Thursday, August 20, 2015

Con đường Sài Gòn


 Phan Thiết và những con đường …
 Con đường Sài Gòn
Phan Thiết bây giờ, đường phố chằng chịt hơn, thênh thang hơn, sầm uất hơn. Và, tất nhiên cũng lộn xộn hơn. Quay quắt hàng ngày giữa dòng xe cộ ngược xuôi, làm cho tôi lắm khi cứ nhớ về những con đường Phan Thiết ngày xưa - lúc còn là chú nhóc ham chơi trò bắt cú, chạy len lỏi trong những con hẽm đầy nhà lều nước mắm ở khu vực Đức Thắng. Tuy vậy, con đường kích thích trí tò mò của tôi và đôi khi cũng đánh thức máu phiêu lưu của thằng nhóc tôi nhiều nhất, đó chính là đường Trần Hưng Đạo, mà nhiều người thời đó quen gọi là đường Sài Gòn.
Ông nội vợ tôi, sinh năm 1903 và mất năm 103 tuổi, kể lại: Đường Sài Gòn thưở xưa là con lạch nhỏ của dòng Cà Ty. Khu dân cư giáp biển của phường Đức Thắng hiện nay, xưa chỉ là vùng cồn lau lách và … nhiều ma. Khi vào tuổi thanh niên, cùng với nhiều trai tráng ở Phan Thiết, ông được huy động làm dân công lấy đất từ Động làng Thiềng (Đức Nghĩa) về san lấp con lạch, làm con đường cái quan, mà sau này trở thành đường Trần Hưng Đạo. Ông nói, vị Đốc công ngày đó – ông Cửu Hướng – thường đi ngựa để kiểm tra việc thi công. Hàng ngày, nghe tiếng vó ngựa và nhắc nhở của ông Cửu, ai cũng sợ và làm cật lực, nên công trình hoàn thành rất sớm …
Sở dĩ gọi là đường Sài Gòn, Ba tôi giải thích, vì đây là con đường đi từ Sài Gòn ngang qua Phan Thiết, để ra Trung. Trước năm 1972, khi cầu Trần Hưng Đạo chưa được xây dựng, từ Sài Gòn ra, nếu không đi theo đường Đồng Khánh để qua cầu Quan, người ta thường đi theo đường này rồi rẽ trái qua đường Trưng Trắc, lên cầu Quan thẳng tiến Nguyễn Hoàng để ra Ngã Ba Tam Biên. Sau Mậu Thân – 1968, có một thời gian khá lâu, để bảo đảm an ninh cho lực lượng cố vấn Mỹ (năm 1973, còn có cả lực lượng kiểm soát và giám sát Hiệp định Paris – ICCS), nhà cầm quyền Phan Thiết đương thời đã lập rào chắn ngang con đường này, từ đoạn giáp với Phạm Hồng Thái – Chu Văn An đến Ngô Sĩ Liên. Đến khi thi công Quốc lộ I (1971 – 1972), đoạn này mới được giải tỏa.





 Đường Trần Hưng Đạo

Với lũ nhóc chúng tôi, đường Sài Gòn còn là nơi lưu lại ký ức của một thời khó khăn nhưng đầy ham hố: Những chuyến xe đò (của các Hãng: Hiệp Thành, Đại Nam, Phi Long, Tiến Lực, Tân Phong Thái, … sau này là loại xe microbus chỉ chở hơn 20 hành khách) khi đi ngang qua, hoặc khi dừng lại bỏ khách, thường để lại hương vị đặc trưng rất … Sài Gòn, với mùi bánh mì, mùi trái cây, … cùng nhiều loại mùi làm nên tính hấp dẫn của Sài Gòn …
Bánh mì Sài Gòn thời đó, là loại bánh mì lớn, đặc ruột, to bằng bắp đùi của những thằng oắt con chúng tôi, mà mùi thơm của nó thật đặc biệt – mùi Sài Gòn, không lẫn vào đâu được ở cái xứ Phan Thiết nồng nàn nước mắm thân quen này!
Thơm tho như thế, hấp dẫn như thế, … và người nào từ Sài Gòn về cũng luôn giữ tâm trạng … bí hiểm như cái mùi của nó, bảo sao chúng tôi khi đó, không luôn thôi ước ao được “đại náo” một chuyến Sài Gòn. Thành thực mà nói, với tôi, một trong nhiều động lực để ráng học và thi đậu vào đệ thất Trường Trung học công lập Phan Bội Châu, đó là lời hứa của Ba Má tôi: Nếu thi đậu, sẽ cho đi chơi một chuyến Sài Gòn!

No comments:

Post a Comment