Friday, November 27, 2015

Cháo trắng Sáu Chu


CHÁO TRẮNG SÁU CHU
Nhiều thế hệ người Phan Thiết gần ai cũng biết đến món cháo trắng Sáu Chu ở Ngã Bảy. Với họ đây là một món ăn dân dã nhưng ngon và độc đáo đến lạ, không nơi nào sánh bằng.
Sáu Chu.
Những năm cuối thập kỷ 30 của thế kỷ trước, Phan Thiết đã trở thành một đô thị lớn nổi tiếng khắp cả nước với nghề làm nước mắm. Nhiều đoàn ghe bầu từ khắp nơi mang những sản vật của xứ mình đến bán cho người Phan Thiết rồi lại chở đầy những tỉn nước mắm Phan Thiết về cố hương.
Trong đoàn ghe bầu chở đầy tủ thờ, một sản phẩm nổi tiếng từ miệt Gò Công đến cập bến sông Cà Ty những ngày cuối năm Kỷ Mão 1939, có một thanh niên người Hoa trẻ tên gọi Sáu Chu, lần đầu tiên xa nhà theo chủ đi phụ việc trên ghe. Công việc nặng nhọc nhưng vốn là người có sức khỏe và nhanh nhẹn nên mọi việc được Sáu Chu làm loáng cái đã xong. Bởi vậy ai cũng mến chàng trai trẻ này.
Những ngày neo ghe ở bến chờ đưa những tỉn nước mắm lên ghe, Sáu Chu làm quen với một cô gái cũng trạc tuổi mình hằng ngày phụ mẹ bán hàng ở bến ghe. Sau nhiều chuyến hàng và nhiều lần gặp nhau, cùng phận nghèo, họ hiểu nhau, cảm thông rồi yêu nhau. Mùa đông năm Canh Thìn 1940, chàng trai người Hoa xứ Gò Công và cô gái Việt ở làng Đức Nghĩa nên vợ nên chồng.
Sau ngày cưới, đôi vợ chồng trẻ được cha mẹ cô gái cho một mảnh đất nhỏ ở làng Đức Nghĩa che tạm mái lều tranh làm nơi tá túc. Sáu Chu vẫn theo chủ ghe bầu xuôi ngược Phan Thiết – Gò Công để kiếm tiền sinh sống, cô Đồng vợ Sáu Chu hằng ngày phụ mẹ buôn bán lặt vặt ở bến ghe.
Năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, chiếm Đông Dương và thực hiện những chính sách cưỡng bức thu mua lúa gạo, bắt nhổ lúa trồng đay nhằm phục vụ cho cuộc chiến tranh xâm lược của Nhật ra khắp châu Á – Thái Bình Dương, đã khiến cho nền kinh tế Việt Nam trở nên kiệt quệ. Nạn đói cùng với khói lửa chiến tranh hoành hành trên khắp đất nước. Mọi hoạt động kinh tế, giao thông bị đình trệ. Bến ghe trên sông Cà Ty nơi hàng trăm chiếc ghe bầu hằng ngày neo đậu giờ trở nên vắng lặng. Sáu Chu phải từ giã nghề đi biển lên bờ cùng vợ tìm kế sinh nhai.

Những năm ấy ai cũng nghèo, gạo thóc khan hiếm, nhiều người chỉ nấu cháo ăn qua bữa. Là người Hoa vốn quen với việc ăn cháo hằng ngày, Sáu Chu bàn với vợ mở một gánh cháo trắng, nấu sao cho ngon ngon, khác lạ để bán cho bà con trong xóm. Hai vợ chồng trẻ mày mò, tìm nhiều kiểu nấu khác nhau. Cuối cùng món cháo nấu với lá dứa thơm phức, đặc quánh, béo ngậy của vợ chồng Sáu Chu ra đời được người dân xóm nghèo Đức Nghĩa thích thú vì khác lạ với món cháo họ thường ăn. Cháo của Sáu Chu ăn hoài không thấy ngán, càng ăn càng thấy ngon nên tiếng lành đồn xa. Không chỉ người dân trong làng Đức Nghĩa mà những người ở Đức Long, Lạc Đạo, Phú Trinh mà cả vùng Đại Tài, Đại Nẫm cũng tìm đến ăn.
Đến năm 1954, khi kinh tế dần hồi phục, người dân bắt đầu có của ăn của để, vợ chồng Sáu Chu vay mượn người thân mở một tiệm bán cháo nhỏ ở đầu chợ Phan Thiết. Món cháo trắng lá dứa của Sáu Chu ăn kèm vịt muối, tôm khô, củ kiệu, chà bông, cá kho, đặc biệt là thịt heo đùi cắt lát mỏng chấm xì dầu và ớt bằm đã trở thành món ăn bình dân nổi tiếng khắp Phan Thiết. Món cháo trắng lá dứa có tên háo Sáu Chu từ ngày ấy.
Nhiều người sống ở Phan Thiết từ cuối thập niên 50 – 70 của thế kỷ trước đều không quên hình ảnh một người đàn ông người Hoa chỉ mặc quần đùi áo thun mang tên Sáu Chu đứng bán tiệm cháo ở đầu chợ Phan Thiết với đông nghịt người mua. Giai đoạn này mỗi ngày gia đình ông Sáu Chu dùng hơn 50 ký gạo để nấu cháo, bán liên tục từ sáng đến khuya.
Ngoài món cháo lá dứa, tiệm của ông Sáu Chu khi xưa còn bán thêm món mì quảng cũng rất nổi tiếng. Mỗi tô mì quảng ở tiệm ông lúc nào cũng có thêm con tôm bạc to là đặc điểm riêng mà các tiệm mì quảng ở Phan Thiết thời đó không có.
Đến thập niên 80, chợ Phan Thiết được xây lại, ông Sáu Chu dời tiệm cháo ra phía bùng binh Ngã Bãy để bán, và vị trí này được con cháu ông tiếp tục bán cho đến ngày nay.
Bí quyết gia truyền.
Rất nhiều người tìm cách nấu món cháo lá dứa, nhưng khó lòng ngon như cháo của gia đình ông Sáu. Khi chúng tôi hỏi về bí quyết, chị Trần Thị Ngọc Phượng, 48 tuổi, người gọi ông Sáu Chu bằng ông ngoại, hiện đang kế thừa nghề bán cháo của gia đình, không ngần ngại chia sẻ: “Mỗi ngày tùy theo lượng cháo dự dịnh bán mà “bắc” một xoong nước vừa đủ rồi cho một bó lá dứa đã rửa sạch vào nấu sôi. Đợi đến khi nước sôi ngả màu xanh, tức lá dứa đã ra hết vị thì cho gạo đã vo trước đó vào nồi nước đang sôi, rồi liên tục khuấy đều. Cứ 1 phút khấy 1 lần, làm khoảng 3-4 lần như vậy thì ngưng. Sau đó canh đến khi thấy hạt gao bung ra tức là đã nở gạo và nước cháo có nhựa thì giảm lửa từ từ. Cứ khoảng nửa giờ thì mở nắp khuấy cho hạt cháo vỡ đều và làm liên tục đến khi cháo đặc vừa đủ là xong. Thời gian để nấu một nồi cháo trung bình từ 5 – 6 giờ”, chị Phượng kể.
Khi thấy chúng tôi đặt câu hỏi nếu làm như vậy thì quá đơn giản, ai cũng có thể làm được, chị Phượng cười nói thêm: “ thật ra có 3 cái quan trọng mà không có nó thì không thể nấu được món cháo Sáu Chu. Đó nước để nấu cháo phải là nước lấy từ các giếng ở đường Thái Phiên, tức là các giếng xung quanh ngôi nhà của ông Sáu Chu xưa. Cũng là nước giếng nhưng lấy ở chổ khác về không nấu ra được. Hai, gạo nấu cháo phải là loại gạo Long Định hạt tròn hoặc các loại gạo ngon khác nhưng phải là loại gạo dẽo. Gạo nấu cháo chỉ được vo chứ không được ngâm. Ba, phải biết canh lửa và nước, nếu “ghế” sớm hoặc trể quá đều bị hư, tức là cháo cũng đặc nhưng để lâu sẽ bị chảy nước. Đây là cái khó mà người khác nếu không kinh nghiệm sẽ không làm được”.
Muốn rõ thêm về nguồn nước dùng nấu cháo, chúng tôi tìm đến các giếng nước quanh nhà ông Sáu ngày xưa và nhận thấy nước giếng ở đây trong vắt, nhưng không thể uống vì hơi mặn, thế mà theo người nhà nói dùng nước này nấu cháo lại cho vị ngon đến lạ.
Giữ nghề
“Trước đây ông ngoại tôi thường căn dặn, không có gì dể bằng nấu cháo trắng, nhưng để người ta ăn nhớ đến mình thì cần đặt cả tình cảm, tâm huyết, và uy tín của mình lên nồi cháo” chị Phượng nói. Nhờ hết sức gìn giữ “thương hiệu” nên cháo trắng Sáu Chu đã truyền đến 4 đời người. Và, tuy chiếm vị trí khiêm tốn ở một góc nhỏ trên vỉa hè khu bùng binh Ngã Bay trước chợ Phan Thiết nhưng luôn đông khách.
Ngày nay có nhiều món ăn ngon, lạ, cầu kỳ được bày bán khắp nơi, nhưng với nhiều người Phan Thiết, nhất là những đi xa trở về đều muốn ghé Ngã Bảy ăn tô cháo lá dứa Sáu Chu với hột vịt muối, tôm khô bởi qua đó họ cảm nhận được vị ngon của quê hương mình.
Lê Huân
Chú thích ảnh:
1. Ông Sáu Chu
2. Giếng nước trong Hội quán Phúc Kiến trên đường Thái Phiên ( Đức Nghĩa ) được gia đình ông Sáu Chu dùng nước này để nấu ra món cháo lá dứa thơm ngon, béo ngậy.
3. Căn nhà xưa của ông Sáu Chu nay là số 14 đường Thái Phiên.
4,5,6: Quán cháo của con cháu ông Sáu Chu ngày nay ở bùng binh Ngã Bảy trước chợ Phan Thiết.

Nguồn: FB Lê Huân

Thursday, November 26, 2015

NGÀY ĐÓ


CÓ ĐÔI BẠN NGÀY XƯA
NƠI SÂN TRƯỜNG GHẾ ĐÁ
THƯỜNG TRÒ CHUYỆN BÊN NHAU
PHƯỢNG VỀ VƯƠNG ĐÁY MẮT

NGÀY ĐÓ ĐÔI BẠN NHỎ
QUẤN QUÝT GIỜ RA CHƠI 
THEO NGÀY XƯA HOÀNG THỊ 
HÒ HẸN MỘT NGẢY MAI

NHƯNG DÒNG ĐỜI TRĂM LỐI 
SAO HẸN ĐƯỢC NGÀY VỀ...
SÂN TRƯỜNG HOA PHƯỢNG THẮM
TÌM LẠI BÓNG HÌNH XƯA 

ĐỜI ĐOẢN KHÚC TỪ LY
DÂNG TRÀO NIỀM NHUNG NHỚ 
TIẾC NUỐI THÁNG NGÀY THƠ
PHƯƠNG BUỒN CAY CAY MẮT

GIỜ NGHÌN TRÙNG XA CÁCH 
AI THẤU HIỂU NIỀM RIÊNG
XA NHAU LÒNG VẨN NHỚ
" BỤI ĐỎ " CỦA NGÀY XƯA...

HỮU ANH  KANGAROO

Sunday, November 22, 2015

Những nét chung về xã hội Nhật Bản / Ryu Mizukoshi - Cựu Học Sinh Phan Bội Châu Phan Thiết

 Ryu Mizukoshi - Cựu Học Sinh Phan Bội Châu Phan Thiết 

Con Người và Xã Hội Nhật Bản
Mong rằng qua bài viết này (lần lượt từ Bài số 1 đến Bài số 6), các bạn trẻ VN hiểu thêm được người Nhật và nước Nhật.


Bài số 1: Những nét chung về xã hội Nhật Bản
Trong khi vẫn gìn giữ nền văn hóa truyền thống, Nhật Bản cũng nhanh chóng hấp thu kỹ thuật của phưng Tây vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Sau khi thất trận Đệ nhị thế chiến, Nhật Bản hoang tàn đã phục hưng và trở thành nước có nền kinh tế mạnh hàng thứ nhì trên thế giới và là một đồng minh vững chắc của Mỹ. Nhật Hoàng trên ngai vàng chỉ là biểu tượng cho sự thống nhất quốc gia, quyền lực thực sự nằm trong hệ thống các chính trị gia, các công chức và các doanh nhân. Kinh tế Nhật Bản đã chậm lại trong thập niên 1990, sau 3 thập niên phát triển chưa từng có.
Sự hợp tác giữa Chính quyền - Doanh nghiệp - Học đường, một định chế luân lý chức nghiệp, sự làm chủ khoa học kỹ thuật và một ngân sách quốc phòng tương đối nhỏ (1,1% của GDP), đã giúp Nhật tiến nhanh thần kỳ lên nền kinh tế có kỹ thuật mạnh hàng thứ hai trên thế giới, sau Mỹ và nền kinh tế lớn hàng thứ 3 sau Mỹ và Trung Quốc. Đặc điểm đáng chú ý trong nền kinh tế Nhật Bản là các nhà sản xuất, nhà cung cấp, nhà phân phối kết hợp khắng khít với nhau thành những tập đoàn khép kín gọi là Keiretsu. Đặc điểm thứ hai là thuê mướn việc làm trọn đời cho phần lớn lực lượng lao động ở thành thị. Ngày nay cả hai đặc điểm này đang bị xói mòn. Kỹ nghệ, khu vực kinh tế quan trọng nhất của Nhật Bản, lại phụ thuộc nặng nề vào việc nhập khẩu nguyên liệu và năng lượng. Nông nghiệp - khu vực kinh tế nhỏ hơn rất nhiều – nhưng lại được trợ cấp và bảo hộ ở mức độ cao, đạt được năng suất thu hoạch cao trong số những nước có năng suất cao nhất thế giới. Tuy nhiên những chính sách hỗ trợ cho nông dân ngày càng bị hạn chế do những qui chế của WTO hoặc GATT hoặc TPP v.v.... Dù vậy, Nhật Bản vẫn tự túc đủ và dư thừa gạo, nhưng phải nhập khẩu trên 50% các loại rau quả, ngũ cốc khác và thức ăn cho gia súc. Nhật Bản nằm trong số những nước có đoàn tàu đánh cá lớn nhất thế giới và đánh bắt được 15% tổng số toàn cầu. Sau 3 thập niên tăng trưởng kinh tế toàn diện và lạ lùng, mức tăng trung bình những năm của thập niên 1960 là 10%, những năm của thập niên 1970 là 5% và những năm của thập niên 1980 là 4%. Tăng trưởng kinh tế giảm sút rõ rệt trong những năm 1992 - 1995 do hậu quả của đầu tư quá mức trong cuối những năm 1980, và các chính sách thu hẹp đầu tư trong nước, để giải tỏa bớt đầu tư quá mức trong thị trường chứng khoán và bất động sản. Mức tăng trưởng lại được đẩy lên 3,9% nhờ các kích cầu tài chánh và tiền tệ, kìm hãm được tốc độ lạm phát thấp. Nhưng năm 1997-2010 Nhật Bản trải qua giai đoạn suy thoái trầm trọng vì khó khăn về tài chính và hệ thống ngân hàng, thị trường bất động sản, càng trầm trọng khó khăn hơn vì những cứng nhắc trong cơ cấu tổ chức các công ty và thị trường lao động. Năm 1999 sản lượng bắt đầu ổn định vì chính sách chi tiêu khẩn cấp của chính phủ bắt đầu có hiệu quả, sự tin tưởng của các doanh nghiệp bắt đầu tăng lên. Tuy nhiên, chính sách thắt chặt tiền tệ quá đà làm cho nền chứng khoán của Nhật Bản giảm liên tục, giảm phát phát sinh và kéo dài cho đến cuối năm 2010. Cư dân trong di chuyển lên vùng đô thị càng ngày càng đông đúc và bộ phận dân số già nua càng ngày càng tăng lên và đó là hai vấn đề lớn trong tương lai lâu dài. Ngành sản xuất rôbô là ngành kinh tế mũi nhọn, Nhật Bản có 410.000 rôbô làm việc trong số 720.000 rôbô của toàn thế giới (thống kê năm 2005), chiếm hơn một phần hai số rôbô trên thế giới.

 

Con Người và Xã Hội Nhật Bản
Bài số 2: Những đặc trưng của người Nhật Bản
1) Xã hội có tôn ti trật tự.
2) Lịch thiệp – đúng mực, hòa hợp với nhóm, tự trọng.
3) Cần cù, trung thành với nhóm.
4) Có ý thức tập thể.
5) Không khẳng định rõ ràng có hay không, im lặng là vàng.
6) Người Nhật Bản sống hòa mình với thiên nhiên.
7) Không thân mật với người ngoại quốc.
8) Thiếu hiểu biết về các dân tộc khác.
Có những tính đặc trưng nêu trên là do người Nhật Bản là một dân tộc gần như là thuần nhất (có 2 dân tộc khác là người AINU ở miền Bắc và người RYUKYU ở miền Tây Nam, nhưng chỉ là thiểu số), đại dương bao quanh cách ly với những nước khác và là một dân tộc làm nông nghiệp.
Thời xưa Nhật Bản học được nhiều thứ của Trung Quốc, Triều Tiên - chữ nho, văn hoá, tôn giáo, triết học. Nhưng người Nhật Bản ngày nay thích các nền văn hóa Tây phương về ẩm thực, nhà cửa, cách ăn mặc, nghệ thuật, âm nhạc và nhiều mặt khác. Khác với các dân tộc khác xung quanh TQ, người Nhật không bắt chước nguyên xi mà biến những cái mình đã học được từ nước ngoài thành phong cách của người Nhật Bản và áp dụng chúng trong lối sống hàng ngày. Trên nhiều phương diện, phát triển những văn hóa đó mạnh và cao hơn văn hóa mình đã học được từ thầy. Ta có thể kể đến như trà đạo, kiếm đạo, hoa đạo, phật giáo, nhu đạo, mì ramen, há cảo, ngành sắt thép, ngành ô tô v.v... Có thể nói Người Nhật là một trong số rất ít dân tộc học thầy mà lại hơn thầy.
Những nét văn hoá truyền thống như cổ nhạc kịch (kabuki), kịch nói kiểu ngông cuồng (Noh), trà đạo, nghệ thuật cắm hoa, người Nhật vẫn kế thừa phát triển nhưng không còn được giới trẻ say mê rộng rãi, vì có quá nhiều nghi thức và phức tạp so với một xã hội hiện đại ngày nay.



Bài số 3 : Người Nhật Bản và các tôn giáo
Trừ khoảng thời gian khoảng 200 năm trong thời EDO bế quan tỏa cảng, đàn áp đạo Thiên chúa, trong lịch sử từ cổ đại đến hiện đại, người Nhật rất khoan dung trong tôn giáo.
Tổng số tín đồ các tôn giáo vào khoảng 213.000.000 người, gần gấp 2 lần dân số Nhật Bản. Nghĩa là có những người đa tôn giáo.
Sự phối hợp giữa Thần đạo, Phật giáo, Thiên chúa Giáo và Khổng giáo.
Khi được hỏi ông/bà theo tôn giáo nào ? Người Nhật Bản trả lời chẳng theo tôn giáo nào cả.
Khi thi nhập học, làm lễ kết hôn, sinh con, cần làm ăn phát đạt, xin cho khỏi bệnh người Nhật lên miếu, đền thờ của Thần đạo.
Khi có ma chay tống táng, người Nhật mời thầy chùa về tụng kinh hoặc lên chùa.
Vào ngày 25 tháng 12 người Nhật ăn mừng lễ giáng sinh rất rầm rộ. Đa phần khi kết hôn thì thường làm lễ kết hôn trước mặt cha đạo Thiên chúa hoặc mục sư đạo Tin lành.
Ngày 31 tháng 12, người Nhật lắng nghe tiếng chuông chùa của những cổ tự vào ngày cuối năm.
Vào ngày 01 tháng 01, người Nhật lên các miếu, đền thờ của Thần đạo hoặc chùa của Phật giáo cầu phước cho năm mới. Tại Nhật, ta có thể thấy nhiều chùa (đạo Phật) và đền thờ (Thần đạo) nằm chung trong một khuôn viên đất hoặc bên cạnh nhau.


Bài số 4: Tại sao người Nhật Bản làm việc nhiều quá vậy ?
Vì người Nhật Bản đam mê công việc, vì muốn hết mình vì công ty, vì muốn cống hiến cho xã hội trong đó có bản thân mình chứ không phải bị bắt buộc, cưỡng chế như một quốc gia nào đó thường tuyên truyền.
"Người Nhật Bản thường che dấu cá tính mình và sẵn sàng hiến mình cho đời sống của công ty, dù có phải hy sinh một phần lợi ích của gia đình và cá nhân mình. Họ làm việc tận tụy cho công ty và sẳn sàng bảo vệ lợi nhuận của công ty khi cần thiết". Tuy nhiên, gần đây bắt đầu có sự thay đổi dù không nhiều trong phong cách này.
Một điều quan trọng là người Nhật làm việc tận tụy ở đây không có nghĩa là làm nhiều thời gian. Đó chỉ là câu chuyện trong quá khứ. Nhật Bản có rất nhiều ngày nghỉ trong năm.
Ba yếu tố trong lề lối làm việc của người Nhật Bản
1) Cần cù, tiết kiệm và lối sống giản dị.
Người Nhật Bản làm việc không phải là một hoạt động kinh tế, mà như là một hoạt động tôn giáo từ những năm 1600. Như thể người ta tin rằng làm việc chăm chỉ là phương cách để được lên thiên đàng sau khi chết. "Lao động là một đức hạnh" vẫn còn là nếp suy nghĩ của người Nhật Bản hiện đại.
2) Danh vọng:
Từ thời Minh Trị (1868) giai cấp xã hội (giới võ sĩ, giới nông dân, giới công kỹ nghệ, giới thương nhân) đã được bãi bỏ, mọi người được tự do chọn nghề nghiệp cho mình, không buộc phải theo nghiệp gia đình. Nếu cố gắng, ai cũng có cơ hội, có địa vị mới cao hơn trong xã hội, trong công ty. Điều quan trọng là thành công ở đời. Trở về quê nhà với công thành danh toại là giấc mơ của mọi người. Nhưng giới trẻ Nhật Bản ngày nay không còn khuynh hướng theo nếp nghĩ này nữa mà nghĩ một cách phóng khoáng hơn.
3) Tác phong tập thể:
Nhật Bản xưa là một nước nông nghiệp và canh tác lúa, tuy nhiên đất đai toàn là đồi núi, thiên nhiên khắc nghiệt và những trở ngại khác đòi hỏi họ phải đoàn kết hợp tác với nhau làm việc. Trong hoàn cảnh như vậy, con người phải hợp tác với nhau.

 
Bài số 5: Các quan niệm về công ty
1) Công ty là của các cổ đông, của ban quản lý, của công đoàn lao động, của công nhân trong xí nghiệp. Công ty không phải là của cá nhân người chủ doanh nghiệp (trừ những trường hợp thiểu số).
2) Công ty là một tổ chức chức năng có một mục đích rõ rệt và là một cộng đồng.
3) Công ty là nơi nuôi dưỡng và nâng cao phẩm chất con người. Công ty là nơi rèn luyện tinh thần, xây dựng nhân cách mình.
Người Nhật Bản làm việc cho một công ty cho đến ngày về hưu, chỉ chuyển đổi công việc làm việc cho một công ty khác khi ở một hoàn cảnh đặc biệt. Phong cách này hiện tại cũng đang dần dần thay đổi nhưng không nhiều.
Vì giá cổ phiếu giảm, tình hình kinh tế của Nhật Bản rơi vào tình trạng xáo trộn khoảng 20 năm nay. Các tổ chức tài chính như Ngân hàng, các công ty bảo hiểm lần lượt bị phá sản và số người thất nghiệp tăng lên dần vì các chính sách thay đổi cơ cấu các ngành công nghiệp. Bởi vậy, các quan niệm truyền thống của Nhật Bản cũng thay đổi theo sự thay đổi của hệ thống tổ chức xã hội.
Hệ thống làm việc suốt đời cho một công ty, thăng thưởng theo thâm niên, chỉ sử dụng những người mới ra trường để đào tạo họ thành những nhân viên phù hợp với văn hóa của chính doanh nghiệp, vốn là những truyền thống tốt đẹp của Nhật Bản, đang dần dần biến mất trong xã hội Nhật Bản. Thay vào đó, chủ nghĩa thành tích-kết quả, hệ thống tuyển dụng từng mỗi năm, hệ thống lương năm và nhiều hệ thống làm việc khác, dần dần được đưa vào các công ty Nhật Bản. Kết quả tất nhiên là cách cư xử và lòng trung thành của người làm việc đối với công ty, sẽ thay đổi lớn trong tương lai.

Văn Hóa và Xả Hội Nhật Bản

 Togetsukyo at Arashiyama, Kyoto, Japan

Hôm nay ngày 3 tháng 11 là ngày lễ của Nhật Bản. Nhân đây xin giới thiệu các ngày lễ quốc gia của Nhật Bản. Nhật Bản có rất nhiều ngày lễ của quốc gia (được nghỉ).
1. Ngày 1 tháng 1 : Lễ Tết (dương lịch). Nhật Bản không còn ăn tết âm lịch từ sau Minh Trị.
2. Ngày thứ hai của tuần thứ 3 tháng 1 : Lễ thành nhân (lễ các thiếu niên đến 20 tuổi, được công nhận là người lớn, được uống rượu, hút thuốc từ 20 tuổi)
3. Ngày 11 tháng 2 : Lễ kỹ niệm lập quốc (tương đương với ngày quốc khánh)
4. Ngày 20 tháng 3 : Lễ xuân phân (bắt đầu mùa xuân). Ngày xuân phân thay đổi theo mỗi năm, thường nằm trong khoảng ngày 19 đến 22 tháng 3.
5. Ngày 29 tháng 4 : Lễ ngày Chiêu Hòa (trước kia là sinh Nhật vua Chiêu Hòa, cha của đương kim Thiên hoàng, sau khi vua chết thì vẫn duy trì ngày lễ để tăng thêm ngày nghỉ)
6. Ngày 3 tháng 5 : Lễ ngày kỹ niệm hiến pháp (ngày kỹ niệm vua Minh Trị ban hành hiến pháp)
7. Ngày 4 tháng 5 : Lễ ngày màu xanh (bảo vệ môi trường xanh, trồng cây v.v…)
8. Ngày 5 tháng 5 : Lễ ngày trẻ em
* Tháng 6 không có ngày lễ quốc gia. Quốc hội Nhật Bản đang cố tìm ra một ngày nào đó để tăng thêm ngày lễ. Có thể tương lai sẽ là lễ ngày núi
9. Ngày thứ hai của tuần thứ 4 tháng 7 (trước kia là ngày 20 tháng 7) : Lễ biển
* Tháng 8 không có ngày lễ quốc gia
10. Ngày thứ hai của tuần thứ 4 tháng 9 : Lễ kính lão (trước sau ngày 20 tháng 9)
11. Ngày 22 tháng 9 : Lễ ngày nghỉ quốc dân (ngày này không cố định, nằm giữa ngày lễ kính lão và ngày lễ thu phân để dân chúng được nghỉ liên tục)
12. Ngày 23 tháng 9 : Lễ thu phân (bắt đầu mùa thu)
13. Ngày thứ hai của tuần thứ 3 tháng 10 : Lễ ngày thể dục
14. Ngày 3 tháng 11 : Lễ ngày văn hóa
15. Ngày 23 tháng 11 : Lễ tạ ơn lao động (tương đương với ngày lao động quốc tế, Nhật Bản không nghỉ ngày lao động quốc tế)
16. Ngày 23 tháng 12 : Lễ sinh nhật đương kim thiên hoàng (vua Nhật). Nhật Bản không nghỉ lễ giáng sinh để không thiên vị trong tôn giáo
Chú thích :
*1. Những ngày nghỉ liên tục trong thượng tuần tháng 5 gọi là tuần lễ vàng, những ngày nghỉ liên tục trong hạ tuần tháng 9 gọi là tuần lễ bạc.
*2. Trừ những ngày cố định như sinh nhật vua, ngày lỹ niệm hiến pháp v.v…, trên cơ bản là đưa những ngày lễ quốc gia vào ngày thứ hai (hoặc ngày thứ sáu) để dân chúng có thể nghỉ liên tục.
*3. Những ngày lễ quốc gia rơi vào ngày chủ nhật thì tự động được chuyển sang ngày thứ hai ngay sau đó.
*4. Để phân tán thời gian nghỉ của dân chúng, Nhật Bản dự định tăng thêm ngày nghỉ mới trong tuần lễ bạc (tháng 9) nhưng chưa tìm ra được lý do để thuyết phục dân chúng.


Nguồn: FB Ryu Mizukoshi - Cựu học sinh Phan Bội Châu PT


Hôm nay, ngày 3 tháng 11 là ngày lễ văn hóa của Nhật Bản, tôi xin chia sẻ một vài nét văn hóa mà mỗi cá nhân, mỗi doanh nghiệp có thể thực hiện được chứ không cần phải đợi đến cả quốc gia.
1. Toilet : tất cả mọi người đã đến Nhật đều cảm nhận được là toilet của Nhật Bản rất sạch đẹp. Trong nhà hàng, khách sạn, cơ quan chính quyền, công ty thì khỏi cần giải thích nhưng ngay cả các toilet công cộng trong công viên, trong nhà ga xe điện v.v… đều rất sạch. Do người Nhật ăn ở vệ sinh?, đúng vậy nhưng chỉ đúng một phần. Khi tôi sang Nhật vào giữa thập niên 1970 thì toilet công cộng cũng khá dơ bẫn. Trong toilet cũng có những dòng chữ “xin giữ vệ sinh chung” hoặc ngoài đường cũng có những bảng “cấm đái” (xin lỗi các cô gái) dù không nhiều như ở VN. Một thời gian sau thì những dòng chữ như “xin giữ vệ sinh chung” v.v… được thay đổi thành các dòng chữ “thành thật cảm ơn quý vị đã giữ sạch đẹp” hoặc “thành thật cảm ơn quý vị đã giữ sạch đẹp cho người sử dụng kế tiếp” xuất hiện, và từ đó trở về sau thì toilet công cộng của Nhật càng ngày càng sạch đẹp ra.
2. Thay đổi những từ ngữ dễ tổn thương :
Trước đây trong trường học, người Nhật vẫn sử dụng từ “Hội phụ huynh”, “Phụ huynh” như ở VN, nhưng trong khoảng 30 năm trở lại, người Nhật biết là các từ này sẽ làm tổn thương đến các em học sinh không có cha, không có mẹ và làm các em cảm thấy tủi thân. Từ đó trở về sau tại Nhật người ta sử dụng các từ “Hội người nuôi dưỡng” hoặc “Người nuôi dưỡng”.
Tương tự như trên, những từ như “mù”, “điếc”, “khùng”, “tàn tật”, “khuyết tật” v.v… không còn trong tiếng Nhật nữa. Thay vào đó những từ “người có trở ngại về thân thể”, “người không có tự do về thân thể” hoặc “người chậm phát triển về trí tuệ” được sử dụng một cách phổ biến.

Nguồn: Ryu Mizukoshi

Tuesday, November 10, 2015

Sông Lạnh

Thưa rằng Phan Thiết bây giờ
Giòng Mường giang vẫn lững lờ chảy qua
Trên cao Tháp nước thêm già
Thương đàn sáo sậu không nhà ngẫn ngơ
Hàng Vông thả cánh trong mơ
Lửa Vông còn ấm đôi bờ yêu thương ?
Cầu treo lạc lõng trong sương
Sáo ơi sáo có còn vương chút tình
Mùa Xuân trở cánh phiêu linh
Cho ta nghe lại khúc bình minh xưa ...


MMT

Một Lần Đi

 
Chiếc thuyền con tách bến
Tiếng máy nổ ngập ngừng
Mặt sông đùa lớp sóng
Nhịp thở động tình không
             * * *
Ta quay đầu nhìn lại
Leo lét ánh điện đường
Chưa xa mà thăm thẵm
Đất trời bổng lạnh câm
             * * *
Mắt mở lệ đoanh tròng
Vẫy tay chào giã biệt
Ôi ! Quê Hương còn đó
Mà xa cách ngàn trùng
             * * *
Nhớ xưa rời mái ấm
Theo đuổi nghiệp sách đèn
Chiều chiều trông chốn củ
Nhung nhớ ngập hồn thơ
             * * *
Nay phương trời vô định
Ai hẹn được ngày về
Mang mang lòng thổn thức
Đòi đoạn khúc từ ly
            
          ************
        Một ngày buồn...
     Hữu Anh Kagaroo

Monday, November 9, 2015

Cá Ông và Dinh Vạn Thủy Tú



Nhỏ, có lần tắm biển Thương Chánh, gặp một Ông nược (cá heo) lỵ, tự nhiên thấy buồn. Ông nược thường xuất hiện từng đàn vào mùa gió nồm, những buổi sáng mai, biển êm như mặt hồ Vĩnh Thủy, tung tăng rẽ nước đuổi cá nhỏ vào lưới cước lưới rùng mỗi khi được các ngư dân vổ tay reo hò. Giống y sau này, khi tôi thăm khu giải trí Monaco ở Pháp, cá heo như nghe được và hiểu tiếng người. Có lẽ không loài cá nào thông minh như cá voi và cũng không ai quý cá voi bằng dân biển miền Trung và Nam bộ, gọi cá voi bằng Ông, tôn là Thần, khi chết được chôn cất thờ phụng cúng giỗ hàng năm đúng lễ nghĩa đàng hoàng. Dân gian có câu “Tại Nam vi thần, tại Bắc vi ngư”.


Cá Voi (Balaenus) là loài động vật máu nóng có vú lớn nhất hiện nay,  thọ rất cao có thể sống trên 200 tuổi. Bề ngoài giống cá, nhưng thở bằng phổi, nuôi con bằng sữa. Tổ tiên cá voi là động vật ăn thịt, sống trên cạn 60-70 triệu năm về trước, sau có lẽ thích nước xuống nước. Lỗ mũi có van, phổi co giản được, vì vậy có thể lặn lâu dưới nước hàng giờ. Thân dài trên 30 mét tùy loại, có con nặng đến 150 tấn. Thịt cá voi có giá trị dinh dưỡng cao. Vì vậy, mặc dù bị nhiều nước trên thế giới phản đối, cá voi đang là đối tượng bị săn lùng ráo riết  ở một số nước văn minh phát triển như Nhật Bản, Na Uy, Đan Mạch. Cá voi chết thường do bệnh già, môi trường ô nhiễm, sóng bão đánh giạt vào bờ mắc cạn, cũng có khi trúng phải chân vịt tàu thuyền.
Cá voi bơi rất nhanh, thường di cư đều đặn vào các mùa. Mùa đông sinh sản, mùa hè tìm kiếm thức ăn, tích lũy mỡ. Ở vùng biển Việt Nam thỉnh thoảng vẫn gặp cá voi xanh lớn. Món ăn khoái khẩu của cá voi là cá mòi và ruốc. Cá mòi và ruốc thường đi thành đàn, nhiều ở vùng cửa sông hay các vịnh nước nông ven bờ như vịnh Phan Thiết. Khi gặp biển động, để tránh sóng lớn, cá voi tìm vật trôi nổi trên biển nép vào, dựa vật ấy cùng bơi vào bờ tránh sóng gíó. Nhiều khi không gió bão, nhưng cá voi thích cọ lưng vào ghe thuyền để “trị” loài cá ép cứ bám chặt vào da. Đây có lẽ là lý do giải thích được phần nào chuyện "cứu người" và "lụy" (lỵ, chết) của Ông.

 Tục thờ Ông (cá voi, phân biệt với Ông Quan Công ở các chùa Ông chùa Bà người Hoa) có ở nhiều địa phương từ Thanh Hóa đến Hà Tiên, trong đó có Bình Thuận. Riêng Phan Thiết, các phường có người dân sống bằng nghề biển đều có lập các dinh vạn thờ Ông như vạn Thủy Tú (Đức Thắng), vạn Khánh Long (Đức Long)… Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tục lệ thờ Ông có từ người Chăm ở Ninh Thuận-Bình Thuận, quá trình di cư cộng cư giao thoa văn hóa Chăm- Việt- Hoa, bản địa hóa thành tín ngưỡng của người Việt, lan tỏa ra Bắc Trung bộ, Nam bộ, thậm chí Bắc bộ. Đến đời vua Gia Long và các vua triều Nguyễn sau này, cá Ông lại được phong thần từ câu chuyện cứu vua quan tùy tùng nhà Nguyễn rất nhiều lần trong cái thửa ban đầu bôn ba gian khổ  bởi thủy quân nhà Tây Sơn.
Người Chăm thờ cá Ông thông qua hình tượng thần biển cả Pô Riyak, người Việt thờ cá Ông thông qua thần Nam Hải Đại vương, do Phật Bà Quan âm Bồ Tát xé chiếc áo cà sa của mình, vứt xuống biển hóa thành cá Ông để cứu độ sinh linh. Các vị Thần này đều trung thành, thương dân nghèo và xuất hiện cứu giúp người khi gặp hoạn nạn trên biển. Ai có đi biển, gặp sóng to gió dữ, mới thấy ý nghĩa của 12 câu “thần chú” khấn nguyện nhờ Ông giúp đở cho tai qua nạn khỏi.

Vạn Thủy Tú, nằm trên đường Ngư Ông Đức Thắng, con đường “tre dài gió mát”, được xem là vạn thờ cá Ông cổ xưa nhất được ngư dân làng Thủy Tú xây dựng vào năm Nhâm Ngọ 1762. Bên trong vạn có nhiều di sản văn hóa Hán Nôm liên quan đến nghề biển, thể hiện trong nội dung thờ phụng ở các khám thờ, tượng thờ, hoành phi, liễn đối, trên văn khắc của chiếc chuông đồng đại hồng chung (1780). Vạn làng Thủy Tú cũng là một trong những di tích cổ có số lượng lớn sắc phong của các vị Vua triều Nguyễn ban tặng, có tất cả 24 sắc phong của các đời vua Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định (riêng Vua Thiệu Trị ban tặng 10 sắc Thần, hiếm thấy so với các di tích khác).

Trong khuôn viên vạn Thủy Tú có một khu nghĩa trang “Ngọc Lân thánh địa” dùng để mai táng cá Ông mỗi khi ông "lụy" dạt từ biển vào. Người dân biển kể, đưa Ông vào có các Tướng theo hầu, gồm cặp cá mực, cặp cá đao và cặp tôm, bảo vệ ngăn các loài cá dữ xúc phạm thân thể Ngài. Đưa lên bờ, trước khi tẩm bằng rượu liệm bằng vải đỏ, phải tắm Ông sạch sẽ. Ba năm sau khi mai táng mới được thượng cốt, nhập tẩm. Theo phong tục, ngư dân nào trông thấy Ông đầu tiên sẽ được làm "con" của "Ngài", chịu tang ba năm... Vạn Thủy Tú từ ngày xưa đến nay đã chứa gần 100 bộ xương Ông, Bà, Cô, Cậu. Một nửa trong số đó có tuổi trên 100 năm, những bộ xương to lớn được thờ phụng tôn nghiêm. Bộ cốt cá Ông được lưu giữ tại dinh Vạn Thủy Tú, được Hải học viện Nha Trang phục chế năm 2003, dài 22m nặng 65 tấn, được đánh giá là bộ xương còn đầy đủ lớn nhất Việt Nam, nghe đâu kỹ lục cả Đông Nam Á.
Hàng năm tại Dinh đều diễn ra các kỳ tế lễ được tổ chức trang trọng vào các ngày âm lịch: Tế Xuân 20/2 , Cầu ngư 20/4 , Chính mùa 20/6 , Chèo dọc 20/7 và Mãn mùa 23/8. Trong quá trình diễn ra nghi lễ còn có các hoạt động dân gian như hát bội (nghệ thuật hát tuồng sản sinh ra cải lương, ông tổ là Cụ Đào Duy Từ), diễn bã trạo (hát hò theo nhịp trống kèn, điệu bộ chèo ghe), đua ghe...
 
Nói về cá Ông, có một kỹ niệm mà tôi nhớ hoài. Năm ông Nội còn sống, bà Nội có cho một số chủ ghe xóm Đạo ở Cửa cạn mượn tiền trước, để mùa cá họ đem ra bán cho Nội, Bà đem bán cho bạn chợ hoặc các Hàm Hộ làm nước mắm. Một buổi sáng khoảng 9 -10 giờ gì đó, người ta chở từ Bình Tuy ra 8 con cá Ông trên 2 chiếc xe lam giao cho bà Nội, làng xóm hết hồn vì cả 8 cá Ông đều còn sống thoi thóp, bị bắt lên bờ 6 tiếng rồi còn gì. Lật đật, ông Nội báo cho dinh vạn, huy động trai tráng đưa các Ông ra biển để thả, cúng kiến tạ lỗi linh đình. Trong 8 cá Ông, có một Ông không được khỏe, ra khỏi bờ chừng 100 mét thì không bơi xa được nữa, bảy Ông khác bèn quay lại không chịu đi, cứ xà quần. Thấy vậy, dân làng dùng ghe chèo ra,  đánh trống khua chiêng om tỏi để mời mấy Ông đi, không Ông nào chịu đi hết. Sau gần tiếng đồng hồ, mấy bô lão cao tuổi nhất quyết định đưa Ông sắp lỵ vào bờ, kê ván trải chiếu lót khăn đỏ cho Ông nằm, thay nhau thắp nhang tụng niệm khấn vái. Bảy con cá Ông khỏe mạnh cứ bơi vào bơi ra không chịu đi, được một chập bỗng ré lên rồi cùng nhau bơi thẳng một lèo ra khơi mất dạng, nhìn lại cá Ông trên bờ đã chết. Có lẽ bầy cá Ông khóc bạn rồi đi nhưng tôi không đủ trình độ nghe được.

Ông Nội “vinh dự” được làm con “Ông”, cạo đầu ăn chay nằm đất như người tu hành, không được uống rượu mà còn phải ngũ xa bà Nội. Nhà đang có 2 ghe lưới rùng, ghe “tới” giao cho em ông Nội, ghe “lui” giao cho em bà Nội, vì Ông tôi không được xuống biển ăn nghề sát sinh trong thời gian chịu tang Ông. Suốt 3 năm trời dằng dặc, tôi thấy Nội bao giờ cũng buồn, chắc là nhớ biển nhớ nghề. Gặp bà con lối xóm ai cũng nói như nhau, được làm con Ông, sau này gia đình khá lắm. Tôi chỉ thấy, em Ông em Bà hợp nhưng vợ em Ông vợ em Bà lại không hợp, ban đầu hai nhóm bạn ghe không còn chạy lựa chung, sau đó cả hai chiếc ghe luôn cả lưới chài đều không còn, thất bại trầm trọng. Vài năm sau, ông Nội tôi bệnh cũng ra đi theo ghe, bỏ bà Nội ngồi nhai trầu nhóp nhép thờ thẩn một mình.

Tôi thích cá Ông không chỉ tín ngưỡng tâm linh mà còn là ký ức kỹ niệm gia đình làng xóm, tôi ghét ai ăn thịt cá voi nhưng không ghét nước Nhật, cũng như yêu quê mình chứ ai thích mấy thằng cha ham nhậu thịt cầy. Loài cá mà còn biết không chịu bỏ bạn khi thập tử nhất sinh, còn mấy ông bà nội ngoại thì sao đây, “hởi”mấy vị Bạn già 72 PBC ???.

Phạm Sanh,   P3/B2  72PBC

Saturday, November 7, 2015

Các ngôi Chùa Phật tại Phan Thiết

 
Ra đời hai tay trắng,

Lìa đời trắng hai tay,

Sao mãi nhặt cho đầy,

Túi đời như mây bay.

Vạn vật vốn vô định, vô thường, khổ… Không biết mình có căn tu hay không chứ từ nhỏ đã được gửi vào Chùa, nghe nói lại khi ba mẹ mới sinh ra con đầu lòng, nhờ bà thày bói già đầu đường cái gần đình Tú Luông xem hậu vận, bả bảo khó nuôi nên đem cho Chùa. Lúc nhỏ, ghét bà thày này lắm, người gày còm xấu xí cứ cầm cục ngãi đen nhẳn vo tròn liên tục thỉnh thoảng “ịn ịn” vô trán chậm mồ hôi, phán… lớn lên phá của, làm tôi sợ cả đời không dám mở miệng mượn tới một đồng của ba mẹ bạn bè bà con cô bác lối xóm láng giềng. Vào chùa, các Thày lại xỏ lỗ tai, bắt nghe kinh kệ, tưới rau đuổi gà, ăn chay nằm đất. Tôi khóc mỗi khi ba mẹ thăm và rồi thương con, cũng phải xin mấy Thày cho về. Đúng là nghiệp chướng. Quay lại trần tục, lớn lên đủ chen lấn bôn ba, tha phương cầu thực khắp cỏi ta bà, lại thấy nhớ Thày nhớ Chùa, định kể chuyện cho mấy Bạn nghe về một số chùa Phan Thiết, biết đâu là cái nhân duyên.
Người Việt Nam thường theo đạo Phật, cả nước có khoảng 22.000 ngôi chùa lớn nhỏ, riêng Bình Thuận gần 300 chùa, Hà Nội nhiều nhất, Sơn La Lai Châu không có chùa nào, hèn chi nghèo suốt. Theo thời gian, Phật giáo nguyên thủy Ấn Độ truyền vào VN bằng 2 hướng, hình thành 2 hệ phái, Bắc tông (đại thừa) theo đường bộ từ Trung Quốc xuống cuối thế kỹ thứ 2 và Nam tông (tiểu thừa) theo đường thủy từ Ấn Độ sang khoảng thế kỹ thứ 3. Chùa Nam tông thờ một Phật, Phật là người đời thường, giác ngộ tu hành thành đạo. Chùa Bắc tông thờ nhiều Phật, các Phật là người cỏi trên mượn xác người phàm, xuống trần dạy người đời ăn ở hiền lành. Vào VN, pha trộn văn hóa, lịch sử, địa lý, tâm lý, trình độ dân trí, lâu ngày Phật giáo được bản địa hóa, nhiều khi pha lẫn giữa Phật giáo, Lão giáo và Nho giáo, hai hệ phái Phật giáo này còn biến hóa ra nhiều hệ phái Phật giáo khác như Trúc Lâm, Lâm Tế, Liễu Quán, Khất Sĩ, Thiền Tông, Bửu Sơn Kỳ Hương, Cao Đài, Hòa Hảo…, thậm chí tu tại cốc tại am tại gia. “Thứ nhất tu tại gia, thứ hai tu tại chợ, thứ ba tu tại chùa” hay “Tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ hơn là đi tu”.
Phật giáo Bình Thuận, trước khi Chúa Nguyễn mở mang bờ cõi, Phật giáo đã có mặt từ lâu trong cộng đồng tín ngưỡng của dân tộc Chăm (năm 1974 tại làng Phước Thiện Xuân có đào được một số tượng phật Chăm Pa) nhưng dần dần Phật giáo không thể tồn tại được trước ảnh hưởng của Bà La Môn giáo và Hồi giáo. Đến khi làn sóng di dân của người Kinh từ Ngủ Quảng vào theo đoàn quân Chúa Nguyễn, Phật giáo cũng được truyền vào và có mặt trên đất Bình Thuận ngay từ những ngày đầu mở đất. Sự truyền bá Phật giáo trong giai đoạn này có thể do một số dân theo đạo Phật mang vào và cũng có thể do các nhà Sư theo làn sóng di cư đem Phật giáo truyền vào Bình Thuận. Người đầu tiên truyền Phật giáo vào Bình Thuận khó có thể biết là vị nào, vì hiện nay chưa có một chứng tích khoa học chính xác nào để khẳng định, nhưng căn cứ vào bản kinh Pháp Hoa khắc gỗ còn lưu giữ tại Chùa Phật Quang, ngôi Chùa có sớm nhất từ thời mở đất Bình Thuận, có thể nói Phật giáo Bình Thuận do các nhà Sư Minh Dung Pháp Thông, Phật Sanh Long Đàm, Thiệt Sát Bảo Hương, Thiệt Huệ Khánh Tài, Kim Tiên Tịch Nhiệm… đưa đạo đến với đời sớm nhất.
Căn cứ vào long vị thờ Chư Hòa Thượng ở những ngôi Chùa cổ, có thể xác định được thời gian từ năm 1693 đến năm 1802 nơi đất Bình Thuận, Phật giáo được truyền bá sâu rộng dưới sự hoằng hóa của chư Tôn Hòa Thượng thuộc hệ phái Thiền Lâm Tế của cả 3 dòng Nguyên Thiều, Trí Bảng Đột Không và Liễu Quán. Các vị Hòa Thượng nhà Sư này có thể từ miền Trung vào và từ vùng đất mới Đồng Nai ra, khắc bản in kinh để lưu truyền trong dân gian, tạo dựng Chùa chiền để quy tập Phật Tử chiêm bái Tam Bảo. Đây là một chỗ dựa tâm linh vững chắc cho những người dân ở những vùng đất mới, cọp beo ma quỹ còn đầy.
Ngôi cổ tự nổi tiếng xưa nhất Bình Thuận có trên 320 năm là Chùa Phật Quang Phan Thiết, trước đó có tên chùa Bồ Đề. Chùa tọa lạc ở một con hẻm đường Võ Thị Sáu, thuộc hệ phái Bắc tông thiền Lâm Tế, được dựng vào thời Hậu Lê, đã trải qua 18 đời truyền thừa.
Chùa đang lưu giữ bộ kinh Pháp Hoa khắc gỗ đầy đủ và xưa nhất, phát hiện dưới hầm kín trong một lần dọn dẹp chùa vào năm 1987, được xem là quốc bảo Phật Giáo Việt Nam, làm từ thời vua Lê Thuần Tông, được 3 vị thiền sư và 12 đệ tử khắc tay  ròng rả suốt 28 năm, từ năm 1704 đến năm 1732. Đây là bộ kinh khắc gỗ gồm 110 tấm khắc 60.000 chữ Hán khắc ngược cả hai mặt, nội dung tóm tắc trong 9 chữ  “Khai thị chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật”, 8 tấm khắc tranh về cuộc đời Đức Phật. Mỗi tấm dày 4cm, dài 80cm, rộng 35cm bằng gỗ thị đỏ. Được biết, bộ kinh tại chùa Phật Quang là một trong ba bộ kinh Pháp Hoa cổ nhất trên thế giới. Hai bộ khác ở Trung Quốc được khắc trên đá và  đồng hiện đã bị phong hóa, mục nát, thất thoát nên nội dung chỉ còn được khoảng 20-30%. Riêng bộ kinh Pháp Hoa trên gỗ thị đỏ tại chùa Phật Quang vẫn nguyên vẹn gần như 100%. Hơn 300 năm tuổi đời, từng tấm gỗ khắc kinh vẫn vuông vức, sắc cạnh. Màu gỗ đỏ chuyển sang nâu đen bóng, từng nét chữ, nét vẽ đều tinh xảo. Chưa giải mã được tại sao khắc chữ ngược và ai đem dấu dưới hầm bí mật.
Ngôi chùa thứ hai giới thiệu mấy Bạn là chùa Phật học, nay là chùa Phật Ấn, nằm ngay trung tâm Phan Thiết, kỹ niệm một thời gia đình Phật tử (1950) của nhiều Thày như thày Q., thày G., thày D., mấy bạn như R, V, T… Mấy chục năm nay, hễ giao thừa là tôi vào chùa trước lạy Phật, sau hái trộm lộc. Đêm 30 tối trời, nhà chùa luôn từ bi hỉ xả.
Chùa được vận động quyên góp xây dựng vào năm 1940, nhờ công lao cụ Đoàn Tá, một công chức tại Tòa Công sứ tỉnh Bình Thuận thời Pháp đồng thời cũng là nhà thơ Phú Khê. Năm 1938, cụ Đoàn Tá cùng các cư sĩ khác đứng ra thành lập Hội An Nam Phật Học Bình Thuận. Đây được xem là tổ chức tôn giáo đầu tiên của tỉnh Bình Thuận. Năm 1954, nhằm tạo điều kiện cho con em các gia đình phật tử và các gia đình nghèo ở Phan Thiết có chỗ học tập, cụ Đoàn Tá đứng ra vận động các thân hào nhân sĩ, phật tử xây dựng Trường Bồ Đề. Ai từng ăn bột dinh dưỡng Bích Chi nổi tiếng một thời tại Sài Gòn, nhớ lại bà chủ Bích Hoàn, là người con gái út của cụ Đoàn Tá.

Nói Tết, lại nhớ chùa núi Tà Cú. Lúc nhỏ, sau Tết là đi chùa núi với Bà Nội hoặc Ba Mẹ. Đi xe lam vào chân núi, leo bộ băng rừng già lên chùa, vừa vịn đá leo dốc vừa khấn Nam Mô A Di Đà Phật để không mỏi chân, vui quá lên đến chùa lúc nào không biết. Không khí mát lạnh trong lành, chim kêu khỉ hú, chùm hoa rừng bằng lăng tím nở, kê miệng húp ngụm nước suối trong vắt, có khi chốn bồng lai tiên cảnh cũng không được như thế này. Xuống hang, thắp nhang cho Tổ, nghe ai đó kể chuyện hang này sâu lắm, đốt hết dầu đèn măng xông vẫn còn hang, khi xưa Tổ đi từ biển vào, chắc hang thông ra tới biển.
Chùa do Tổ Hữu Đức khai sơn vào hậu bán thế kỷ XIX, khoảng năm 1879. Tổ người huyện Sông Cầu, Phú Yên, sinh năm 1812 trong một gia đình quý tộc, năm 17 tuổi cha mẹ đều qua đời, rời quê hương, dong thuyền vào Nam tầm sư học đạo. Sau khi thọ giới, tìm đến thâm sơn cùng cốc để tu hành, vượt suối băng rừng lên đỉnh núi Tà Cú ẩn tu trong một hang đá, nay gọi là hang Tổ. Tục truyền, ngài đã cảm hóa được một đệ tử bạch hổ ở rừng. Là thày thuốc giỏi, năm Tự Đức thứ 33, ngài đã kê toa thuốc gửi sứ mang về triều chữa lành bệnh cho Hoàng Thái hậu Từ Dũ, nên vua ban cho bốn chữ Linh Sơn Trường Thọ để tạ ơn. Ngôi chùa từ đó được mang tên chùa Linh Sơn Trường Thọ. Ngài viên tịch vào năm Đinh Hợi (1887), thọ 76 tuổi, tháp được xây cạnh chùa, gần tháp có ngôi mộ nhỏ của trò bạch hổ. Theo tâm nguyện Thày, năm 1890, đệ tử là ngài Tâm Hiền Viên Huệ (1846 – 1924) khai sơn chùa Linh Sơn Long Đoàn hay gọi là chùa Hố Dầu, cạnh chùa Linh Sơn Trường Thọ. Năm 1943, Hòa Thượng Quảng Thành Thiện Thắng làm con đường mới từ cây số Km 28 (quốc lộ 1A - Huyện Hàm Thuận Nam) đi thẳng lên Chùa Núi. Trước kia, chỉ đi được con đường từ Phong Điền (Hàm Tân) để lên Chùa do Tổ Hữu Đức khai mở khi từ Bàu Trâm Ngài lần đầu tìm đường lên núi ẩn tu. Mặt tiền chùa núi trông thẳng ra biển Hàm Tân, xa xa có Hòn Bà thấp thoáng ẩn hiện những ngày trời quang mây tạnh, trên sơn dưới hải.
Trong đợt trùng tu chùa Linh Sơn Trường Thọ vào năm 1963, nhà chùa làm phía sau ngôi chánh điện một pho tượng đức Phật Thích Ca nhập Niết bàn dài 49 m, cao 11m, do kiến trúc sư Trương Đình Ý thực hiện từ năm 1963 đến năm 1966 (ông bạn già này là “lính” của PS khi làm ở Viện Quy hoạch TP, đã định cư  ở Mỹ). Pho tượng này đã được xác lập kỷ lục là pho tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn dài nhất Việt Nam và dài đúng 49m, con số rất đẹp, có ý nghĩa. Đố mấy Bạn ?


Năm 2002, khu du lịch Tà Cú được thành lập đã xây dựng hệ thống cáp treo hiện đại đưa du khách lên chùa. Cáp treo do hãng Doppelmay Cộng hòa Áo lắp đặt, trang bị 35 cabin đóng mở tự động, sức chở đến 1000 khách/giờ, đường cáp dài 1.600m, lơ lửng ở độ cao  500m, đi hết trong  8 phút.

Nói chùa Tăng mà quên kể về chùa Ni là một thiếu sót lớn, vì Phan Thiết có các Ni Bà cống hiến rất lớn trong sự nghiệp chấn hưng, đào tạo và hoằng hóa Phật giáo như các Ni Bà Thích Nữ Huyền Tông và Thích Nữ Huyền Học. Sự nghiệp của Ni Trưởng Huyền Học chẳng những có ảnh hưởng ở địa phương mà còn ảnh hưởng rất lớn đối với Phật giáo Nam Bộ, riêng Sài Gòn thì Sư Bà khai sơn chùa Vĩnh Phước Tân Thới Nhất Q12 (1975). Phan Thiết, thì phải nhắc đến Bình Quang Ni tự.
Chùa Bình Quang xưa kia là một ngôi Chùa làng, do các hương chức cùng người dân sáng lập vào năm Thành Thái thứ 11 (1900) để thờ Phật. Chùa tọa lạc tại đường Cao Thắng Phường Bình Hưng. Khoảng 1937, Ni Trưởng Diệu Tịnh từ miền Nam đi hoằng hóa ra miền Trung ghé lại Bình Thuận để khai đàn giảng pháp, cảm ân đức và mến phục Ni Trưởng nên dân làng cung thỉnh Ni Trưởng Diệu Tịnh trụ trì và cúng luôn ngôi Chùa này cho Ni Trưởng. Từ đó Chùa Bình Quang trở thành Tổ đình của Ni giới Bình Thuận. Ni Trưởng Diệu Tịnh ở Bình Quang hoằng hóa một thời gian, sau đó tiếp tục đi hoằng hóa các Tỉnh miền Trung, vào hoàng cung thuyết pháp được Vua Bảo Đại phong Sắc Tứ Chùa Bình Quang. Năm 1942 Ni Trưởng Diệu Tịnh giao lại cho Đệ tử là Ni Trưởng Huyền Tông trụ trì.
Sư Bà Huyền Tông là con gái bà Hàm hộ Cửu Mười nước mắm Hồng Xuyên, cũng là vai Bà của tôi, TS, DVS và khá nhiều ái hữu học sinh PBC. Ba tôi lúc còn sống nói lại, Sư Bà thuở nhỏ đã có nhân duyên với nhà Phật, con gái nhà giàu đang đi học bỏ trốn vào Sài Gòn xin quy y với Sư bà Diệu Tịnh. Gia đình biết được, vào chùa xin cho Bà về, Bà không ra gặp mẹ, lén nhìn mẹ khóc qua ô cửa và bật khóc, nhưng cố tĩnh tâm bấm tràng niệm Phật. Sau này khi Ni trưởng Diệu Tịnh ra Phan Thiết, thấy tình cảnh khó xử, đưa Sư Bà về lại chùa Bình Quang, nhưng khuyên với gia đình không nên lôi kéo Bà trở lại đời thường. Chùa Bình Quang từ đó có sự góp công cúng dường lớn của gia đình Bà Hồng Xuyên. Những năm trước 75, Sư Bà mở ra trường mẫu giáo Kiều Đàm nằm góc đường Trần Hưng Đạo Ngô Sỹ Liên.

Những ngôi chùa Phật tại Phan Thiết nhiều lắm, phải gần 40 chùa. … Chùa Từ Quang Trinh Tường (1742), chùa Bửu Sơn Phú Hài (1800), chùa Liên Trì Đức Nghĩa (1810), chùa Hưng Long Lạc Đạo (1906), chùa Long Hải Đức Long (1907), chùa Thiền Lâm Đức Long (chùa Ông Rau, 1911), chùa Pháp Bảo Lạc Đạo (1930), chùa Linh Thắng Lạc Đạo (1945), chùa Vạn Thiện (1958), Tịnh Xá Ngọc Cát trên động làng thuyền (1958), chùa Phật bảy đầu rồng Đức Long (1971), chùa Linh Long Mủi Né, Liên Hoa ni tự, chùa Minh Châu Phú Thủy… Nhưng thôi, để dành cho bà Rớt cũng khóa 72 con bà cố Tám của tôi viết tiếp.

Lúc nhỏ nghịch nghợm chỉ sợ nhân quả nghiệp chướng, vô chùa thường thấy Ông Thiện Ông Ác, lại gặp cả Đức Phật Tam tạng. Lớn lên nghe thêm về vô thường, vô ngã, khổ… Trong sanh có diệt, trong diệt có sanh. Hợp rồi tan, tan rồi hợp. Sự thay đổi triền miên khó đoán. Tất cả đều là vô thường, đều do nhân duyên và bởi cái tôi lại sinh ra khổ. Phật pháp vô thường, tôi lại khăng khăng cái tôi, thành ra khổ suốt đời, khổ nhất là chưa ngộ Phật pháp. Chỉ ngộ một điều, …suis l’amour, l’amour fuit mà fuis l’amour, l’amour suit.


Khi người ta có được niềm vui, có được khoảnh khắc bình yên, có được nụ cười một mình, chính đó là lúc đang đến với Phật. Trong trạng thái nầy, đàn ông sẽ khỏe, đàn bà sẽ đẹp, tất cả sẽ thông minh hơn, và chắc sống lâu hơn. Khuyên mấy Bạn 72 nhớ ăn chay niệm Phật, ăn ở hiền lành, tu nhân tích đức, nhân hậu vị tha, nghe nhiều nói ít, bớt lên facebook, con trai bớt nhìn chằm chằm con gái, con gái bớt nhìn lén con trai… Sorry, lộn rồi, cái này phải nói với vợ con mình đúng hơn. Lại bệnh quên đầu quên đuôi giống GH.

Phạm Sanh,  P3/B2 72PBC









   
    


 
- 5g sáng 8-7 Giáp Ngọ (3-8-2014), NT.Thích nữ Huyền Tông đã viên tịch tại tổ đình Bình Quang Ni tự (số 02 Cao Thắng, P.Bình Hưng, TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận), trụ thế 96 năm, Hạ lạp 76 năm.