Sunday, December 11, 2022

CÁCH PHA NUỚC MẮM CHẤM CỦA PHAN THIẾT TỈNH BÌNH THUẬN

Phan Thiết, quê tôi là một vùng biển được mệnh danh "có nhiều cá nhất thế giới" (tài liệu địa dư lớp 3ème Lycée Yersin, Đà Lạt: La mer la plus poissonneuse du monde) vì thế Phan Thiết là nơi sản xuất nước mắm cùng các phó sản của cá để không những cung ứng nhu cầu cho hầu như toàn nước ta mà còn xuất cảng sang Pháp và các nước láng giềng trước 1975.

Tôi sinh và lớn lên trên vùng đất này, được thân mẫu nuôi nấng dạy dỗ hệt như bao bà mẹ khác của các bạn. Mẹ tôi chú trọng việc học hành đỗ đạt cho các con, riêng con gái bà còn thích dạy thêm việc bếp núc, nấu ăn, làm bánh từ những nguồn hải sản giàu có như cá, tôm, cua hoặc trái cây rau quả như khoai mì, khoai môn, bí, đậu, dừa... do tỉnh nhà thu

hoạch được.

Từ đó, các bà mẹ chúng tôi biến chế ra đủ loại nước mắm (gọi là nước chấm cho một số người thường gọi để dễ hiểu) để dùng cho các món ăn đặc biệt chỉ cho món đó , ví dụ :

Nước mắm dùng với gỏi cá mai khác với nước mắm dùng với bánh xèo, nước mắm dùng cho bánh căn khác với nước mắm bì cuốn, cá tươi chiên dòn v.v...

Dưới đây tôi xin mạn phép ghi lại một số cách làm nước mắm cho các món ăn khác nhau tại Phan Thiết Bình Thuận của chúng ta.

Về nước mắm ăn sống thì chúng ta dùng nước mắm nhĩ (nước mắm của cá hoặc ngon hơn, sang, đắt tiền hơn thì dùng nước nhĩ của Ruốc). Nhưng khi chúng ta pha chế để dùng với các loại món ăn khác nhau thì chúng ta dùng nước mắm hạng nhất được rồi. Có đôi khi dùng các thứ đắt tiền không đúng chỗ vừa mất tiền vừa làm cho món ăn kém ngon.

Khi pha nước mắm (nước chấm) cần có các vị sau:

* Chất mặn (nước mắm)

* Chất ngọt (đường cát, kẹo đậu phụng, chuối sứ chín)

* Chất chua (chanh, me chín, me sống non, dấm) và ớt lớn, đỏ, tỏi, nước nấu sôi để nguội.

Cách pha nước mắm với chanh: Nước mắm căn bản. Dùng ớt bị (to, đỏ, héo) luộc ớt để ớt được đỏ và bớt cay. Để ráo nước, mổ ớt lấy sạch hột. Giã hoặc xay nhuyễn ớt với vài tép tỏi, cho đường cát trắng vào giã tiếp, cho nước chanh và cả tép chanh nhiều ít tùy ý, mới đến lượt để nước mắm vào sau cùng. Nếu chúng ta cho nước mắm vào trước hoặc thêm lẫn lộn vừa nước với nước mắm thì nước chấm sẽ không là một hỗn hợp đỏ, đều đẹp mà chúng ta sẽ có một lớp nước bên trên còn tất cả ớt, tỏi chanh sẽ chìm dưới đáy của bát nước mắm. Nếu chúng ta dùng nước mắm để ăn Gỏi Cá Mai (gỏi nước) thì chúng ta cho thêm chuối sứ chín và nước mắm phải là một hỗn hợp sền sệt chứ không loãng. Gỏi Cá Mai khô còn gọi là Gỏi nham thì chúng ta không dùng chanh, chúng ta cũng sẽ không thêm nước vào nước mắm mà còn thay thế chanh bằng me non (lấy me non bỏ vỏ, bỏ hột thật sạch chứ không sẽ chát mất ngon).

* Nếu dùng với bánh xèo thì nước mắm loãng, hơi ngọt hơn.

* Nếu dùng với bánh căn, là một loại bánh đặc biệt Phan Thiết - Bình Thuận thì pha nước mắm với me chín thay vì chanh, nước mắm sẽ ngon và đúng khẩu vị hơn. Nếu không có me chín thì chúng ta hãy làm chanh.

* Nếu chúng ta dùng với Chả Giò Tôm Thịt hoặc Chả Giò Cá Tươi thì chúng ta làm nước mắm chanh như trên thêm vào kẹo đậu phụng, hoặc đậu phụng rang dòn.

* Nếu dùng với Bì Cuốn chúng ta thêm nước cơm nấu chín vào nước mắm.

* Nếu chúng ta dùng Bún Thịt Nướng thì chúng ta dùng dấm thay cho chanh.

 

Trên đây là một số cách pha nước mắm ăn theo địa phương Phan Thiết – Bình Thuận. Kính mong quý vị trưởng thượng và quý bạn gái có điều chi cần bổ túc thêm cho cách pha chế nước mắm của tỉnh nhà được phong phú, hạp khẩu vị hơn, xin quý vị liên lạc cho Đặc San Tỉnh Bình Thuận, hoặc cá nhân tôi, để tôi được học hỏi thêm điều hay mới lạ.

Rất mong lĩnh hội ý kiến của quý vị.

 

Đinh Thị Thiệp

(Nước Mắm Hồng Đức)

Friday, August 5, 2022

Họp lớp...

 Đọc lại vẫn thấy thấm thía----Họp bạn là chia xẻ va ôn lại vui buồn thoi di hoc----tui rat tam dac phan ket luan cua bai viet nay 

Thành bại cuoc doi nhu giac mộng,,,,,,roi cũng se khong  con gap nhau nua -----

Họp lớp...

Tôi chực trào nước mắt khi thấy một người quần áo nhăn nheo bạc màu đứng lớ ngớ trước cổng nhà hàng.

Tôi là một giáo viên về hưu, thường xuyên được mời dự các buổi họp lớp. Học trò tôi ra trường, học đại học, đi làm rồi thành đạt cũng nhiều, kẻ bất đắc chí, sa cơ lỡ vận cũng không ít. Có thể ai đó luôn tự hào, giới thiệu mình là thầy cô dạy nên ông này bà nọ nào đó. Nhưng tôi luôn chú ý và đồng cảm, sẻ chia với những học trò không thành đạt của mình.

Có lần đi họp lớp, gặp một người đàn ông trong chiếc sơ mi dài tay nhăn nheo, chiếc quần tây bạc màu lơ ngớ trước cổng nhà hàng, tôi đã chực trào nước mắt khi nhận ra đó là học trò của tôi. Mấy mươi năm trước vẫn là cậu học trò hiền lành giỏi giang nhưng nay đã bị sương gió của cuộc đời phủ lấy.

Lần khác, một nhóm học trò nữ, không có duyên với công danh đỗ đạt, lấy chồng rồi về quê chồng làm ăn nuôi con, bàn tay nhăn nheo, đen thủi mà tôi mang máng nhớ ra đây là học trò của mình.

Cũng có lần, sau khi được mời phát biểu, tôi thẳng thắn góp ý:

"Cô rất tự hào và ngưỡng mộ với những trò giỏi giang và thành đạt, chúc mừng các em. Cũng chia sẻ với những em còn lận đận. Cô có góp ý thế này, khi họp lớp, các em nên bỏ ngoài cổng nhà hàng chức tước, danh vọng, quyền vị đi.

Đến đây, ai cũng nên trở về thời học sinh áo trắng. Hy vọng các em đóng góp nhiều cho xã hội. Hãy dành buổi họp lớp để ôn lại kỷ niệm của tuổi hồn nhiên, chỉ xảy ra một lần trong đời và đã trôi đi".

Có vài học trò tứ tán bốn phương nay quần tụ ở lớp. Về khoảng cách địa lý đã hẹp, nhưng khoảng cách trong lòng người dần xa, khi các em cứ giới thiệu người thành đạt, người kia làm chức to, tậu nhà, sắm xe...

Các em hãy lập quỹ, hội liên lạc trong lớp. Bạn bè có hỷ sự vui buồn thì chia sẻ với nhau. Bệnh tật thì chăm nom quyên góp giúp đỡ nhau. Kết nối giúp nhau làm ăn. Nếu có thể, hãy nhận đỡ đầu con cái của những bạn ở quê, kém may mắn hơn. Cùng giúp nhau thành công thì đó mới là sự thành công chắc chắn. Hãy cố gắng đừng tạo ra khoảng cách kẻ thành công- người thất bại trong buổi họp lớp".

Người ta nói dạy học là nghề đưa đò và thầy cô là những người cầm tay chèo để nói lên sự bạc bẽo của nghề. Vì mấy khi lữ khách qua sông mà còn nhớ đến người đã đưa mình đến bờ bên kia.Và người ta cũng nói hạnh phúc là một quá trình chứ không phải đích đến. Thật đúng trong trường hợp này. Nhìn mỗi thế hệ học sinh mình dạy dỗ, nâng niu suốt cả năm học chín tháng trưởng thành từng ngày, lòng người thầy cô nào cũng vui sướng.

Nhưng tôi nghĩ họp lớp không nhất thiết phải ở nhà hàng khách sạn sang trọng, hãy trở về trường, thăm lại gốc cây che mát, phòng học râm ran tiếng cười đùa năm xưa. Thăm lại ông giáo, bà giáo già ngày xưa đã dạy học mình. Những buổi họp lớp ăn nhậu và phô trương chẳng ích gì.

Mỗi người có số phận khác nhau, xuất phát điểm khác nhau, xuất thân trong môi trường khác nhau đều được dòng đời xô đi những ngã rẽ khác nhau mà ta không biết và cũng không tài nào hiểu được. Nếu như đời đã không nương kẻ thất thế thì bạn bè hãy mở lòng và sẻ chia.

Đừng khoe khoang hay lên mặt, phô diễn hay gây chú ý bởi sự thành công của mình trong buổi họp lớp, bởi 

"Ngoảnh nhìn lại cuộc đời như giấc mộng - Được, mất, thành, bại bỗng chốc hóa hư không" - 

là hai câu thơ mà tôi tâm đắc.

(Hương Thu)