Wednesday, July 29, 2015

TÌNH CÀ

Núi Tà Dôn
Với tôi, Phan Thiết không chỉ dễ thương với Mũi Né, Tà Dôn, Tà Cú…mà còn đặc biệt dễ thương với ba nhà thơ bạn mình, đó là Từ Thế Mộng, Nguyễn Bắc Sơn và Nguyễn Như Mây. Hãy nói về Từ Thế Mộng trước. Không phải vì anh là nhà thơ… lớn hơn hai nhà kia nhưng bởi  anh có tuổi… lớn hơn hết trong bọn chúng tôi. Năm nay anh đã 70 rồi mà tiếng cười vẫn rổn rảng, sảng khoái và sáng nào anh cũng đạp xe đạp đi tắm biển một mình, chỉ để ngắm ráng đỏ bên trời: Em ngữa mình gối sóng/ Ráng đỏ thoáng bên trời/ Anh rùng mình ngăn lại/ Một tiếng thầm đang rơi. Tôi hỏi tiếng gì thầm, anh im lặng không nói. Chắc phải gởi anh vài thứ thuốc! Anh là tác giả của các tập thơ Lời ca cỏ non, Lẽo đẽo một phương qùy, Trường ca Má thương yêu… và nhiều tùy bút, đoãn văn rất hay trên các báo. Tưởng anh mê biển mà không phải vậy, chẳng qua. Mấy hôm nay biển thở dài/ Mới hay em bệnh đã vài bốn hôm! Nhìn một cô gái đi trong mưa, anh kêu lên: Em về/ trong dịu dàng mưa/ Bước chân lửng thửng/ như chưa ướt gì…Làm ta không khỏi nhớ đến câu ca dao rất dễ thương của vùng Bình Thuận: Trời mưa ướt lá bồn bồn/…. Từ Thế Mộng tên thật là Nguyễn Đình Tư, được mọi người biết dưới tên Tư Đình, để phân biệt với những ông Tư khác ở Phan thiết. Vốn là một thầy giáo dạy văn, gốc Huế nhưng anh đã sống và lớn lên ở Phan Thiết từ thuở mới lên mười, cho nên anh mê Phan Thiết chết đi được.
Phan Thiết mưa và PhanThiết nắng
Bởi vì em Phan Thiết ở bên anh
Rồi Phan Thiết một ngày chợt vắng
Em yêu ơi mưa nắng nữa sao đành…
(TTM)
Mười mấy tuổi đầu, anh mê một cô hàng xóm xinh đẹp, có chữ lót là Mộng. Từ đó, trên thế gian này, chỉ còn có mộng của anh, nên anh lấy bút danh là Từ Thế Mộng. Tôi đùa vậy còn thực hư ra sao không biết. Dù sao thì Mộng cũng đã thành Thực từ lâu rồi! Còn “Lẽo đẽo một phương quỳ” của anh viết từ Bảo Lộc, những tháng ngày lang thang dạy học kiếm sống. Dĩ nhiên Bảo Lộc trời thì lạnh mà đầy hoa quỳ vàng cho nên nhà thơ có lẽo đẽo cũng chẳng có chi là lạ! Trong lời tự bạch về mình, anh khoe anh “có tật mê gái, thấy con gái đẹp thì mắt sáng rỡ”. Các “con gái đẹp” dĩ nhiên cũng sẵn sàng tha thứ cho một nhà thơ mắt sáng rỡ từng chập như thế thôi! Trong Lẽo đẽo một phương qùy, nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn, bạn anh, đã vẽ chân dung anh bằng hai câu thơ đặc sắc: Tư Đồ, Tư Mã, Tư Không
Ba Tư dồn lại thành ông Tư Đình!

Tư Đồ, Tư Mã, Tư Không thì tôi biết rồi, chịu rồi, nhưng thắc mắc chuyện ba Tư dồn lại, bởi nếu theo câu ca dao “Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây dụm lại thành hòn núi cao” thì ở đây phải là “dụm lại” mới đúng chớ! Tôi hỏi. Từ Thế Mộng nhìn tôi từ đầu đến chân bằng ánh mắt thương hại, rồi cười ha hả:  Câu thơ của Nguyễn Bắc Sơn  chỉ “ăn tiền” có chút xíu đó mà ông đòi sửa thì còn gì là Nguyễn Bắc Sơn với Tư Đình Từ Thế Mộng này nữa!
Cứ nghĩ cái cảnh ba ông Tư kia chen chúc, dồn lại một cục thành ông Tư Đình, tôi cũng không khỏi tủm tỉm cười một mình vậy!  .
BS. Đỗ Hồng Ngọc

No comments:

Post a Comment