Friday, October 13, 2017

Bánh Căn Phan Thiết - Đỗ Hồng Ngọc

Viết cho Trần Vấn Lệ
Sao gọi là “Bánh Căn”? Có lẽ đó là món bánh “căn bản” của con nhà nghèo vùng Phan Rang, Phan Thiết. Ở Tuy Hòa, Nha Trang, Đà Lạt… cũng thấy có nhưng khác một chút. Saigon còn khác xa hơn và xuống tới Vũng Tàu thì Bánh Căn trở thành… “Bánh Khọt”!
“Dân” Phan Thiết thường cho rằng Bánh Căn xứ mình là… ngon nhất, đúng “chuẩn” nhất! Bánh căn thực chất là một món bột nướng, ăn với nước mắm. Có lẽ vì nước mắm Phan Thiết nổi tiếng nên bánh căn Phan Thiết … cũng ngon hơn các nơi khác chăng? Ai đi xa Phan Thiết cũng nhớ món bánh “căn bản” này của quê hương.
Bánh “Căn” (đừng nhầm với Bánh Canh) là thứ bột làm bằng gạo, thường xay cối đá, pha loãng vừa đủ, dặm chút cơm nguội vụn để bánh được cứng giòn rồi nướng chín vàng trên một lò đất nung có nhiều khuôn nhỏ với ngọn lửa than hồng phừng phực. Từng cặp bánh căn được khéo léo khui lên, quệt nhanh qua chén mỡ hành, rồi úp chụp vào nhau thành một cặp đầy đặn, tròn trịa để được vùi ngập vào chén nước mắm đã chuẩn bị sẵn đâu đó với xoài sống xanh lè chua lét, với ớt đỏ rực cay sè dầm nát, rồi cứ thế mà hít hà, nhai, nuốt… Nước mắm thôi, nước mắm đâm sẵn với ớt tỏi đường chanh pha loãng vừa ăn, nhưng đôi khi… sang trọng có thêm cá kho, đôi khi có cả mắm nêm. Kiểu ăn là ăn bao bụng. Có sức ăn bao nhiêu thì ăn. Giá rẻ đặc biệt. Có khi còn cho thiếu chịu!


Trời lạnh, con nhà nghèo, phong phanh áo mỏng, sáng sáng ra ngồi quanh lò lửa than hồng, ăn một bữa Bánh Căn đầy bụng đủ cho một ngày vất vả nắng mưa… cũng chẳng khoái ru?
Sau này, đời sống khấm khá, nhiều nơi nướng bánh căn với cái vỉ bằng kim loại, với lửa gas, có nơi còn bày đặt thêm tôm thịt, mực tươi, xíu mại… thì đã không còn là bánh căn “thứ thiệt” nữa.
Như đã nói, khi Bánh Căn lan tới Vũng Tàu, nó trở thành Bánh Khọt, một thứ bánh nổi tiếng hiện nay ở Saigon. Bánh Khọt (tại sao khọt?) là bánh con nhà giàu, chiên bột trên chão kim loại nhiều khuôn nhỏ với rất nhiều dầu mỡ giòn rụm (chớ không phải nướng trên lò đất, lửa than), thêm tôm thịt các thứ, ăn với rau sống, bánh tráng…
Tìm một lò bánh căn “thứ thiệt” bây giờ không phải là dễ vậy!

Đỗ Hồng Ngọc

Thursday, October 5, 2017

Nợ Mãi Yêu Thương...

Viết về Anh trong những giờ phút đau buồn vĩnh biệt người bạn mới quen biết trong gia đình Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ, tôi xin được mượn lại bài thơ do chính Anh viết cách đây không lâu. Tôi không được hân hạnh biết nhiều về Anh như nhiều bạn bè đã từng quen biết Anh trong nhiều năm qua.  Tôi chỉ xin phép ghi lại những gì trong sự hiểu biết hạn hẹp của tôi về Anh, và tôi nghĩ qua bài thơ mà tôi được hân hạnh phổ nhạc trước lúc Anh vĩnh viễn ra đi, đã cho tôi biết thêm nhiều điều về Anh, nhạc sĩ Anh Vũ, và Anh cũng được biết đến qua một bút hiệu khác là nhà văn Don Võ..
Tôi còn nợ anh bài ca chưa viết
Lời thơ buồn tha thiết nhớ Cà Ty
Hạt phù sa tô đồng xanh Phan Thiết
Ơn nặng nghĩa tình đâu nỡ ra đi...
Vâng, chỉ mới mấy tháng trước đây thôi, tôi chưa được biết gì về Anh.  Lần đầu tiên, tôi nghe nhắc đến Anh khi thi sĩ Cát Biển gọi điện thoại để nói chuyện về một bài thơ phổ nhạc và tình cờ nhắc đến hoàn cảnh của Anh.  Lúc đó, tôi chưa biết Anh là ai, chỉ biết Anh là người Phan Thiết như tên địa danh Anh đã nhắc đến trong đoạn đầu của bài thơ.  Quê hương Phan Thiết với những hạt phù sa từ dòng sông Cà Ty bồi đắp trên những cánh đồng xanh như vẫn còn dạt dào ghi đậm trong lòng Anh trong những lúc đau yếu.  Một lời thơ buồn, một khúc nhạc chưa viết xong... đã làm lòng Anh thêm khắc khoải khi mang món nợ ân tình với mảnh đất ắt hẳn đã ghi dấu nhiều kỷ niệm trong Anh, nên Anh đã thốt lên lời nghẹn ngào như chưa muốn giã từ những kỷ niệm ghi khắc trong lòng của người con xa quê...
Tôi còn nợ anh bài văn dang dỡ
Lời dạy Thầy cơn lốc cuốn mực phai
Lời Mẹ ru như còn đây tha thiết
Da thịt hình hài đây dáng Cha tôi...
Hình ảnh quê hương trong những ngày khói lửa chiến tranh, khi Anh phải xa trường, xa Thầy, Cô bè bạn, gác bút nghiêng lên đường như bao lớp thanh niên thời chinh chiến.  Hình ảnh người Mẹ hiền, người Cha yêu dấu lần lượt hiện về trong lòng người con hiếu thảo, như vẫn còn chút ray rứt trong lòng Anh vì nợ nước mà chưa làm tròn bổn phận người con, như lời tâm sự của Anh với cha mẹ: "Bao lớp đạn bom ai người che chở...Trôi nổi quê người sau trận phong ba..."
Nhưng thật ra, Anh là một người con hiếu thảo, và đã làm tất cả những gì Anh đã có thể làm được để báo hiếu cho cha mẹ từ lúc xa quê...
Tôi còn nợ anh bài ca Hội Ngộ
Hành khúc hùng vang vọng Phan Bội Châu
Lời thiết tha tràn dâng con thác đổ
Cát biển chuyển mình đến tận dòng ngâu...
Nghe bài hành khúc Phan Bội Châu do Anh sáng tác nhạc từ bài thơ của anh Cát Biển, rồi được chứng kiến tấm lòng của những người bạn học Phan Bội Châu của Anh như anh Tiến Đặng, anh Hữu Anh, anh Cát Biển,... chúng ta mới thấy tại sao những người bạn học ngày xưa của Anh vẫn còn yêu mến Anh đến dường nào, dù đã trải qua bao nhiều năm tháng từ những ngày còn đến trường.  Tình bằng học thuở xưa vẫn còn, vì chính Anh là người sống rất có tình nghĩa với bạn bè.  Những ngày Anh đau yếu, bạn học cũ ngày xưa vẫn thường xuyên gọi điện thoại đến thăm Anh.  Các anh chị trong gia đình Phan Bội Châu ngày nào đã cùng nhau kêu gọi đóng góp giúp đỡ Anh trong cơn hoạn nạn.  Có lẽ vì cảm xúc trước tấm chân tình của những người bạn học ngày xưa, nên Anh đã có những dòng thơ tha thiết như trong những câu thơ trên, cũng như những nốt nhạc oai hùng trong bài Hành Khúc Phan Bội Châu mà Anh đã sáng tác năm nào...
Anh đến với gia đình Tình Nghệ Sĩ và Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ khi căn bệnh của Anh đã đi vào giai đoạn cuối.  Số phận thật trớ trêu khi bắt Anh phải chịu đựng cùng cơn bệnh ác nghiệt đã từng cướp đi người vợ yêu thương của anh, để anh phải một thân một mình làm cảnh "gà trống nuôi con" trong suốt năm năm qua.  Định mệnh giờ đây lại lăm le muốn cướp Anh ra khỏi vòng tay của những đứa con thơ chưa nguôi ngoai nỗi đau mất Mẹ.   Tuy nhiên, những người bạn mới quen hay đã quen biết Anh trước đây của trong gia đình Tình Nghệ Sĩ cảm thấy có bổn phận phải giúp đỡ Anh bằng tất cả những gì có thể làm được để cố giữ Anh tránh khỏi sự rình rập của tử thần.  Bạn bè đã chia nhau đi tìm từng chiếc lá đu đủ để cho Anh uống.  Ai có phương thuốc nào hay đã áp dụng trong quá khứ cũng đều lên diễn đàn cùng nhau chia sẻ với hy vọng giúp được gì đó cho Anh.  Có lẽ vì cảm động trước tấm lòng của bạn bè, nên Anh đã viết nên những vần thơ nhưng bật lên từ đáy lòng của Anh.  Những giọt nước mắt của Anh trong đêm Nắng Ấm Tình Thương khi chứng kiến tình yêu thương của bạn bè và khi bài hát "Nợ Mãi Yêu Thương” mà tôi đã phổ nhạc từ bài thơ "Tôi Còn Nợ Anh" của Anh, được cất lên qua tiếng hát của ca sĩ trẻ Hoàng Đình Nguyên đã làm cho bao nhiêu người cùng ngậm ngùi với Anh.
Tôi còn nợ anh” tình người nghệ sĩ”
Trái tim ấm nồng chia sẻ tình thương
Tiếng hát lời ca ru thành chân lý
Thánh thót vỗ về, lá cuối thu vương.
Cảm động trước hoàn cảnh của Anh, Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ tuy mới được thành lập trong mấy tháng cũng đã cố gắng hợp lực cùng các anh chị cựu học sinh Phan Bội Châu, Nhóm Sông Dinh, Gia đình Phật tử Chùa Bát Nhã, v.v...tổ chức đêm văn nghệ Nắng Ấm Tình Thương dành cho Anh.  Cá nhân tôi được hân hạnh tham gia trong Ban Tổ Chức của đêm văn nghệ nên được tận mắt chứng kiến nhiều công việc làm không ngừng nghỉ, ngày đêm của các anh chị em trong Ban Tổ Chức như chị Lê Thuý Vinh, anh Bữu Tịnh, chị Minh Phương, anh Khiếu Long, anh Minh Tuấn, anh Việt Hải, và nhiều anh chị đã âm thầm làm việc phía sau hậu trường vì thời gian chuẩn bị gấp rút chỉ có không đầy hai tuần lễ.  Đêm văn nghệ với số lượng hơn 300 khách đến tham dự cũng đủ nói lên tình cảm của mọi người dành cho Anh…
Lần đầu tiên tôi đến thăm Anh vào một buổi tối cuối tuần.  Mặt trời đã lặn từ lâu và trời bắt đầu se lạnh.  Mấy bụi chuối trồng phía trước sân nhà với những tàu lá rách nát khẻ đong đưa theo từng cơn gió. Anh đón tôi thật niềm nở với một nụ cười hiền hoà như Anh đã quen tôi từ lâu.  Phòng khách thật trống trải, với duy nhất một chiếc bàn học nhỏ kê sát góc tường. Nhà bếp với chiếc siêu nhỏ đang bốc khói mà anh dùng để nấu lá đu đủ.  Anh mời tôi ngồi nơi chiếc bàn ăn, nơi Anh đang huý hoái bên chiếc máy laptop để tìm thêm những phương thuốc cho căn bệnh ung thư phổi của Anh.  Anh kể cho tôi nghe rất tự nhiên một cách những điều Anh biết được về một số cách chữa bệnh.  Anh còn khoe nhờ uống nước lá đu đủ mà Anh cảm thấy được khoẻ mạnh lại và có thể tự lái xe đi được, so với lúc Anh mới trở về từ bệnh viện.  Căn phòng khách hơi tối nên tôi không để ý đến khi thấy cháu bé con gái của Anh đứng dậy từ chiếc bàn học nhỏ đến chào tôi.  Tôi cảm thấy sự cô quạnh của hai cha con Anh và càng thấy tội nghiệp cho cháu bé còn quá nhỏ mà đã phải chịu nỗi đau mất Mẹ trong suốt năm năm qua, và giờ đây, hàng ngày cháu phải nghe Bố của cháu nói về cơn bệnh hiểm nghèo của mình.  Tôi không biết cháu đang suy nghĩ gì, và tương lai cháu sẽ ra sao nếu điều không may nhất sẽ xảy đến cho Anh.  Rời nhà Anh rồi, tôi chỉ biết cầu xin Ơn Trên ban phép lành đến cho Anh, để Anh vượt qua cơn bệnh mà tiếp tục nuôi dạy cho cháu nên người.  Chắc chắc đó cũng là những điều tâm sự của Anh như anh thổ lộ qua những câu thơ kế tiếp:
Ba còn nợ con tình cha, bổn phận
Nuôi dạy nên người con trẻ thành niên
Đâu dễ ra đi để con lận đận
Không nơi tụ về mái ấm đoàn viên...
Tôi không được biết nhiều về Chị, ngoài những điều tôi đọc được từ những bạn bè đã quen biết và sinh hoạt trong lĩnh vực văn học với Chị và Anh trước đây.  Một điều tôi biết chắc là tình yêu của Anh dành cho chị rất sâu đậm.  Anh không lập gia đình với người khác, mà ở vậy trong suốt năm năm làm thân gà trống nuôi con, trong khi Anh có thể dễ dàng sớt chia trách niệm này với một người phụ nữ mới.  Những thăng trầm của cuộc sống vợ chồng, Anh chỉ muốn thuỷ chung chia sẻ với một người duy nhất là chị:
Anh còn nợ em tình xưa nghĩa nặng
Đời sống thăng trầm bao nổi nhục vinh...
Dù nuối tiếc với bao nhiêu món nợ nghĩa tình mà Anh chưa trả, nhưng có lẽ từ nơi sâu lắng trong tâm khảm, Anh đã biết cuộc sống của mình chỉ còn có thể đếm qua từng ngày.  Hai câu cuối trong bài thơ của Anh như tiếng thở dài buồn bã cho định mệnh của mình, khi Anh ví thân phận của mình như con cá Hồi:
Rồi cũng qua đi bao ngày mưa nắng,
vì, con cá Hồi có vượt nổi dòng kinh!
Khi phổ nhạc bài thơ của Anh, tôi đã xin phép Anh để sửa lại chữ "có" bằng chữ "sẽ", vì những bạn bè trong gia đình Tình Nghệ Sĩ đều có chung niềm hy vọng là tiếp cho Anh sức mạnh tinh thần để Anh có thể vượt qua cơn bệnh hiểm nghèo này.  Những bạn bè của Anh mong Anh sẽ có đủ sức mạnh để vượt khỏi dòng kinh định mệnh, để sống trong tình yêu thương, làm nơi nương tựa cho mái ấm đoàn viên của đứa con thơ của Anh, để sống trong tình bạn học của Phan Bội Châu, để về tắm lại dòng sông Cà Ty nặng hạt phù sa, và để sống trong mái ấm gia đình Tình Nghệ Sĩ mà Anh đến tuy chưa lâu, nhưng đã đầy ắp tình thân...
Nhưng Anh đã bỏ tất cả mà ra đi. 
Những người bạn của Anh đã bàng hoàng với bao nỗi xúc động, nghẹn ngào.  Bao nhiêu người dự định đến thăm Anh nhưng đã không kịp. Chúng ta đành phải chịu thua với định mệnh đã cướp mất người bạn mới đến trong gia đình Tình Nghệ Sĩ và tôi đành phải ngậm ngùi sửa lại câu cuối của bài hát như lời thơ nguyên thuỷ mà Anh đã tiên đoán cho số mệnh của mình:
Vì, con cá Hồi có vượt nổi dòng kinh!
Xin Anh hãy để lòng mình thật thanh thản để ra đi, và Anh không phải lo về những điều "Tôi Còn Nợ Anh", vì chỉ có một món nợ duy nhất, đó là "Nợ Mãi Yêu Thương" mà chúng tôi đã và sẽ mãi mãi dành cho Anh.
 Cao Minh Hưng