Wednesday, August 19, 2015

Phan Thiết và những con đường …


Đường Hải Thượng Lãn Ông
Khi mới hoàn thành, cầu Trần Hưng Đạo, tuy thật đắc dụng cho chiến lược quốc phòng của chính quyền thời bấy giờ và dân sinh của người Phan Thiết, nhưng lại tỏ ra ít hấp dẫn đối với lũ học trò suất chiều Trường Phan Bội Châu, như chúng tôi, vì quá nắng nóng. Cứ nghĩ đến giữa trưa mà lội bộ qua các đoạn đường nhựa, cùng với cây cầu bê tông, trong thời tiết khô và nắng gần như quanh năm như Phan Thiết, chúng tôi đứa nào cũng lắc đầu le lưỡi. Mùa hè 1972, được sử sách gọi tên là mùa Hè đỏ lửa, quả thật không sai. Tên gọi đúng với tính chất tàn khốc, bi thảm của cuộc chiến, và đúng cả với sự khắc nghiệt của thời tiết, khí hậu miền Nam lúc ấy. Không biết sao, năm 1972, dịch viêm màng não (khi đó gọi là đau màng não, sau tháng 4 năm 1975, danh từ “viêm” mới trở nên thông dụng) lại bùng phát dữ dội trong các phố thị ở miền Nam. Người mắc bệnh này, phần lớn là thanh niên và trẻ em. Ở Phan Thiết khi đó, cũng có nhiều đứa trẻ độ tuổi tôi mắc bệnh và tử vong. Nhiều người đồn thổi, do giữa trưa tụi nó đi qua cầu Mới (tên phổ biến được người dân gọi cầu Trần Hưng Đạo thưở ấy) nên mới sinh bệnh, làm lũ học trò chúng tôi trong mùa nóng mà lại thấy … rét!
Tuy vậy, thiên nhiên Phan Thiết như muốn bù lại cho cây cầu. Vừa đổ dốc sang phía tả ngạn sông Mường Mán (sông Cà Ty ngày nay), rẽ trái là vào con đường Hải Thượng Lãn Ông rợp mát bóng cây, mà chủ yếu là me cổ thụ. Những cây me hàng chục năm tuổi, vỏ cây sần sùi, to bằng mấy vòng tay ôm của chúng tôi, vòm lá xanh mát quanh năm, ngày ngày tỏa bóng chở che từng bước đi của đám học trò nhỏ. Sau này đôi lúc ngẫm ngợi, mới thấy trong sự trưởng thành của mình, có phần công lao không nhỏ của hàng cây xanh dọc đường Hải Thượng …
Đến nay, tôi vẫn còn nhớ như in gốc me già phía sau góc sân tennis, mà người ta đã bứng bỏ để làm con đường dẫn vào Trung tâm Hội nghị tỉnh hiện thời. Ở gốc me này, nhiều lần tôi đã ghé vào trú nắng, tránh mưa và ngồi thư giãn với mấy đứa bạn. Đáng nhớ nhất là mỗi lần ngang đây, đặc biệt vào ban đêm, không lúc nào tôi không thấy tim mình đập loạn nhịp. Lúc nhỏ loạn nhịp vì sợ ma. Về sau, thì bởi những thanh âm rủ rỉ và … khó gọi tên, luôn gợi lên trong thằng tôi sự tò mò đầy ma mị …
Đi đường Hải Thượng Lãn Ông, nếu không muốn đi thẳng và ôm cua Bưu điện để vào đường Nguyễn Hoàng, tôi có thể rẽ phải vào đường Cường Để, rồi rẽ trái vào khu Cư xá sĩ quan, trước khi vô Nguyễn Hoàng. Đầu đường Cường Để (bên hông trụ sở của Quân cảnh), có nhà công vụ của ông Phó Tỉnh trưởng hành chính. Căn nhà tuy nhỏ nhưng yên tĩnh và rất đẹp, với nhiều hoa lá được tỉa tót cẩn thận. Bây giờ, khu vực có căn nhà này, chính là sân quần vợt và khu nhà nghỉ của Tỉnh Đội Bình Thuận.
Cư xá sĩ quan, được gọi tên như thế, vì đây là khu nhà công vụ dành riêng cho các gia đình sĩ quan thuộc Tiểu khu Bình Lâm (Bình Thuận – Lâm Đồng) thời bấy giờ. Lâm Đồng lúc ấy có tỉnh lỵ là Bảo Lộc, không bao gồm Đà Lạt (thuộc tỉnh Tuyên Đức) như hiện nay. Trong cư xá, có gia đình những đứa bạn học của tôi. Tụi nó, thường học rất khá, tuy có lúc được chở đi học bằng xe Jeep, nhưng chơi với bạn bè cũng bình thường, không tỏ ra con nhà lắm. Đầu năm học 1974 - 1975, tụi tôi chia tay với V.Đ.T. Trước đó, ba nó chuyển đi làm Tỉnh trưởng Lâm Đồng cho đến ngày 30-4. Từ đó, tôi bặt tin nó.
Khu Cư xá sĩ quan có khung cảnh thật êm đềm, yên tĩnh và mát rượi cả ngày. Đã có lúc, tôi theo mấy đứa bạn chia phe đá banh ngay giữa con đường Cường Để xuyên ngang khu cư xá. Con đường này, lúc ấy còn kéo dài đến Ga Phan Thiết.
Những năm ấy, Phan Thiết vốn được liệt vào địa bàn mất an ninh, nhưng nhà cầm quyền đương thời vẫn để người dân đi lại tự do khu vực này, vào cả phía sau lưng Tòa Tỉnh, quả cũng thật khó hiểu. Sau ngày 30/4/1975, khu vực này được quân sự hóa và trở thành trụ sở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh như hiện nay.
Hoài niệm Phan Thiết ngày xưa, đi lại những con đường cũ, trong tôi xôn xao những cảm xúc làm mờ mi mắt, khi những hình ảnh thời đi học rủ nhau trở về trong ký ức …


Nguyễn Quang Tấn 

No comments:

Post a Comment