Wednesday, November 1, 2017

Tiểu Sử Thầy Lê Tá

Thầy Lê Tá sinh năm 1913 tại Quảng Nam, đậu Tú Tài II Ban Pháp tại Huế năm 1933. Sau đó đậu Cao Đẳng Sư Phạm Đông Dương vào năm 1936 cũng tại Huế. Thầy lập gia đình và có 5 người con gồm Lê Đình Thạch (Trưởng Nam), Lê Thị Vân, Lê Thị Xuân, Lê Đình Nam và 1 gái (không rõ tên).
     Theo tài liệu được trích dẫn từ Đặc San Hội Ngộ 2007 của Trường TH Võ Tánh cho biết Thầy Lê Tá được Nha Học Chánh Trung Việt đề cữ giữ chức Hiệu Trường Trường TH Công Lập Võ Tánh, tọa lạc tại số 1 Bá Đa Lộc Nha Trang từ năm 1952-1955, với sự cộng tác của hơn 30 nam nữ giáo sư, trong số này có nhiều vị rất nổi tiếng như GS Nguyễn Quảng Tuân (Việt Văn), Nguyễn Quang Gĩ, Đặng Đức Cường, Võ Hữu Nghi, Bùi Trọng Bạch..
          Niên Khóa 1955-1956, Thầy Lê Tá được chuyển về làm Hiệu Trưởng Trường Trung Học Công Lập Phan Bội Phan Thiết, tọa lạc trên Đại Lộ Trần Hưng Đạo. Thầy Nguyễn Vỹ thế Thầy Lê Tá làm Hiệu Trưởng TH Võ Tánh (1955-1956).
           Từ niên khóa 1956-1957, trường dời về địa điểm mới tại đường Nguyễn Hoàng, không xa Chợ Phường Phú Trinh. Thầy vừa là Hiệu trưởng kiêm GS Pháp Văn, phụ trách lớp Đệ Thất 3 còn học tạm tại ngôi trường cũ ở đường Trần Hưng Đạo. Cơ sỡ này sau đó trở thành Trường Trung Học Tiến Đức, do Thầy Đặng Vũ Tiển làm Hiệu Trưởng. Lớp Thất 3 năm đó có 50 học sinh, trong số này có Lê Đình Nam (thứ nam thầy) và người cháu tên Lê Đình Nhàn.
      Niên khóa 1957-1958 hai lớp này thành Lục 3 và 4 được dời về ngôi trường mới ở đường Nguyễn Hoàng và Thầy vẫn phụ trách môn Pháp Văn. Niên khóa 1958-1959, trường mở thêm 2 lớp Tam A và B. Vì thiếu gíáo sư nên thầy Lê Tá phải phụ trách dạy môn Lý Hóa và Công Dân Giáo Dục. Cũng trong niên khóa này, trường khánh thành 2 phòng học trệt, nằm kế tòa lầu chính và phòng dạy nhạc, dành cho hai lớp Ngủ 3 và 4 (Anh Văn) với nam nữ học chung. Phía bên kia là phòng thí nghiệm, kế văn phòng và nhà thầy hiệu trưởng (trên lầu). Năm 1961-1962 mở thêm 4 lớp ở dãy nhà trệt, xây trên sân vận động, phiá sau tầng lầu chính. Niên khóa 1962-1963 có hai lớp Đệ Nhất đầu tiên được mở.
          Tháng 8-1963, thầy Lê Tá được cử làm Chánh Chủ Khảo kỳ thi Tú Tài I tại Hội Đồng thi Nha Trang. sau 1-11-1963 Thầy cũng chấm dứt chức vụ Hiệu Trưởng tại trường TH Phan Bội Châu Phan Thiết.

B.THÀNH QUẢ CỦA THẦY HIỆU TRƯỞNG LÊ TÁ (1955 -1963)                                                                              So với các trường Trung Học Công Lập cùng thời tại Tuy Hòa, Phú Yên , Nha Trang, Khánh Hòa (Võ Tánh) và Phan Rang, Ninh Thuận (Duy Tân), thì tỉ lệ học sinh thi đổ Trung Học Đệ Nhất Cấp và Tú Tài I & II, tại trường Trung Lập Công lập Phan Bội Châu Phan Thiết đổ cao hơn. Về thể dục & thể thao, đội Túc Cầu của trường đã đoạt giải ‘vô địch bóng tròn‘ dành cho học sinh Trung Học cấp Miền gồm các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận.
        Trong thành phần đội tuyển trên, có nhiều học sinh bản trường đã trở thành các cầu thủ nổi tiếng, như Thủ Môn Nguyễn Gia (Ngôi Sao Gia Định) và Đội tuyển Equinal của ông Bầu Võ Văn Ơn, Chủ Tịch Tổng Cuộc Túc Cầu Miền Nam VN năm 1961-1963. Ông cũng là chủ nhân của khách sạn Kinh Đô tại đường Phạm Ngủ Lão Sàigòn, trước ngày 30-4-1975. Trần Tá, tuyển thủ đội Thương Cảng Sàigòn và Đội Tuyển thủ Thiếu niên Miền Nam. Năm 1970, đội này đã tham dự giải vô địch túc cầu tổ chức tại Philippine gồm các đội Mã Lai Á, Thái Lan, Indonesia, Phi Luật Tân và VNCH.
            Thời gian còn làm hiệu trưởng, thầy Lê Tá thường di chuyển đó đây bằng chiếc Vespa-Lambro màu trắng, để đến nhà tôi (tiệm may Mai Xuân Trượng), may quần áo và thăm viếng ba tôi là người đồng hương Quảng Nam. Nhũng lúc này thầy rất vui vẽ, nên thường đem tình trạng học hỏi của các học sinh bản trường, kể cho ba tôi nghe và xin ý kiến của một phụ huynh học sinh đóng góp.Thú vui của thầy là thích đi xem chiếu bóng ở rạp Modern trên đường Gia Long vào những ngày cuối tuần với cả gia đình.
       Dịp lễ Giáng Sinh vào cuối tháng 12/1965, giữa giòng người xuôi ngược như trẩy hội trên đại lộ Lê Lợi Sàigòn. Tôi tình cờ gặp lại thầy-cô đang dạo phố. Mừng quá, tôi kêu to giữa đám đông ‘Thưa Thầy Cô‘. Cả hai người đều ngạc nhiên dừng lại nhưng không nhớ tôi là ai, có lẽ vì học trò của thầy đông quá và ở đâu cũng có, chứ không riêng gì Phan Thết. Chừng đó tôi nhắc ‘Em là con ông MXT nhà may ở Phan Thiết, học sinh Phan Bội Châu‘. Nghe xong thầy bước tới bắt tay tôi thật chặt và lâu như không muốn thả. Lúc đó tôi cảm động muốn khóc. Cũng từ đó, tôi không còn gặp được thầy cô nữa, cho tới khi qua Mỹ theo diện HO mới nghe tin thầy ở tiểu bang Florida.. chưa kịp sang thăm thì thầy đã ra đi...
         Với bản tính nghiêm nghị, luôn tôn trọng kỹ luật học đường nhưng lại có tấm lòng bao dung tha thứ, nhất là đối với các học sinh nghèo nên thầy rất được học trò thương tuy rằng ai cũng sợ xanh mặt khi phải đối diện bất cứ vì lý do gì, ngoài hành lang, trong lớp học, trước cổng trường hay tại văn phòng. Khi còn tại chức, thầy chỉ thị cho ban giám thị phải luôn kiểm soát sĩ số học sinh có mặt và trốn học tại từng lớp. Đồng thời phải xem xét kỹ học bạ và chữ ký của phụ huynh học sinh. Nhờ vậy mà qua những niên khóa khi thầy làm hiệu trưởng, học sinh Phan Bội Châu đã bước vào nề nếp học đường, biết tôn trọng kỷ luật và trên hết đều cố gắng thi đua học hành, nên tỉ số thành công và đỗ đạt rất cao qua các kỳ thi Trung Học Đệ Nhất Cấp và Tú Tài so với nhiều tỉnh thị khác tại miền Nam VN.
           Vậy mà cuối cùng thầy phải ra đi khỏi mái trường Phan Bội Châu trong một hoàn cảnh thật đáng buồn, nhất là đối với những người chân chính như Thầy, cũng như những người có lương tâm trong chúng ta.

Mai Xuân Cúc CHS-PBC

TRƯỜNG PHAN BỘI CHÂU VỚI TÔI - Thầy Huỳnh Ngọc Phẩm

Đã từ lâu, Phan Thiết là đất học. Học sinh Phan Thiết, nhất là ở cái nôi Phan Bội Châu, nức tiếng học giỏi. Đã nhiều năm, trước 1975, tỷ lệ đậu Tú tài, đạt nhất nhì các tỉnh Nam Trung bộ. Học sinh Phan Bội Châu, khi rời mái trường, vào đời, dù bất cứ ở đâu, dù sống trong hoàn cảnh nào, hầu hết, lúc nào cũng nhớ về trường, về thầy cô, về bạn bè và luôn sống tử tế trong xã hội. Sống có trách nhiệm với bản thân với gia đình và cộng đồng.
Tôi có hơn 40 năm làm nghề dạy học, đã qua rất nhiều trường và ngôi trường, mà tôi thương yêu nhất, gắn bó nhất là trường Phan Bội Châu. Điều này không có nghĩa là tôi đã có một thời gian dài học tập và giảng dạy ở đây: 6 năm làm học sinh và 6 năm làm thầy giáo. Tôi yêu mái trường này vì tôi đã có ở đây những năm tháng đẹp đẻ., vì ở đây tôi đã nhận được nhiều tình cảm tốt đẹp, sự giúp đở tận tụy và chân thành từ thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp và học sinh , kể cả phụ huynh. Những điều quý báu đó đã đi vào lòng tôi, gắn bó như một phần cơ thể của mình.
Dâu bể cuộc đời, nhiều lúc cũng cho tôi sự đãi bôi,hờ hững, dối trá, đôi khi cả phỉ báng. Một thời gian dài, có lúc, gặp nhau giữa phố, không nói, không nụ cười. Chút tình bạn bè, thầy trò, đồng nghiệp xưa cũ cũng vội vã bay đi theo nhân tình thế thái. Cũng có thời điểm, đứng bên này đường Nguyễn Hoàng ngậm ngùi nhìn về phía cổng trường thân yêu, chỉ cách một con đường mà thấy như nghìn trùng xa cách! Song tôi chắc chắn rằng, sâu thẳm trong lòng của mỗi chúng ta luôn sống động nỗi niềm thương yêu về mái trường. Những khoảnh khắc ngậm ngùi nhất chính là những khoảnh khắc ta yêu mến trường nhất!
Càng lớn tuổi. nỗi nhớ càng thường trực trong ta. Nhớ khóm trúc già vẫn xanh màu lá, nhớ bờ giếng rêu phong, từng gốc sầu chiều,bãi cỏ sân trường, mái ngói lớp học, thầy cô, bè bạn. Những lúc ấy, tôi cảm thấy lao xao trong lòng, biết bao cảm xúc: luyến tiếc một thời cắp sách, bùi ngùi, tiếc nuối, những kỷ niệm buồn vui, những tháng ngày đã qua- những ngày xưa thân ái!.
Trong những năm gần đây và hiện nay, tôi may mắn được trở lại trường, với tư cách “một giáo viên thỉnh giảng môn toán” cho các lớp ôn thi vào 10. Tôi xúc động được ngồi trên những chỗ ngồi mà gần 60 năm trước tôi đã ngồi, xúc động được đứng trên bục giảng mà hơn 40 năm trước tôi đã đứng.
Ở đó qua khung cửa lớp học, trên bãi cỏ sân trường và dưới bầu trời xanh, tôi thấy lung linh hình bóng thầy cô tôi, bạn bè, đồng nghiệp và học trò tôi, những năm tháng thơ ấu đến trường, những ngày đêm miệt mài đèn sách. kể cả những tình cảm non nớt, vụng dại của một thời mới lớn của tôi. Những lúc ấy tôi thực sự hạnh phúc, cũng như vô cùng hạnh phúc, được họp mặt cùng anh chị em liên lớp vào chiều Mồng Bốn Tết hằng năm: hạnh phúc để thấy rằng ở đời cái gì rồi cũng mất đi, qua đi ,chỉ có tình nghĩa sống với nhau, trong đó có tình bạn bè và nghĩa thầy trò là còn mãi mãi. Và. Tôi cũng  mong hạnh phúc đó luôn được phủ đầy, thường trực trong từng trái tim , cuộc đời của mỗi chúng ta, những anh chị em khóa V trường Trung Học Phan Bội Châu Phan Thiết.

Thầy Huỳnh Ngọc Phẩm