Mặt Trận với mục đích phân hóa nội bộ Mặt Trận như Cụ Phạm Ngọc Lũy – Chủ tịch Ủy ban Yểm trợ Kháng chiến – đã viết trong hồi ký?
Tôi đã viết về sự hình thành Mặt Trận Hoàng Cơ Minh là do các anh em Người Việt Tự Do ở Nhật sang Thái Lan làm công tác thiện nguyện để giúp đỡ thuyền nhân tỵ nạn cộng sản. Các anh Người Việt Tự Do tràn trề lý tưởng, nhưng thiếu kinh nghiệm đối với mưu mô cộng sản, nên bị chuyên viên tình báo Nguyễn Chí Trung xúi giục sang Mỹ kiếm một ông Tướng để thành lập tổ chức giải phóng Việt Nam. Phó Đề đốc Hoàng Cơ Minh được anh em Hải Quân ca ngợi là một vị Tướng sạch, tôi đồng ý! Nhưng sạch không có nghĩa là có trí tuệ và có mưu lược để tự hỏi có phải đây là âm mưu của Việt Cộng? Anh Phạm văn Liễu, anh Trần Minh Công đều là người giữ chức vụ đầu ngành Cảnh sát Quốc gia. Tại sao các anh không đặt vấn đề với ông Hoàng Cơ Minh vì lý do nào ông tự tạo cho mình hình ảnh Hồ Chí Minh, một tên tội đồ dân tộc?
Tôi là lính Không Quân, ăn cơm dưới đất làm việc trên trời, không phải là chuyên viên tình báo phản gián, nhưng tôi có mắt quan sát. Người Việt tị nạn cộng sản khắp thế giới, có lẽ chỉ có không hơn 10 người con đi tu đạo Phật để làm trụ trì. Thế mà chùa ở Hải ngoại mọc lên như nấm, thì lấy đâu ra các nhà sư trẻ cỡ con cái chúng ta làm trụ trì? Tất nhiên những trụ trì trẻ đó là những “Sư Quốc Doanh” do Việt Cộng xuất cảng để nắm đầu Phật tử ngoan đạo! Tôi nêu lên nghi vấn đó với các nhà trí thức, nhà quân sự cấp Đại tá thì đều được trả lời: “Mình đến Chùa là để lạy Phật... Còn kẻ nào làm điều tội lỗi thì kẻ đó chịu tội với Phật”. Nghe câu trả lời như thế thì tôi mới thấy “lòng từ bi” của các nhà trí thức, quân nhân Phật tử cao cả xiết bao!
Trí thức như Đỗ Quý Toàn (Ngô Nhân Dụng) cựu Giáo sư Chu văn An giao du thân mật với Nguyễn Xuân Nghĩa, thường viết bài bình luận theo cái lối truyền thông cánh tả Mỹ chửi bới Tổng thống Donald Trump. Xin hỏi có bao nhiêu quý vị cựu học sinh Chu văn An lên tiếng phản bác luận điệu của Ngô Nhân Dụng?
Quân nhân như Trung tá Nguyễn Đạt Thịnh thường viết bài bình luận theo luận điệu truyền thông cánh tả thân Trung Cộng, xin hỏi có bao nhiêu quân nhân từng hùng dũng tuyên bố “chúng ta chưa giải ngũ” đã lên tiếng đặt vấn đề với ông Quan Năm Nguyễn Đạt Thịnh, Khóa 6 Trường Võ Bị Quốc gia Việt Nam?
Chúng ta đang sống trong nước Tự do thường khuyến khích dân chúng câu “Speak Up America”, thử hỏi ta sợ hãi điều gì mà không lên tiếng, mà cứ im lìm để cho những kẻ tự tung, tự tác múa gậy vườn hoang?
Sở dĩ Nguyễn Xuân Nghĩa tỏ ra ngạo mạn, dám gọi Cụ Chu văn Ân là “thằng cà chớn” vì anh ta phải thi hành Nghị Quyết 36 của Đảng để dâng cho Thiên Triều. Chứ không phải anh ta say xỉn, không kiểm soát lời ăn tiếng nói đâu. Hồ Chí Minh là Vua Bịp mà cũng có ngày rơi mặt nạ. Bịp cỡ Nguyễn Xuân Nghĩa là loại tép riu, làm sao tránh khỏi rơi mặt nạ, dù mang khẩu trang ngừa Vũ Hán Virus! Chẳng qua anh ta nghĩ rằng Trung Cộng sắp sửa chiến thắng Hoa Kỳ thì anh ta mới dám mạt sát Cụ Chu văn An để lập công khi thời cơ đến đấy thôi. Chẳng lẽ vác mặt đi uống rượu chùa, ăn cơm Tây của nhà văn Huy Phương mãi cũng kỳ!
Đảng Việt Tân là do Nguyễn Xuân Nghĩa thành lập, để thay thế cái bản hiệu “Mặt Trận Quốc gia Thống Nhật Giải phóng Việt Nam” đã quá lem nhem, vì các thành phần trong Mặt Trận Kháng Chiến không có ma nào (kể cả Hoàng Cơ Định) đủ sức viết “Đảng Chế - Đảng Quy” để huấn luyện cán bộ đâu. Ai muốn có tài liệu “Đảng Chế - Đảng Quy” của Việt Tân, hãy liên lạc với tôi.
Sở dĩ Giáo sư Trần Huy Bích chơi thân với Nguyễn Xuân Nghĩa là vì giáo sư chỉ hoạt động trong lãnh vực Văn Hóa, không quan tâm đến vấn đề chính trị. Nên Nguyễn Xuân Nghĩa dù làm mất NIỀM TIN của quần chúng, cũng không đáng gì để đặt thành vấn đề. Nay Nguyễn Xuân Nghĩa mạt sát cụ Chu văn An, nhà văn hóa lẫy lừng, thì Giáo sư Trần Huy Bích nóng ruột quá, mới phải bày tỏ thái độ.
Nhân dịp này, tôi xin đề nghị những nhà hoạt động Văn Hóa, Tôn Giáo vui lòng “ngó” vào chính trị một chút để lánh xa bọn kháng chiến bịp, bọn từ thiện xạo và bọn buôn thần bán thánh. Còn MC Nguyễn Ngọc Ngạn thuộc loại “thương nữ bất tri vong quốc hận” thì để cho cô Bé Tí giáo dục là đủ rồi!
Tôi nhận được email của Giáo sư Trần Huy Bích cám ơn vì đã quan tâm đến vấn đề cựu học sinh Chu văn An và nói rằng nhiệm vụ của Giáo sư về vấn đề Chu văn An đã chấm dứt. Còn tôi, tuy không phải là cựu học sinh Chu văn An, chỉ là anh nhà binh ít học, nhưng vấn đề Chu văn An không bao giờ chấm dứt, vì cụ Chu văn An là biểu tượng của nhà trí thức có khí phách, thì thế hệ kế thừa phải có nhiệm vụ thắp sáng tinh thần Chu văn An, dù cuộc đời đã gần kề miệng lỗ!
Bao lâu còn có kẻ bôi nhọ khí phách nòi giống Việt Nam, tôi còn lên tiếng! Xin vong hồn Cụ Chu văn An thấu hiểu cho kẻ hậu sinh này. Biển học mênh mông, mà cuộc đời thì ngắn ngủi, kẻ hậu sinh này cố gắng học hoài mà chưa tới bến bờ nào cả! Đành cam chịu làm kẻ ít học là vì thế!
Không còn nghi ngờ gì nữa về nhân thân của Nguyễn Xuân Nghĩa, sau khi anh ta mạt sát cụ Chu văn An, phản ảnh màn đấu tố trong Nhân Văn Giai Phẩm vô cùng!
Bằng Phong Đặng văn Âu
Điện thoại 714 – 276 – 5600
Email Address: bangphongdva033@gmail.com

Ít điều cần biết về nhà giáo dục Chu Văn An Bài TỪ MAI TRẦN HUY BÍCH

 
Tượng Chu Văn An trên bàn thờ tại Văn miếu – Quốc tử giám Hà Nội
(Những chữ Hán trên đôi câu đối sẽ được giải thích ở cuối bài)


Trong ít hôm vừa qua, cộng đồng mạng người Việt huyên náo hơn mức bình thường.
Một YouTube được đưa ra, trong đó người thực hiện và trình bày đánh giá Chu Văn An, một nhà giáo dục được tôn kính từ thế kỷ 14 là “rất tệ,” là “tối,” rồi đưa tới một lời miệt thị rất nặng, “thằng cha đó là một thằng cà chớn.” Phản ứng lập tức đến từ rất nhiều phía, bộc lộ một niềm phẫn nộ tới cùng độ. Trong những phản đối ấy có một vài quá đáng, tuy lăng mạ mạnh mẽ nhưng chưa vạch được rõ người đưa ra lời phê phán đã sai ở những điểm nào.
Giữa hàng trăm, hàng ngàn lời buộc tội, người viết những dòng này đọc được một lời bênh. Nhưng người bênh có một điểm sai, tưởng Chu Văn An làm đến chức Tể tướng và có quyền rất lớn trong triều Trần. Để đạt được một nhận định vô tư và khách quan, bài này xin được duyệt lại sử sách Việt Nam các đời trước, xem tiền nhân đã chép về Chu Văn An ra sao, cùng tìm hiểu thêm xem trong thời của ông (qua bốn triều vua Trần Minh tông, Hiến tông, Dụ tông, Nghệ tông), Chu Văn An đã vị trí như thế nào.

Để  làm được việc ấy, chúng tôi xin chép nguyên văn hay tóm lược những đoạn viết về Chu Văn An trong:
- Hai bộ chính sử: Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (từ sau xin gọi tắt là Toàn Thư, bộ sử của nhà Lê, do Ngô Sĩ Liên và một số sử quan sau ông biên soạn), và Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (từ sau xin gọi tắt là Cương Mục, bộ sử của nhà Nguyễn, do Quốc Sử Quán triều Nguyễn biên soạn).
- Hai bộ sử danh tiếng của học giả tư nhân: Việt Sử Tiêu Án của Ngô Thời Sĩ (1726-1780), một đại thần, cũng là một trí thức, sử gia rất có danh vọng cuối đời Lê; và Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim (1883-1953), một học giả, sử gia, và nhà giáo dục có uy tín trong nửa đầu thế kỷ 20.
- Hai bộ truyện ký: Nam Ông Mộng Lục của Hồ Nguyên Trừng (1374-1446), con trưởng của Hồ Quý Ly, sống sau Chu Văn An không bao lâu; và Tang Thương Ngẫu Lục của Phạm Đình Hổ (1768-1839) và Nguyễn Án(1770-1815), hai danh sĩ sống vào cuối thế kỷ 18 qua đầu thế kỷ 19.
- Hai bộ sách nghiên cứu: Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, thiên “Nhân vật chí,” của Phan Huy Chú (1782-1840), một học giả uyên bác đầu triều Nguyễn; và Lược Truyện Các Tác Gia Việt Nam do Trần Văn Giáp (1902-1973), một học giả nghiêm túc cận đại làm chủ biên.

- Chúng tôi cũng xin ghi thêm một bài về Chu Văn An trong một cuốn sách giáo khoa dành cho học sinh Việt Nam bậc Tiểu học cho tới năm 1945. Đó là cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp Sơ đẳng (lớp Ba những năm sau), tác giả là bốn nhà giáo dục có uy tín trong thời kỳ Pháp thuộc: Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận.

Trước hết, ĐVSK Toàn Thư chép về Chu Văn An như sau:
An (người Thanh Đàm), tính cương nghị, thẳng thắn, sửa mình trong sạch, bền giữ tiết tháo, không cầu lợi lộc. Ông ở nhà đọc sách, học vấn tinh thông, nổi tiếng gần xa, học trò đầy cửa, thường có kẻ đỗ đại khoa, vào chính phủ... Kẻ nào xấu thì ông nghiêm khắc trách mắng, thậm chí la hét không cho vào... Minh tông mời ông làm Quốc t giám Tư nghiệp, dạy Thái tử học. Dụ tông ham chơi bời, lười chính sự, quyền thần nhiều kẻ làm trái phép nước, An khuyên can, [Dụ tông] không nghe, bèn dâng sớ xin chém bảy tên nịnh thần, đều là những kẻ quyền thế được vua yêu. Người bấy giờ gọi là "Thất trảm sớ". Sớ dâng lên nhưng không được trả lời, ông liền treo mũ về quê. Ông thích núi Chí Linh, bèn đến ở đấy...”

Chu Văn An được mời ra làm quan trong đời Trần Minh tông, giữ chức Quốc tử giám Tư nghiệp. Khi mất năm 1370 trong đời Trần Nghệ tông, ông vẫn ở chức ấy. Toàn Thư chép:
Quốc tử giám Tư nghiệp Chu An mất, được truy tặng tước Văn Trinh công, cho tòng tự ở Văn miếu.” ¹

(Danh hiệu ông thực ra là Chu An, sau khi mất được ban tên thụy là Văn Trinh và tặng tước Văn Trinh công. Thời xưa thường tránh nêu tên húy, nên sử sách nhiều đời gọi ông là “Chu Văn Trinh công.” Dần dần ông được quen gọi là Chu Văn An).

Cương Mục chép như sau:
Chu An tính cương trực, thanh cảnh, giữ tiết khắc khổ thanh tu, không cầu danh lợi hiển đạt. Ở nhà đọc sách, học nghiệp tinh thâm, thuần túy. Gần xa nghe tiếng, đến học rất đông. Học trò nhiều người thi đậu cao, làm quan to, như Phạm Sư Mạnh và Lê Quát đã làm đến Hành khiển, thời thường lui tới thăm hỏi, vẫn cứ thụp lạy ở bên giường thày, hễ được thày nói chuyện một chút thì lấy làm mừng lắm. Hễ kẻ nào làm điều lm lỗi trái ý thì thày quở trách ráo riết, có khi quát mắng đuổi ra...Dưới triều Trần Minh tông, ông được vời làm Quốc tử Tư nghiệp, dạy Thái tử học. Đến Trần Dụ tông ham mê chơi bời, xao lãng chính sự, bọn quyền thần làm nhiều sự trái phép. Chu An can không nghe, bèn dâng sớ xin chém bảy tên nịnh thần, đều là những kẻ có thế lực và được cưng chiều cả. Bấy giờ gọi là "Thất trảm sớ". Sớ dâng lên, không được trả lời, Chu An liền treo trả mũ áo, trở về điền viên... Thiên hạ đều khen là người có khí tiết cao. Được tin Trần Nghệ tông lên làm vua, Chu An mừng lắm, chống gậy đến bái yết, xong lại xin về, rồi mất ở nhà. Nhà vua sai quan đến tế viếng, đặt tên thụy là Văn Trinh, được thờ phụ ở Văn Miếu.” ²

Tác giả chính của bộ Toàn Thư, sử gia Ngô Sĩ Liên, bình luận thêm như sau:
Tư thế đường hoàng mà đạo làm thầy được nghiêm, giọng nói lẫm liệt mà bọn nịnh hót phải sợ... Ông thực đáng được coi là ông tổ của các nhà nho nước Việt ta mà thờ vào Văn Miếu.” ³

Xin được bổ túc: Khi Trần Minh tông trao cho ông việc dạy Thái tử, đó là Thái tử Trần Vượng, sau nối ngôi là vua Hiến tông. Nhưng Hiến tông chẳng may mất sớm khi mới 22 tuổi, người em lên ngôi là Dụ tông. Những năm đầu của triều Dụ tông chưa suy sút lắm vì Minh tông vẫn còn trên ngai Thái Thượng hoàng. Chỉ sau khi vua Minh tông qua đời, Dụ tông ham vui chơi, bỏ bê chính sự, gần bọn tiểu nhân, triều chính mới suy. Trong phần sau sẽ xin trình bày rõ hơn về những điểm ấy.

Việt Sử Tiêu Án của Ngô Thời Sĩ chép:
Quan Quốc tử Tư nghiệp là Chu Văn An mất, Vua sai quan dụ tế, cho tên thụy là Văn Trinh, được thờ Văn miếu theo hàng tiên hiền.

Sau khi nhắc lại những chi tiết Toàn ThưCương Mục đã nói tới, người thanh tĩnh, giữ tiết hạnh khắc khổ, không cầu lợi lộc cao sang, chỉ ở nhà đọc sách, có nhiều học trò làm nên, và việc vua Dụ tông ham chơi, nhiều quyền thần làm điều phạm pháp, ông dâng sớ xin chém 7 tên nịnh thần ...” Ngô Thời Sĩ cung cấp thêm chi tiết sau:

Khi bình xong nội nạn (chỉ việc Dương Nhật Lễ muốn dứt ngôi nhà Trần), ông mừng lắm, chống gậy lên yết mừng vua (Nghệ tông), rồi lại trở về núi.” ⁴

Trong Việt Nam Sử Lược, học giả Trần Trọng Kim cho biết rõ hơn về tình trạng gian thần lộng hành trong triều vua Dụ tông:

Hiến tông không có con, Minh tông thượng hoàng lập người em tên là Hạo lên làm vua, tức là vua Dụ tông. Trong những năm Thiệu-phong, tức mười mấy năm đầu, tuy Dụ tông làm vua, nhưng quyền chính trị ở Minh tông Thượng hoàng quyết đoán, cho nên dẫu có mấy năm tai biến mất mùa nhưng việc chính trị còn có thứ tự. Từ năm Đại-trị nguyên niên (1358) trở đi, Thượng hoàng mất rồi, bọn cựu thần như ông Trương Hán Siêu, ông Nguyễn Trung Ngạn cũng mất cả, từ đó việc chính trị bỏ trễ nải. Kẻ gian thần mỗi ngày một đắc chí.
Vua Dụ tông về sau cứ rượu chè chơi bời, xây cung điện, đào hồ đắp núi, rồi cho gọi những người nhà giàu vào trong điện để đánh bạc. Bắt các quan thi nhau uống rượu, ai uống được một trăm thăng thì thưởng cho hai trật. Chính-sự như thế, cho nên giặc cướp nổi lên như ong ...Dân tình khổ sở. Cơ nghiệp nhà Trần bắt đầu suy từ đấy.” ⁵

Toàn Thư cũng cho biết từ năm Đại Trị nguyên niên (1358) trở đi, vua Dụ tông “chơi bời quá độ, cơ nghiệp nhà Trần suy yếu.” Có lần vua ngự thuyền nhỏ đi chơi khuya, mãi canh ba mới về, tới khúc sông vắng, bị cướp mất ấn báu, gươm báu. “Vua tự biết mình không sống lâu, càng thả sức chơi bời.” ⁶

Sau khi dâng biểu can ngăn không hiệu quả, Chu Văn An đành dâng “Thất trảm sớ.” Tuy thế, những kẻ ông xin chém là những tên gian nịnh, đã kết thành bè đảng, lấy được lòng tin của vị vua bê tha và ham vui. Nếu không có uy tín thật cao, Chu Văn An đã bị họ sát hại. Có khi cũng vì lẽ ấy ông phải lui về núi ẩn cư. Nếu còn ở kinh đô, không khỏi bị họ coi là “cái gai trong mắt.”

Tập truyện ký đầu tiên chép về Chu Văn An là Nam Ông Mộng Lục của Hồ Nguyên Trường. Chu Văn An trung với nhà Trần trong khi thân phụ Hồ Nguyên Trừng là Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần. Tuy thế, Hồ Nguyên Trừng vẫn viết về Chu Văn An với đầy trân trọng và thương tiếc:

Chu An, hiệu Tiều Ẩn, người Thượng Phúc...Tính ông liêm khiếtcương trực. Ở nhà thường thích đọc sách, học vấn tinh thuần, tiếng vọng xa gần.Học trò đầy cửa ... An điềm đạm, ít ham muốn, không đi thi. Khoảng năm Chí Nguyên, Trần Minh vương bái mời làm Quốc tử Tư nghiệp, dạy Thế tử học ...Minh vương mất, con là Dụ vương chơi bời, bỏ chính sự, quyền thần làm nhiều điều trái phép. An nhiều lần can ngăn không nghe, lại dâng sớ xin chém bảy tên gian thần đều hạng quyền thế, người đương thời gọi là Thất trảm sớ.Dâng lên không trả lời, An treo mũ từ quan, về với vườn ruộng. Sau Dụ vương mất, nước có loạn. Quần thần đón lập Nghệ vương. An nghe rất mừng, chống gậy yết kiến, rồi lại về làng, từ chối không nhận chức tước. Ban cho hiệu Văn Trinh tiên sinh, hậu lễ tiễn đưa. Chẳng bao lâu, An mất ở nhà. Nhân sĩ đô thành cảnh ngưỡng cao phong, không ai là không thở than thương tiếc.” ⁷

Trong Tang Thương Ngẫu Lục viết vào đầu thế kỷ 19, sau khi Chu Văn An tạ thế đã trên 400 năm, hai tác giả Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án cũng nhắc lại những chi tiết như trong các tài liệu trước. Hai ông thêm lời bình luận, Sĩ phu đều kính ngưỡng như núi Thái sơn, sao Bắc đẩu,” và chép lại bài thơ ca tụng Chu Văn An của Băng Hồ tướng công Trần Nguyên Đán (tôn thất đời Trần, 1325 hay 1326 – 1390) mà câu đầu là:
Phủ miện hoàn khuê tâm dĩ hôi
(Đối với mũ áo của triều đình và ngọc hoàn khuê cầm tay [y phục của đại thần khi vào chầu thiên tử], lòng đã nguội lạnh như tro). ⁸
Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí của Phan Huy Chú là một tác phẩm đồ sộ, chia làm 10 thiên. Thiên thứ II, “Nhân vật chí” từ Quyển VI đến Quyển XII. Cuộc đời Chu Văn An được chép ở đầu Quyển XI, “Các nhà nho có đức nghiệp.”
Sau khi nhắc lại một số điều chúng ta đã biết qua các tài liệu trước, nhà bác học họ Phan viết thêm: “Khi Dụ tông mất, ngôi nhà Trần sắp tuyệt. Nghe tin quần thần đón lập Nghệ tông, ông rất mừng, chống gậy lên yết kiến. Rồi lại xin về làng, phong chức gì cũng từ chối không nhận. Vua lấy lễ tôn kính, sai quần thần đưa về. Không bao lâu ông chết ở nhà.” Phan Huy Chú bình luận, “Cái học của ông tinh túy chân chính... Đạo đức ông làm khuôn mẫu, đương thời ai cũng tôn trọng... Ai cũng khen phong độ của ông là cao thượng.” ⁹
Phan Huy Chú cũng trích dẫn một bài thơ của Trần Nguyên Đán (đã nhắc tới ở trên) làm sau khi Chu Văn An được vua Trần Minh tông “bái phong” làm Quốc tử Tư nghiệp. Xin được dẫn 3 câu đầu trong bài thơ 8 câu ấy:
Học hải hồi lan, tục tái thuần
Thượng tường sơn đẩu đắc tư nhân
Cùng kinh bác sử công phu đại ...
(Xoay luồng sóng trong biển học để phong tục lại được thuần hậu
Nhà trường đã được bậc đạo đức như Thái sơn, Bắc đẩu đến dạy
Đọc hết kinh, xem rộng sử, công phu rất lớn ...) ¹⁰

Học giả Trần Văn Giáp (thân phụ của các Gs. Trần Văn Dĩnh, Trần Văn Kiện, giáo sư tại Đại học Luật khoa Sàigòn trước năm 1975) là một nhà nghiên cứu uyên bác nhưng cẩn trọng, mỗi chữ, mỗi câu đều có cân nhắc. Trong cuốn Lược Truyện Các Tác Gia Việt Nam do ông chủ biên, phần về Chu Văn An chiếm gần hai trang với lời tóm lược như sau: “Ông là người tính nết ngay thẳng, trong sạch, có tài văn chương, uyên thâm về đạo lý nho học ...Khi ông mất, được thờ tại Văn miếu, cùng hàng với các bậc hiền triết, và có đền thờ riêng nơi nhà ở ẩn của ông trên núi Phượng Hoàng.” Trong sách cũng nói qua về việc dựng đền, các câu đối trong đền, cùng liệt kê các tác phẩm của Chu Văn An. ¹¹

Những người Việt được đi học từ lớp tuổi 65, 66 trở lên đều đã học qua, hay ít nhất biết qua, bộ Quốc Văn Giáo Khoa Thư do các cụ Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận soạn. Bộ này được Nha Học Chính Đông Pháp xuất bản, và được dùng làm tài liệu giáo khoa chính thức trong các trường tiểu học cho tới năm 1945, làm tài liệu tham khảo ít nhất cho đến năm 1954. Bài về Chu Văn An là bài thứ 34 trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp Sơ đẳng. Nửa sau của bài ấy như sau:

“Vua nghe ông là bậc đạo đức mô phạm, triệu vào kinh cho làm quan để dạy Thái tử. Sau ông thấy chính sự trong triều suy đồi, bọn quyền thần lắm kẻ làm bậy, ông dâng sớ xin chém người gian nịnh. Vua không nghe lời. Ông bèn từ chức, không thiết gì đến công danh quyền lợi nữa.

Người trong nước ai cũng khen ông là bậc cao hiền. Khi ông mất, vua cho đem vào thờ trong Văn miếu, ngang hàng với các bậc tiên nho.” ¹²

Trong tất cả các tài liệu kể trên, suốt một dòng thời gian 600 năm, từ tác phẩm đầu tiên của Hồ Nguyên Trừng (sinh năm 1374) đến tác phẩm cuối dưới sự chủ biên của Trần Văn Giáp (mất năm 1973), Chu Văn An đều được trình bày là một nhân vật đáng kính ngưỡng với cốt cách thanh cao.

Trong Quyển V của Kiến Văn Tiểu Lục, bàn về tài năng, phẩm hạnh con người, nhà bác học Lê Quý Đôn viết, “Chu An dâng sớ xin chém bọn nịnh thần, làm rung động cả trong triều ngoài quận, rồi cáo quan trả mũ áo về nhà, không chịu tước lộc bó buộc, vua chúa phải tôn trọng, công khanh phải kính phục, đấy là bậc thanh cao nhất.” ¹³

Trong kho tàng văn học Việt Nam, thơ văn và câu đối ca tụng Chu Văn An rất nhiều. Để làm tiêu biểu, xin được dẫn một bài thơ của Đặng Minh Khiêm (1456? – 1522?) trong Việt Giám Vịnh Sử Tập:

Thất trảm chương thành tiện quải quan
Chí Linh chung lão hữu dư nhà
Thanh tu khổ tiết cao thiên cổ
Sĩ vọng nham nham ngưỡng Thái San

(Thất trảm sớ dâng rồi, giải quan
Chí Linh cao ẩn giữa thanh nhàn
Sửa mình, khí tiết soi thiên cổ
Kẻ sĩ trông vời hướng Thái San).

Câu đối ở đình làng Thanh Liệt (quê của Chu Văn An):

Thất trảm sớ còn thơm, gương sử thẹn cho phường mại quốc
Lục kinh tro chửa nguội, bảng huỳnh treo mãi chốn danh hương.

Những chữ Hán trong cặp câu đối tại bàn thờ Chu Văn An ở Văn miếu Quốc tử giám giới thiệu phía trên (hình chụp không đủ chữ):

Bác ư sử, cùng ư kinh, thánh đạo uyên nguyên khai -- --
Hành dĩ lễ, tàng dĩ nghĩa, hiền nhân phong tiết thiệu -- --
Nghĩa:
Học rộng về sử, hiểu thấu nghĩa của kinh, chỗ vực sâu, chỗ khai nguồn của đạo thánh mở ra -- --
Ra làm việc đời lấy chữ lễ (ngụ ý theo lệnh vua triệu khi ra làm quan), lui về ở ẩn theo chữ nghĩa (ngụ ý khi đời vô đạo thì lui về), phong tư khí tiết của bậc hiền nhân tiếp nối -- --

Tóm lại, trong suốt dòng lịch sử dân tộc từ mấy trăm năm nay, Chu Văn An được vô cùng kính ngưỡng. Bên cạnh việc được thờ ở Văn miếu Quốc tử giám Hà Nội, ông còn đền thờ ở quê nhà, tại khu trường dạy học của ông ngày xưa, và đền thờ trên núi Phượng Sơn trong dãy núi Chí Linh, nơi ông về ẩn dật trong những năm cuối đời. Tên ông được đặt cho một trường Trung học quan trọng của Việt Nam, và trên nhiều đường phố ở Hà Nội, Sàigòn, thị xã Quảng Yên, thành phố Uông Bí ...

Chu Văn An không thành công trong việc khu trừ bọn gian thần chung quanh vua Dụ tông. Chúng ta có thể nêu nhận xét: ông “không giỏi về chính trị.” Nếu muốn, có thể coi ông là “thường, xoàng, không có mưu lược chính trị.” Tuy nhiên, nói như thế cũng có điểm bất công: từ trước tới sau, ông chỉ tự coi là một nhà giáo dục, và căn bản cũng chỉ là một nhà giáo dục. Sau khi lui về ẩn tại Chí Linh, ông lại tiếp tục làm công việc dạy học. Gọi ông là “rất tệ,” là “tối” đã có phần quá đáng. Không cách nào giải thích, không thể nào biện minh được cho việc gọi ông là “thằng cha,” “thằng cà chớn” một cách ngạo ngược và vô lễ. Cộng đồng phẫn nộ và phản ứng một cách gay gắt cũng là lẽ đương nhiên.

Chúng ta không có tài liệu đầy đủ về quan chế đời Trần. Tất cả tài liệu về điển chương, chế độ trong hai triều Lý, Trần đã bị quân Minh tịch thu, thiêu hủy, hay đưa về Kim Lăng theo chỉ thị của Minh Thành tổ sau khi chiến thắng Hồ Quý Ly. Nhưng theo quan chế đời Lê, thì Quốc tử giám Tư nghiệp ở hàng Tòng Ngũ phẩm, dưới các chức Thượng thư (Tòng Nhị phẩm), Đô Ngự sử (Chánh Tam phẩm), Thị lang (Tòng Tam phẩm), Phó Đô Ngự sử (Chánh Tứ phẩm), Quốc tử giám Tế tửu (Tòng Tứ phẩm), và Thái y viện đại sứ (Chánh Ngũ phẩm) ¹⁴. Theo quan chế thời Nguyễn thì Quốc tử giám Tư nghiệp ở hàng Tòng Tứ phẩm ¹⁵. Đời Trần chắc không khác bao nhiêu: các học quan chỉ làm công việc dạy học, không có quyền về hành chánh, ngạch trật thường không cao. Ngoại trừ bản “Thất trảm sớ,” Chu Văn An không còn phương tiện chính thức nào khác để có thể nói lên ý hướng muốn trừ bọn gian thần.

Ở nước Tề đời Xuân Thu bên Trung Hoa, Quản Trọng làm Tướng quốc (Tể tướng) mà không trừng trị được ba kẻ tiểu nhân Thụ Điêu, Dịch Nha, Khai Phương, luôn luôn xu nịnh Tề Hoàn công. Ngạch trật và vị thế Chu Văn An thua Quản Trọng khá xa, số gian thần, tiểu nhân đông hơn, và Dụ tông là vị vua bê tha, không sáng suốt như Tề Hoàn công. Chúng ta cần thông cảm những chỗ khó của Chu Văn An, và không nên đòi hỏi quá đáng khi phê phán ông.

Khi dâng “Thất trảm sớ,” Chu Văn An sống trong đời vua Dụ tông. Thượng hoàng Minh tông, người có tình “tri ngộ” triệu ông ra làm quan, đã qua đời. Vua Hiến tông, vị Thái tử được ông giáo huấn, đã qua đời quá sớm khi mới 22 tuổi. Giữa ông và Dụ tông không có tương quan gì đặc biệt. Vị vua trẻ ham uống rượu, thích đánh bạc, thích đắp núi, đào hồ, xây cung điện, chắc chắn gần với bọn tiểu nhân khéo chiều chuộng và xu nịnh hơn.

Trở lại với YouTube trong đó Chu Văn An bị miệt thị, ta có thể thấy ngay người thực hiện YouTube ấy đã có một ngộ nhận quan trọng. Tưởng rằng Chu Văn An quyền chức cao, trong khi ông chỉ là một học quan ở Ngũ phẩm. Chê ông không biết bày mưu lập kế chia rẽ bọn gian thần, trong khi ông là một nhà giáo dục thẳng tính với tâm hồn cao khiết. Lầm lẫn ấy đưa tới một hậu quả đáng tiếc. Với phẩm cách cao quý, Chu Văn An rất được kính ngưỡng, đã trở thành một biểu tượng về văn hóa của dân tộc từ bao đời. Buông lời hỗn xược đối với ông trong khi không nêu được lý do là một hành động dại dột, rất khó được dư luận tha thứ.

Phân tích nguyên động lực khiến người thực hiện YouTube có hành động như thế, một số người cho rằng đây là chỉ là “một phần trong một kế hoạch lớn, nhằm soi mòn, triệt hạ những giá trị tinh thần của dân tộc Việt.” Đánh tan uy tín của vị “vạn thế sư” sẽ khiến dân Việt bị hoang mang, tan rã hết niềm tin, hầu “dễ bị đồng hóa.” Có người cho rằng Chu Văn An tiêu biểu tinh phần sĩ phu khảng khái của dân tộc Việt Nam. Đập tan uy tín của Chu Văn An là ý hướng của một nhóm cầm quyền độc tài, muốn dân Việt không ai là người khí khái nữa, sẽ dễ chịu khuất phục. Người viết những dòng này chưa thấy vấn đề trầm trọng đến mức ấy. Cách hành xử của nhà giáo dục Chu Văn An quang minh chính đại, sáng rực rỡ như ánh mặt trời, khó ai có thể xuyên tạc. Dân tộc Trung Hoa có thành ngữ, “chó Đạo Chích sủa vua Nghiêu.” Uy tín của vua Nghiêu không thể tổn hại khi bị chó [của] Đạo Chích sủa.

Có người cho rằng đây là hành động của một người cao ngạo, kiêu căng, luôn luôn nghĩ rằng mình hơn đời, vậy cần phải “độc sáng,” khác đời. Nếu đúng thế, đây là một việc làm quá táo bạo, dựa trên một nhận thức thiếu chính xác. Việc làm ấy sẽ khiến mức tín nhiệm còn lại bị sụp đổ. Danh vọng, uy tín của một vĩ nhân như Chu Văn An bền vững đã trên 600 năm nay. Một người ở thời chúng ta, dù thông minh tới cỡ nào, làm sao lay đổ được?

Tượng Chu Văn An tại trường Trung học Chu Văn An Hà Nội
Người chụp: Quỳnh Trang
Xuất xứ: Trang mạng VNExpress

Từ Mai Trần Huy Bích

CHÚ THÍCH
  1. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư / Hoàng Văn Lâu dịch và chú thích ; Hà Văn Tấn hiệu đính (Hà Nội : NXB Khoa Học Xã Hội, 1988), Tập II, trang 151-152.
  2. Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục / dịch giả, Viện Sử Học (Hà Nội : NXB Giáo Dục, 1998). Ấn bản điện tử do Lê Bắc thực hiện, trang 293.
  3. Toàn Thư (sđd), Tập II, trang 153.
  4. Ngô Thời Sĩ. Việt Sử Tiêu Án / Bản dịch của Hội Việt Nam Nghiên Cứu Liên Lạc Văn Hóa Á Châu (San Jose, CA : Văn Sử, 1991), trang 252-253.
  5. Trần Trọng Kim. Việt Nam Sử Lược (Sài Gòn : Trung Tâm Học Liệu, 1971), trang 173-174.
  6. Toàn Thư (sđd), Tập II, trang 127, 144.
  7. Hồ Nguyên Trừng. Nam Ông Mộng Lục / Trần Nghĩa dịch và chú thích (Hà Nội : NXB Văn Học, 2001), truyện thứ 7.
  8. Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án. Tang Thương Ngẫu Lục / dịch giả, Đạm Nguyên (Sài Gòn : Bộ Giáo Dục, 1970), trang 109-110.
  9. Phan Huy Chú. Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí / Tổ Phiên Dịch Viện Sử Học Việt Nam phiên dịch và chú giải (Hà Nội : NXB Khoa Học Xã Hội, 1992), Tập 1, trang 364.
  10. Phan Huy Chú (sđd), trang 365.
  11. Lược Truyện Các Tác Gia Việt Nam / Trần Văn Giáp chủ biên (Hà Nội : NXB Văn Học, 2000), trang 174-175.
  12. Quốc Văn Giáo Khoa Thư : Lớp Sơ Đẳng / Trần Trọng Kim ... (Hà Nội : Nha Học Chánh Đông Pháp, 1935), trang 42.
  13. Lê Quý Đôn. Kiến Văn Tiểu Lục (Hà Nội : NXB Văn Hóa Thông Tin, 2007), trang 298.
  14. Phan Huy Chú. Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí (sđd), trang 451-452.
  15. Trần Trọng Kim. Việt Nam Sử Lược (sđd), trang 189-192.