Monday, February 19, 2018

Tự Sự Cuối Năm - Phạm Sanh PBC72

Trẻ mong lì xì sau Tết, già lo sửa soạn trước Tết. Tôi lại thích chạy xe lòng vòng đường phố Sài Gòn, ngắm thiên hạ mua sắm mấy ngày cuối năm, trước khi về quê đón giao thừa rước Ông Bà.
Hè phố những ngày giáp Tết, sau 23 tháng chạp, đâu cũng dễ biến thành chợ chồm hỗm. Trái cây bông hoa đơm cúng, bonsai cây kiểng chơi tết, phong bao lì xì style, các chuỗi dây happy rực đỏ, bánh chưng bánh tét, quần áo sale-off.... Món gì cũng có, chỉ có khó là không đủ tiền để mua cho hết !!!. Xem hoa khoe sắc xuân là sướng nhất, hé nụ cho đời thêm vui, cho người già trẻ lại.
Đầu năm lấy lộc, mấy năm nay năm nào cũng vậy, mua tặng cho bà xã cây mai đỏ, gai góc rực lửa y chang như bả. Thằng trai lớn, cây bon sai dâu tằm đang ra nụ, mong có cháu nội khoe hàng với cháu gái mấy bà 72. Thằng trai út (út thật 100%), chậu trạng nguyên lá đỏ chót, mong cho nó mau ra trường để còn đi phượt. Cuối cùng cho mình, chọn cây sen đá lá bạc như vôi, để thoáng chút tịnh tâm nhớ lời Phật dạy, quên tuốt cái sự đời như cái lá... Kể chuyện vợ con cho mấy bạn nghe, cũng kỳ kỳ. Nhưng thôi, xong việc nhà rồi mới ra ngoài ngõ, ngắm hoa nhìn người.
Hoa tết bán rẻ nhất Sài Gòn chắc chỉ có ở bến Bình Đông quận 8, con đường chạy dài dọc theo con kênh Tàu Hủ. Cảnh chợ tết trên bến dưới thuyền duy nhất tại Sài Gòn, chỉ xuất hiện dịp tết âm lịch. Những ngày sau rằm tháng chạp, từng đoàn ghe bầu chở đầy ắp hoa quả, bông hoa cây kiểng từ các tỉnh miền Tây về cập bến lên hàng bán tết. Công sức tiền bạc cả năm của những người nông dân, tay chân gầy guộc khuôn mặt sạm đen, cả đời quần quật bên ao vườn, chỉ biết trông chờ kiếm tiền vào ba ngày này. Ăn ngũ trên ghe, co cuộn người ngũ mê trên chiếc võng trong những tấm nylon tạm bợ giữ cây giữ hàng. Người mua nhiều, nhưng thường là đi xem, dọ giá theo đám đông, chờ đến ngày 30 mới mua... cho rẻ. Chợ hoa Bến Bình Đông bán các hoa quả cây trái miền Nam. Mai vàng nhiều cánh của Bến Tre. Mai trắng của Tiền Giang. Các loại cúc vàng Sa Đéc. Rồi các loại cây kiểng như chanh, tắc, cam, bưởi, đu đủ, vú sửa, ớt, cà chua... Người nông dân mình hay thiệt, trước chơi bon sai chỉ có me khế, mấy năm gần đây  có lúa trỗ bông, mía Tây Ninh, thanh long Bình Thuận, tết 2018  có thêm nho Ninh Thuận, dâu tằm Bảo Lộc, bưởi Diễn và phật thủ Hà Nội.
Ai tính chưng ngũ quả theo kiểu trong Nam hãy đến chợ hoa Bình Đông, “cầu-sung-dừa-đủ-xoài”, thêm dưa hấu xanh vỏ đỏ lòng cho may mắn, vài trái thanh long để lấy khí thế rồng xanh, vài quả phật thủ để nhờ Phật độ. Trong Nam tin vào tên gọi, đầu năm mà chưng mấy trái như chuối như tắc như bom như lê... là thua tận mạng suốt năm, trừ trái khổ qua thì còn nói trại khổ quá để xin xỏ gì đó... Ngoài Bắc tin vào ngũ hành, kim mộc thủy hỏa thổ, đúng ra là màu sắc ngũ hành, trái cây đơm cúng phải có đủ các màu đỏ, trắng, xanh, vàng, đen. Chưa nghĩ ra được nếu chồng bắc vợ nam (hay ngược lại) thì đơm như thế nào, có thể phải nói tên khác, ví dụ tắc thay bằng hạnh, bom thay bằng táo, lê thay bằng mận... Đức tin là chính, cả trong tình yêu.
Muốn ngắm hoa lan Tết, mai cổ thụ, mai bầu đất, cây tiểu cảnh sân vười, cây phong thủy..., cả chậu lọ, đồ nghề trồng cây..., đầy đủ nhất Sài Gòn phải là dọc trên 2 km đường Thành Thái quận 10 (trước là đường Nguyễn Tri Phương). Giá cây hơi mắc vì thuê mặt bằng giá cao, nhưng đường xá rộng rãi sáng sủa, bông hoa Trung quốc Đài Loan Thái Lan cở nào cũng có. Năm nay, địa lan Trung quốc nhiều, chậu hoa vàng hoặc cam lửa có giá chỉ bằng 1/3 đến 1/10 địa lan Đà Lạt hoặc Sapa. Dân mê địa lan chuyển qua lan TQ, không thèm Trần Mộng Hoàng Hậu gì hết.
Săn hồ điệp tặng ai đó phải ghé các cửa hàng trên đường Hoàng văn Thụ Tân Bình gần Lăng Cha Cả, mỗi chậu vài chục triệu, chơi cả tháng giêng. Hàng bán hồ điệp ngoại lại nằm gần các hàng bán bánh kẹo rượu ngoại, xéo qua một chút là khoảnh đất công viên bày bán các gốc đào già cao lêu nghêu phải chở bằng máy bay từ miền Bắc vào, một công hai ba chuyện khi tặng quà tết các sếp gốc Bắc mới di cư vào Nam sau 75. Người Bắc cũ lại ưa ngắm nhìn mai lan cúc trúc của các vựa hoa trên đường Phan Huy ích Gò Vấp, hoa đẹp Đà Lạt về đây cũng nhiều, giá lại bình dân, ít nói thách.
Còn muốn mua vài gốc mai Bình Định, hoa không to như mai Chợ Lách nhưng lâu tàn, phải đi đến đường Kha Vạn Cân Thủ Đức, dọc đường xe lửa về Trung. Những năm gần đây, chợ mai chuyển sang con đường Phạm văn Đồng rộng lớn mới mở, có thêm đào Hà Nội, bưởi Diễn, lan rừng Tây nguyên, nho Ninh Thuận..., hương hoa  mọi miền đất nước đổ về Sài Gòn. Nhưng người Sài Gòn vẫn chưa thấy loài mai mảnh dẽ dẽo dai mọc ở vùng đất khô cằn Vĩnh Hảo  Cà Ná, cả loài mai 5 cánh hương thơm nhè nhẹ mọc trên triền đá phía đông ngọn núi Cố Phú Hài cũng tuyệt tích từ lâu.
Thật ra ngày Tết, Sài Gòn chỗ nào cũng chợ hoa đường hoa, chứ không phải một đường hoa Nguyễn Huệ chen chúc chảnh chọe, một hội hoa xuân Tao Đàn hở mông hở bụng. Một năm chỉ có vài ngày tết, giàu nghèo đều sum họp nghỉ ngơi, mơ về một năm mới phước lành may mắn nhiều hơn thông qua các sắc hoa ngày Tết. Dù năm nào như năm nấy, cảnh mua bán chợ hoa Đầm Sen chiều cuối năm cũng có màn cuối, kẻ cười người khóc.
Ba mươi, năm giờ sáng đeo ba lô cưởi xe về quê, sương mù che kín cả khúc sông Sài Gòn, từng block building tối đen xám xịt bỏ lại sau lưng, chỉ còn vệt đèn vàng uốn lượn sưởi ấm cho hàng cây lặng yên ngủ muộn ven đường. Vài chiếc xà lan không bóng người cặp bến sông Đồng Nai, xe đò trên bờ cũng vắng, chỉ có người và người đèo nhau, lỉnh kỉnh con cái đồ đạc về ăn tết. Nghe nói năm nay, cả nghìn cây số, người ta cũng rủ nhau cưởi xe về ăn tết. Mình có 200 cây, ăn nhằm gì. Hố Nai, Trảng Bom, Hưng Lộc, Dầu Giây, Long Khánh, Bảo Hòa, Ông Đồn, Rừng Lá..., khoảng năm ba cây số là có chợ ven đường, tụ họp chen chúc mua sắm cuối năm. Chợ nào cũng có vài chỗ bán hoa, không cao xa quyền quý, nhưng cũng hoa cúc hoa mai  vạn thọ hướng dương vàng ửng, hoa hồng mãn đình hồng cành đào sắc hồng, hoa lay ơn mào gà đỏ chót, hoa cẩm tú cầu hoa giấy trắng cam hồng tím... Cảm ơn Đất Trời, nếu không có hoa chắc không thể nào có sắc xuân có muôn loài.
Trên đường, thấy nhà nào cũng treo cờ đỏ “giống nhau”. Té ra, ai đó treo cờ cho mình, chỉ phải trả tiền mà thôi. Treo cờ tổ quốc ngày tết, đến bây giờ, mà cũng phong trào, cũng áp đặt, giống giống Bắc Triều Tiên. Nhớ lại chuyện con mẹ tổ trưởng dân phố nói với bà xã, ngán nhất là qua nhà nhắc nhở treo cờ mà gặp phải tôi, tôi quát liền, treo cờ mà chị cũng phải đi hết từng nhà nhắc à. Hù chơi ấy mà, chơi Phật mặc cà sa, nhưng chơi với ma phải mặc áo giấy. Ngày tết, cờ thì còn có nhà nước “no”, nhưng bàn thờ thiên thì bây giờ không ai “no” hết, vắng bóng nhiều.
Qua khúc cong cuối Xuân Hòa là vào đến vùng đất Bình Thuận, mở tuồng bằng trại giam hoành tráng Thủ Đức và đồn Cảnh sát giao thông Hàm Tân. Trước đây sau 75, nhạc sỹ NVT, nổi tiếng với dáng đứng Bến Tre và chuyện tình già khó hiểu, có bài ...vào Thuận Hải ta phải đi ngay..., không biết có phải do tức khí sinh tình nghịch cảnh này không. Cũng phải ráng chạy tiếp. Tân Minh, Tân Phúc, ngã 3 bốn sáu, Tân Nghĩa, Tà Mon, Tân Lập, HT Nam, Hàm Cường, Hàm Kiệm, Hàm Mỹ, Tiến Lợi... Các vườn thanh long đến mùa thay lá, xanh mơn mởn. Các điểm bán hoa tết không nhóm ở chợ, chỉ bán trong nhà, ít hơn ở các khu vực dân cư Đồng Nai. Cũng vắng bàn thờ thiên, thay vào bằng vài chiếc công ten nơ, vài chiếc Limosine sang chảnh. Hết rồi khung cảnh “nhà quê” mộc mạc thanh bình thưở nào. Vào PT, phố xá hoa trái quang cảnh ngày tết lộ vẻ vui dần.
Trưa 30, chợ hoa các trục đường lớn phía Bắc sông Cà Ty quanh vườn hoa lớn, Trần Hưng Đạo, Thủ Khoa Huân... vẫn còn náo nhiệt kẻ xem, người bán, cả cảnh dân phòng công an la hét dẹp đuổi. Người Phan Thiết thích chơi hoa Đà Lạt như Lis, Glaïeul, hồng, cúc... Mai vàng thì đã có mai Ma Lâm Phú Hội tại chỗ, ít hoa nhưng  cao lớn tự nhiên, có tiền mua thêm thêm vài chậu bon sai mai đá Bình Định.
Lại đói bụng, ăn vội tô bánh canh chả cá, sợi bánh nhỏ nhưng nước thật ngọt, vị cá tươi của biển mặn. Đi một vòng, lại đói tiếp. Tìm bánh căn. Qua đoạn Cẩm Xìn, hết bán nghĩ Tết, cũng không nhìn thấy ML. Qua Trần Phú, nhìn vào nhà Tín, không thấy bạn mà cũng tìm không thấy bánh căn. Quẹo qua Hải Thượng Lãn Ông, không thấy ... mà hàng bánh căn cũng biến mất. Đành phải đánh tiếp một vòng qua nhà HT, người vắng nhưng bánh còn. Vẫn còn hên, ăn được 10 cặp bánh căn cuối năm con gà. Phải để bụng, tối còn làm thêm một tô mì quãng vịt nước húp cay xè với cái đùi to tướng.
No bung xong, đi thăm ông Già, định cư tận gần lầu ông Hoàng. Qua rặng dương là biển, nhìn xuống dốc là con sông Phú Hài uốn lượn quanh co từ Phú Long, quê bà Cố Nội, con gái Xóm Lụa làm dâu tận xứ Xóm Câu. Nhìn những hàng mộ trùng trùng lớp lớp, không nhận được đâu là nơi nghĩ nghìn thu của các bạn 72 mình như NN, HVS... Ai cũng phải đi về. Không biêt là may mắn hay bất hạnh cho những người ở lại. Thăm mộ Ba, nhìn hình, Mẹ tôi đã lãng, nói nhỏ,  cậu này trẻ mà chết sớm quá... Ngọn gió chiều 30, nhè nhẹ nhưng cảm thấy lành lạnh.
Đúng 8 giờ, mở tivi xem kịch Táo quân, chửi người ngẩm đời. Năm nay có cái mới, không còn từng Táo báo cáo, thay bằng catwalk. Ngọc Hoàng trở lại đời thường, chỉ thích mấy cô nàng start-up trẻ măng thiếu vải. Các Táo đua nhau giành ghế, cái ghế không có tội, ai có tội đây. Năm 2017, trần thế quá phức tạp, câu chuyện các Táo hơi dài, hơi loãng. Nhiều thằng sợ nhắc đến mình, mất ghế như chơi, lợi dụng sơ hở “đối phương”, đang giả vờ chê khen vận động bỏ chương trình này vào năm tới. Táo vẫn là Táo. Không ai giàu 3 họ, không ai khó 3 đời. Nhiều thằng mới 1 đời, con cái đã bị lội cổ xuống, còn bị lột sạch hết áo quần.
Bầu trời đêm 30 không còn đầy sao như mọi năm, không còn sao giao thừa xanh trong đôi mắt ngoan của Nguyễn Đình Toàn nữa. Trời tối mù, chắc còn ảnh hưởng cơn bão Sanba vừa tan ngoài biển đông trước tết. Tiếng đì đùng pháo hoa bắn lên từ cầu sắt, tiếng pháo chuột TQ ăn theo, tiếng mấy giàn Karaoke bọn nhỏ lối xóm gầm thét... Âm thanh ngoài sân phút giao thừa che mất tiếng gỏ chuông nhỏ nhoi khấn mời Ông Bà về với con cháu. Chừng vài phút sau, không gian bỗng nhiên tĩnh lặng.trở lại, tiếng gió thổi nhẹ, rồi hình như có tiếng gọi người tiếng chân lao xao, phải ráng về. Tôi vừa nghe nhạc xuân, vừa châm trà thay rượu, thoáng hiện hình ảnh người thân chỉ có lúc này. Nghĩ lại Mậu Thân 68, lúc này là tiếng pháo tiếng súng lẫn vào nhau, định chạy ra xem những làn đạn lửa tua tủa giăng khắp bầu trời, nhưng Ba biết, kêu cả nhà xuống gầm bàn gầm giường, rồi nói nhẹ, mấy ổng về. Sau đó, tiếng chân chạy thình thịch ngoài đường, tiếng gọi nhau ám hiệu, giọng bắc rặt của những trẻ con bé xíu ôm súng lạc đường trong đêm. Năm nay, Sài Gòn lại kỹ niệm 50 năm chiến thắng Mậu Thân. Tôi vẫn chưa hiểu tại sao chết nhiều chết oan vẫn dám gọi là tuyệt tích. Đáng lẽ phải thay bằng một lễ đại cầu siêu để còn biết đường về quê vào những đêm 30 như thế này, nếu không, vẫn còn xa lắc lê thê mãi. Những đứa nhỏ quá, chưa hề chứng kiến trận Mậu Thân, chưa hiểu hết, chưa thấm hết..., vẫn còn mãi mê tranh ghế, say sưa dối người dối lòng.
Tháng giêng là tháng ăn chơi, ra giêng chắc chắn sẽ còn nhiều chuyện về bạn bè. Một cái Tết nữa, mong dân 72 tứ xứ luôn khỏe mạnh và thành công...
Phạm Sanh, 72PBC

No comments:

Post a Comment