Tuesday, February 27, 2018

Nhạc Sĩ Cựu Đại Tá Nguyễn Văn Đông

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông có quê quán Bến Cầu, Tây Ninh, một nhân tài âm nhạc đã vĩnh viễn ra đi, những văn nghệ sĩ chúng tôi xin thành kinh phân ưu cùng tang quyến về sự mất mát lớn lao cùa Nhạc sĩ. Nguyện cầu hương linh cùa ông sớm về cõi ngàn thu an bình.
Nguyễn Văn Sâm, Lê Bình, Hà Nguyên Du, Nguyễn Lý Sáng, Phan Tấn Ngưu, Nguyễn Quang (mđht), Trần Mạnh Chi, Phạm Hồng Thái, Phạm Quốc Bảo, Ngọc Cường, Phạm Kim, Trần Quốc Bảo, Ông Như Ngọc, Lam Phương, Bích Huyền, Hồng Vũ Lan Nhi, Cao Mỵ Nhân, Cung Trầm Tưởng, Kim Liên, Lê Văn Khoa, Ngọc Hà, Nguyễn Bá Thảo, Bồ Đại Kỳ, Phạm Đăng Khải, Mỹ Dung, Ngọc Quỳnh, Trịnh Nam Sơn, Diễm Chi, Hoài Niệm, Kim Tuyến, Dương Viết Điền, Trần Quảng Nam, Dương Như Nguyện, Lê Tuấn, Hoàng Vinh, Dương Ngọc Sum, An Nguyễn Kiều Mỹ Duyên, Mindy Lưu Anh Tuấn, ThụyVy, Thúy Vinh, Quyên Di, Nguyễn Hữu Thời, Thanh Thanh, Thanh Thúy, Thanh Mỹ, Thanh Châu, Vanessa Hồng Vân, Trọng Nghĩa, Kim Tước, Hồng Tước, Thanh Tước, Karen Trịnh Thanh Thủy, Nguyễn Thanh Thủy Houston, Phan Anh Dũng, Trần Quang Hải, Lê Dinh, Ái Cầm Thái Tú Hạp, Gina Nga Nguyễn, Như Hảo, Loanne Ngọc Loan, Lucie Thanh Vân, Vân Khanh, Đào Đức Nhuận, Nhật Uyên, Lệ Hoa, Annie Trần Dallas, Ngô Thụy Miên, Olivia Mai Tú Trâm, Phong Lê Mai, Lê Hân, Phan Ni Tấn, Trường Sa, Võ Tá Hân, Vương Trùng Dương, Phan Tấn Đạt, Chu Bá Yến, Trương Duy Cường, Hồng Thủy Bùi Cửu Viên, Lê Mộng Nguyên, Phạm Mạnh Đạt, Nguyễn Minh Vũ Minh Phương Vân Bằng Nguyễn Trọng Nho, Yên Sơn, Cát Biển, Nhược Thu, Khiếu Long, Phan Đình Minh, Dân Kim Lâm, Tania Thái Hà, Châu Thái Loan, Topaz Trần, Túy Vân MS, Vy Lan, Du Tử Lê, Lê Hữu, Ngô Thiện Đức, Mão Đặng, Phạm Ngọc Tú cùng Việt Hải.
Đồng Thành Kính Phân Ưu.
---------------------------------------------------------------------------------------------------------
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, tác giả ‘Chiều Mưa Biên Giới’, qua đờ, (February 26, 2018).

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông (trái) cùng vợ và nhạc sĩ Trần Quốc Bảo chụp trước cửa tiệm Nhiên Hương năm 1996 (Hình: nhạc sĩ Trần Quốc Bảo cung cấp)
Ngọc Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, tác giả tình khúc nổi tiếng “Chiều Mưa Biên Giới”, vừa qua đời lúc 4 giờ 30 sáng Thứ Hai, ngày 26 Tháng Hai (tức 7 giờ 30 tối 26 Tháng Hai theo giờ Việt Nam) tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Sài Gòn, hưởng thọ 85 tuổi.
Nhạc sĩ Trần Quốc Bảo, chủ nhiệm đặc san Thế Giới Nghệ Sĩ, xác nhận tin trên với phóng viên Người Việt.
“Tôi nhận được tin do ca sĩ Giao Linh từ Sài Gòn gọi sang cho hay. Giao Linh là học trò rất thân với thầy Nguyễn Văn Đông. Chị Giao Linh vào bệnh viện thăm thầy buổi trưa, vừa về vài tiếng thì nghe người nhà của thầy gọi cho biết là thầy qua đời,” nhạc sĩ Trần Quốc Bảo cho biết.
Cũng theo lời nhạc sĩ Trần Quốc Bảo, “Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông được đưa vào bệnh viện một vài ngày trước do khó thở, và vì những bệnh già chứ không phải bệnh tật gì nặng hết. Thế nên việc ông ra đi đột ngột khiến ai cũng bàng hoàng. Bản thân tôi cũng cảm thấy buồn quá!”
Theo Wikipedia, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông sinh ngày 15 Tháng Ba, 1932 tại Sài Gòn, trong một gia đình nguyên là một điền chủ lớn có nhiều ruộng đất ở Tây Ninh
Ông nguyên là một sĩ quan Bộ binh cao cấp của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, cấp bậc cuối cùng là đại tá. Ông xuất thân từ trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tầu và sau đó là trường Võ Bị Quốc Gia do Chính phủ Quốc gia mở ra tại miền Nam Việt Nam vào cuối thập niên 40 của thế kỷ trước.
Năm 1954, ông được gửi ra Hà Nội theo học khóa “Tiểu đoàn trưởng” tại Trung tâm Chiến thuật Hà Nội. Ông từng giữ chức vụ Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Trọng pháo 553 và là Tiểu đoàn trưởng trẻ nhất của Quân đội Quốc gia khi mới 22 tuổi.
Cuối năm 1957, ông được cử đi du học khóa Chỉ huy tham mưu tại tiểu bang Hawaii, Hoa Kỳ.
Tháng 11, 1972, ông được thăng cấp Đại tá chuyển sang làm Chánh Văn phòng cho Tổng Tham mưu Phó. Ông đã ở chức vụ này cho đến cuối Tháng 4 năm 1975.
Ông bị bắt đi tù cải tạo 10 năm. Kể từ đó ông đã ngừng sáng tác nhạc. Ông không xin đi xuất cảnh theo diện H.O, mà ở lại Sài Gòn sống cùng vợ tại quận Phú Nhuận.
Trong thời gian ở trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu, ông được học nhạc với các giảng viên âm nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Pháp sang giảng dạy. Năm 16 tuổi, ông đã có những sáng tác đầu tay như “Thiếu sinh quân hành khúc”, “Tạm biệt mùa hè”…
Trong thập niên 1950, ông nổi tiếng khi là Trưởng Đoàn Văn Nghệ Vì Dân với thành phần ca nhạc sĩ tên tuổi như Mạnh Phát, Minh Kỳ, Hoài Linh, Thu Hồ, Quách Đàm, Minh Diệu, Khánh Ngọc và các nghệ sĩ sân khấu danh tiếng như Kim Cương, Vân Hùng, Ba Vân, Bảy Xê, Trần Văn Trạch, diễn viên điện ảnh Trang Thiên Kim…
Từ năm 1958, ông là Trưởng ban Ca nhạc Tiếng thời gian của Đài Phát thanh Sài Gòn, gồm những danh ca, nhạc sĩ danh tiếng như Lệ Thanh, Hà Thanh, Minh Diệu, Khánh Ngọc, Mạnh Phát, Thu Hồ, Quách Đàm, Anh Ngọc…
Ông còn là Giám đốc hãng băng đĩa nhạc Continental và Sơn Ca, cộng tác với những nhạc sĩ tên tuổi như Lê Văn Thiện, Văn Phụng, Nghiêm Phú Phi, Y Vân…
Vợ chồng nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông (ngồi) chụp tại tư gia của ông năm 2014 cùng các ca sĩ Giao Linh, Phương Hồng Quế, Trang Thanh Lan, Phương Hồng Ngọc, Kim Anh , Michael, nhạc sĩ Trần Quốc Bảo (Hình: nhạc sĩ Trần Quốc Bảo cung cấp)
Nhiều sáng tác của ông viết về chủ đề người lính Việt Nam Cộng Hòa thời đó, như nhạc phẩm “Phiên gác đêm xuân” được ông viết vào đêm Ba Mươi Tết năm 1956 khi gác phiên ở khu 9 Đồng Tháp Mười, “Chiều mưa biên giới” ra đời năm 1956 và nổi tiếng qua tiếng hát của Trần Văn Trạch…

Ông còn có nhiều bút danh khác như Phượng Linh, Phương Hà trên một số nhạc phẩm tình cảm như “Khi đã yêu”, “Thầm kín”, “Niềm đau dĩ vãng”, “Nhớ một chiều xuân”…
Với bút danh Đông Phương Tử và Phượng Linh, ông đã viết nhạc nền và đạo diễn cho trên 50 vở tuồng, cải lương nổi tiếng ở Miền Nam trước năm 1975 như Nửa đời hương phấn, Đoạn tuyệt, Tiếng hạc trong trăng, Mưa rừng…
Về gia đình riêng của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, theo nhạc sĩ Trần Quốc Bảo thì “Hầu như những người thân đều biết cô Nguyệt Thu là vợ của thầy Đông. Hai thầy cô lấy nhau từ khi nào thì không rõ nhưng chắc chắn một điều là sau khi thầy ra khỏi tù cải tạo năm 1985, cô Thu một tay quán xuyến một cửa hàng bán bánh mì, giò chả tên Nhiên Hương tại nhà đường Nguyễn Trọng Tuyển, Phú Nhuận, và lo lắng chăm sóc cho thầy không rời nửa bước.”
“Với thầy Đông, tôi chỉ biết nói rằng tôi kính phục ông nhất hai điểm, đó là tài hoa và tư cách,” nhạc sĩ Trần Quốc Bảo cảm nhận.
Chủ nhiệm đặc san Thế Giới Nghệ Sĩ nói thêm, “Được biết, do không có con cháu, nên trong cáo phó của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông có ghi ‘không nhận vòng hoa, phúng điếu’ vì sợ sau này không có người trả lễ.” (Ngọc Lan)
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------
Đại Tá QLVNCH- Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông sinh ngày 15 tháng 3 năm 1932 tại quận Nhất, Sài Gòn. Nguyên quán ông bà, cha mẹ ông ở huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh. Thuở nhỏ ông theo học trường Huỳnh Khương Ninh ở Đa Kao. Khi đất nước gặp phải những biến động lớn lao vào năm 1945, gia đình ông bị liệt vào thành phần địa chủ, cường hào nên lâm vào cảnh khuynh gia bại sản, gia đình ly tán. Do đo, tuổi thơ của ông là người con duy nhất trong gia đình cũng bị vùi dập để cuốn theo thời cuộc lúc bấy giờ.
Trước khi theo học trung học ở trường Huỳnh Khương Ninh, nhờ gia đình khá giả nên ông đã được cho học ở nhà với thầy giáo riêng. Cho nên tuổi thơ của ông đến trường thì ít mà học ở nhà thì nhiều.
Sau khi trường trung học mà nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông theo học là Hùynh Khương Ninh đóng cửa, ông tự ý xin gia nhập trường Thiếu Sinh Quân Việt Nam. Đây là trường võ bị đầu tiên và lâu đời nhất của Việt Nam. Đó cũng là nơi đào tạo nhiều vị tướng lãnh tài ba của Quân Đội VNCH. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã trải qua 5 năm ăn học ở ngôi trường này. Và chính tại đó ông đã được học nhạc và văn hóa với những giáo sư người Pháp có thực tài. Đó là những giảng viên của Viện Âm Nhạc quốc gia Pháp được cử về trường Thiếu Sinh Quân giảng dạy. Chính vậy mà nền văn hóa Tây Phương đã ảnh hưởng đến ông rất nhiều.
Sau khi ra trường Thiếu Sinh Quân, ông gia nhập trường Võ Bị Sĩ Quan Vũng Tầu và tốt nghiệp năm 1952 với cấp bậc thiếu úy. Kế đó ông nắm chức vụ trung đội trưởng tại trường Võ Bị Đà Lạt và tốt nghiệp năm 1953. Qua năm 1954, ông về trường Chiến Thuật tại Hà Nội để giữ chức vụ tiểu đoàn trưởng. Trong hai năm 1955 và 1956, ông phục vụ tại Phân Khu Đồng Tháp Mười trong chức vụ trung úy Trưởng Phòng Hành Quân.
Cũng trong thời gian này, ông kiêm nhiệm thêm chức vụ Trưởng Phòng 3 của Chiến Khu Đồng Tháp Mười do đại tá Nguyễn Văn Là làm chỉ huy trưởng, tham gia chiến dịch Thoại Ngọc Hầu do thiếu tướng Dương Văn Minh chỉ huy. Ông không sao quên được một kỷ niệm có lần tướng Minh đã đến bắt tay ông để tỏ lòng ngưỡng mộ tác giả của những ca khúc về đời lính chiến ngay tại mặt trận Chiến Khu Đồng Tháp. Và hình ảnh cái bắt tay này đã được in trên trang nhấr của báo Chiến Sĩ Cộng Hoà.
Đến năm 1957, ông theo học khóa Chỉ Huy Và Tham Mưu tại Hawaii. Và cũng trong thời gian này ông cho ra đời nhạc phẩm “Nhớ Một Chiều Xuân”.
Cũng qua cuộc nói chuyện với người viết, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông cho biết ông chọn binh nghiệp là nghề nghiệp chính. Mặc dù ông được học nhạc chính quy ở trường, nhưng âm nhạc chỉ là nghề tay trái.
Từ cấp bậc thiếu úy, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông bước dần lên cấp bậc đại tá. Ông từng được nhận huy chương cao quí nhất của Việt Nam Cộng Hòa là Bảo Quốc Huân Chưong vào giữa thập niên 60. Sau biến cố tháng 4 năm 75, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã kết thúc cuộc đời binh nghiệp của mình trong tăm tối bằng 10 năm tù cải tạo. Đúng như ông đã dự đoán cuộc đời thăng trầm của mình bằng 2 câu kết của nhạc phẩm “Chiều Mưa Biên Giới: “Lòng trần còn tơ vương khanh tướng thì đường trần còn mưa bay gió cuốn còn nhiều anh ơi”.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông cũng nhấn mạnh thêm là chưa bao giờ ông phục vụ ở Cục Chiến Tranh Chính Trị như nhiều người lầm tưởng. Ông chỉ đích thực là một người lính tác chiến, rồi sau đó trở thành sĩ quan tham mưu cao cấp của Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa. Sau năm 75, đầu tiên nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông bị đưa đi tù cs. tại trại Suối Máu. Nhưng không lâu sau, ông bị chuyển về nhà tù Chí Hòa cho đến khi được trả tự do vào năm 1985. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông cho biết ông đã rất đau buồn vì không được nhìn thấy mặt thân phụ lần cuối trong thời gian ông ở tù cải tạo. Trong khi đó thân mẫu ông đã qua đời trước đó vào năm 1971.
Sau khi được trả tự do vào năm 1985, sức khỏe của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông không được mấy khả quan đến từ nhiều căn bệnh như đau bao tử, thấp khớp và nhất là cao huyết áp nên đã không còn cảm thấy hứng thú trong việc sáng tác ngoài một số bài viết trong khoảng hơn 30 năm nay.
(Nguồn giadinhhoangtrong)
Nhạc Sĩ Nguyễn Văn Đông, Đại tá QLVNCH: http://nhacvang-nguyen.blogspot.com/…/nhac-si-nguyen-van-on…
Nhạc Nguyễn Văn Đông qua tiếng hát Hà Thanh: https://102phim.com/…/nhac-nguyen-van-dong-qua-tieng-hat-ha…
Nhạc Sĩ Nguyễn Văn Đông - Các Bài Hát Chọn Lọc Hay Nhất Thu Âm Trước 1975: https://102phim.com/…/nhac-si-nguyen-van-dong-cac-bai-hat-c…
NHỮNG CA KHÚC HAY NHẤT CỦA NGUYỄN VĂN ĐÔNG [20 Ca Khúc] -TNP: https://102phim.com/…/nhung-ca-khuc-hay-nhat-cua-nguyen-van…
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, tác giả ‘Chiều Mưa Biên Giới’, qua đời: https://www.nguoi-viet.com/…/nhac-si-nguyen-van-dong-tac-g…/
Nguyễn Văn Đông: Giữa binh nghiệp và âm nhạc, Trường Kỳ: https://giadinhhoangtrong.wordpress.com/…/nguyen-van-dong-…/
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, Tuan's Blog: http://tuanvannguyen.blogspot.com/…/nhac-si-nguyen-van-ong.…
Mùa xuân trong nhạc của Nguyễn Văn Đông, Cát Linh, phóng viên RFA: https://www.rfa.org/…/Soul-of-spring-in-Nguyen-Van-Dong-mus…
Tuyển tập “Thánh Ca Giáng Sinh” của Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông: https://dotchuoinon.com/…/thanh-ca-giang-sinh-tuyen-tap-ng…/
Người lính trong nhạc Nguyễn Văn Ðông, bài Lê Hữu: http://amnhac.fm/…/5250-nguoi-linh-trong-nhac-nguyen-van-do…
Binh nghiệp và Nhạc nghiệp của Nguyễn Văn Đông, bài Du Tử Lê: https://dongsongcu.wordpress.com/…/binh-nghiep-va-nhac-ngh…/

Tuesday, February 20, 2018

Bản Tin 39 Bình Thuận








Ký ức về Tết ở Sài Gòn Xưa - Nguyễn Hữu Khoáng

Không khí Tết ở Sài Gòn hồi đó bắt đầu được cảm thấy từ sau Giáng Sinh, những sạp bán đồ Giáng Sinh dọc các đường Lê Lợi và Nguyễn Huệ thật ra vẫn ngồi nguyên chỗ và chỉ thay đổi thiệp mừng Giáng Sinh sang thiệp chúc Tết mà thôi. Không khí hội hè “bắc qua” này kéo dài cho đến gần Tết, khi những khu vực bán hàng Tết thật sự được tổ chức.
Hai khu vực vui nhất là chợ hoa ở đường Nguyễn Huệ và khu vực chợ Bến Thành. Người Sài Gòn hồi đó chỉ chuộng có vài loại hoa có truyền thống lâu đời cho ngày Tết mà thôi. Và các chủng loại cũng đơn giản, vì các loại hoa hợp với khí hậu miền Nam cũng không nhiều lắm. Đứng đầu luôn là mai vàng. Sau đó là các loại cúc như đại đóa, vạn thọ, rồi thược dược các mầu, mào gà, phong lan, địa lan…,dĩ nhiên cũng còn vài loại khác nhưng số lượng rất ít. Cây trái thì nổi bật và chính thống nhất vẫn là quất (tắc). Hoa Đà Lạt chuyển về cũng phần nhiều là phong lan, cúc, thược dược, đồng tiền và họa hoằn một ít mâm xôi và phù dung. Hoa cắm cành ngày đầu Xuân thì có lay-ơn, hoa hồng. Cũng từ Đà Lạt về nhưng các chủng loại hoa hồng hồi đó còn hơi nghèo nàn.
Dân chơi Sài Gòn hồi những năm đầu của thập niên 1960 vẫn còn chơi trội bằng cách ra bãi biển Thủy Triều gần Cam Ranh để tìm cành mai rừng, cũng tương tự như lên Sapa tìm cành đào thế ở ngoài Bắc. Dọc bãi biển Thủy Triều trước đây là hàng cây số rừng mai vàng hoang dã rất đẹp. Thường người ta đốn nguyên cây đem về cắm mấy ngày Tết. Những người hiếu cổ thì vào Chợ Lớn tìm mua mấy giò thủy tiên. Hồi đó người ta chơi rễ cây thiết mộc lan chứ không ai chơi rễ thủy tiên. Thủy tiên chỉ chơi hoa, đơn hoặc kép. Những cái thú chơi thủy tiên là gọt, hãm và thúc. Mẹ tôi chăm sóc thủy tiên với sự trìu mến đặc biệt. Trước hết là phải chọn giò có số củ và hình dáng chuẩn. Sau đó gọt củ để lá và chồi hoa sẽ mọc ra theo những dạng, thế mình muốn, thí dụ như long, ly, quy, phụng, v.v. Và phải biết thúc hay hãm để kiểm soát thời điểm hoa nở theo đúng ý mình, tốt nhất là ngay (bỏ chữ sau) giờ Giao thừa.
Những ngày giáp Tết người ta dựng rạp bao quanh hai mặt phía công Trường Quách Thị Trang và đường Phan Bội Châu của chợ Bến Thành để bán hàng Tết. Đèn đuốc sáng trưng, trai thanh gái lịch dập dìu. Nhiều nhất là bánh, kẹo, rượu; và nhất là mứt các loại và hạt dưa. Hàng Tết ở đây phần nhiều là hàng sản xuất trong nước, thí dụ như khô nai, khô cá thiều Phú Quốc; rượu dâu, rượu Mận Đà Lạt; trái cây Lái Thiêu; bột gạo lức Bích Chi… Mỗi cửa hàng bắc loa với công suất cực mạnh để lấn át hàng xóm.
Ồn ào nhất bao giờ cũng là quầy bán thuốc đánh răng hiệu anh Bẩy Chà Hynos. Những câu rao hàng thường ngộ nghĩnh, như của quầy bán vải: “Trăm ba pô-pơ-lin, trăm sáu pô-pơ-lin, một trăm ba bán sáu chục”. Hay khi hàng đồ chơi ồn ào: “Xanh xanh đỏ đỏ em nhỏ nó chơi, em nhỏ nó mừng”, thì quầy dưa hấu bên cạnh tiếp luôn: “Xanh xanh, đỏ đỏ em nhỏ nó ăn, em nhỏ nó cười đi”.
… và trong nhà
Nhưng cảm giác Tết thật sự bắt đầu khi người ta bắt đầu mua, trữ thực phẩm và vật dụng cho những ngày Tết. Từ khoảng rằm tháng Chạp trở đi mẹ tôi bắt đầu tích trữ các thực phẩm khô như măng lưỡi lợn, bóng cá, gạo nếp nấu bánh chưng, đường làm mứt… Các loại rau, lá xanh như cải bẹ muối dưa, hành củ, hành lá, kiệu… thường được mua ở chợ Cầu Muối. Thịt thà các loại thì phải ra chợ Ông Tạ. Chợ này cũng là nơi cung cấp thịt cầy tơ, cả sống lẫn chín, cho dân nhậu gốc Bắc ở Sài Gòn. Thật thú vị khi được theo mẹ và mấy chị giúp việc đi chợ Cầu Muối ban đêm. Mùi ung ủng của hành, kiệu để muối dưa ở những chợ đầu mối bán rau như thế này và những ánh đèn vàng bóng tròn, khi hồi tưởng lại trở nên rất ấm áp, rất Tết đối với tôi. Hồi đó Sài Gòn hãy còn nhiều xích lô máy. Loại xe này to hơn và chở được nhiều hơn xích lô đạp. Một chuyến xích lô máy lạch bạch có thể chở tất cả rau trái cho một cái Tết của mẹ tôi.
Bắt đầu từ Tết ông Táo thì mọi chuyện trở nên cấp bách. Đây là ngày mẹ tôi bắt đầu làm các loại mứt. Đối với những người còn sót lại từ nền văn hóa bà Phủ, bác Phán cổ xưa thì các thức ăn, món cỗ ngoài hương vị còn phải tỏa ra được nét tinh tế, thanh tao. Mứt không những ngon, mà còn phải trông đẹp mắt. Mẹ tôi lúc nào cũng trung thành với những loại mứt cổ truyền, mà quay đi quẩn lại cũng chỉ có các loại khoai, sen, gừng, bí, chanh, quất. Không hiểu tại sao mứt cà chua cũng lọt được vào danh sách này.
Loại mứt phổ thông và dân giã nhất thời đó là mứt khoai lang ruột nghệ, thì không hiểu sao nay đã hoàn toàn biến mất ở Việt Nam. Khoai lang thái lát bán nguyệt, ngâm qua với nước vôi trong đã được gạn thật kỹ. Sau đó rửa xả nước vôi, luộc sơ rồi để ráo trước khi xào đường trên lửa nhỏ. Đảo đều tay đến khi khoai khô để đường có thể đóng thành lớp bột trắng, mỏng trên khoai là được. Làm như thế lượng đường ngấm vào khoai bị hạn chế, mứt khoai sẽ khô nhưng mềm và ngọt dịu. Muốn làm mứt khoai ướt, gọi là mứt khoai châu, thì nhỏ một, hai giọt chanh vào đường. Chỉ thế thôi mà khoai sẽ thấm đường nhưng không thể khô được, dù có xào thật lâu. Hiện ở Huế cũng còn có vài nơi bán loại mứt khoai lang gọi là khoai ngào gừng. Nhưng thường vì làm lối hàng chợ nên thô, và đường vón cục rất ngấy. Mứt khoai trắng ở chợ Bến Thành ngày nay không khử vôi nên đường thấm nhiều quá thành ra ngọt chát và không mềm dẻo. Chán nhất là loại khoai phơi khô được gọi là mứt khoai dẻo ngoài thị trường ngày nay.
Gần Tết nữa là bắt đầu việc biếu xén. Các hộp mứt, chai rượu đi vòng vo rồi nhiều khi cuối cùng lại quay về chủ ban đầu. Ngoài những món đồ truyền thống, thường tình, nhiều người muốn khoe sang thì ra đường Hàm Nghi, nhưng chắc ăn nhất là vào Chợ Lớn, mua đồ kiểu cách như vịt khô ép mỏng như cái đĩa và lạp xường ngũ vị, bát vị, v.v. Tất cả đều được tẩm rượu mai quế lộ. Các loại rượu quý, rượu vang của Âu, Mỹ hay các loại rượu Trung Hoa cổ (như Trúc Diệp Thanh Tửu, Hoàng Hoa, Ngũ Gia Bì…) đều được coi trọng. Nhưng những người theo lối xưa như bố mẹ tôi lại thích biếu họ hàng, bè bạn các loại sản phẩm do chính tay mình tạo ra. Thông thường nhất là bánh chưng, hơi lạc loài trong rừng bánh tét.
Vì lý do thời tiết, nên phải đợi thật muộn, thường là ngày 28 Âm lịch, mới nấu bánh chưng để bánh còn ăn được trong ngày Tết, vì nếu bỏ tủ lạnh sẽ bị lại gạo. Riêng lá dong gói bánh bán nhiều nhất ở chợ Ông Tạ. Mấy loại giò (chả lụa) cũng hay được nấu ghém vào nồi bánh chưng. Và ngày gói bánh chưng là lúc Tết hơn Tết đối với bọn trẻ chúng tôi.
Bắt đầu từ hôm nay mọi việc xem như xả láng. Các trường học, sau các hoạt động tất niên kéo dài cả tuần lễ, đã nghỉ Tết. Quần áo giầy dép mới đã được may, đóng và háo hức đợi được chính thức cắt chỉ. Mấy hôm này chỉ lo lượn chợ hoa, chợ Tết. Bạn bè kéo đến chung vui với nồi bánh chưng. Lúc lửa lò nấu bánh bắt đầu được thổi lên là vài thứ hạt dưa, mứt Tết được đem ra cho chúng tôi, các “thợ” trông nồi bánh thử trước. Rồi trong khi trông nồi bánh, thường là qua đêm, các loại bài bạc được chơi tự do. Tổ tôm, mạt chược dành riêng cho người lớn. Còn các loại bài như bất, đố mười, tam cúc, tôm cua cò cá (bầu cua cá cọp); hay bài Tây “các tê” thì của mọi lứa tuổi, và từ bấy giờ sẽ luôn hiện diện cho đến cái lúc buồn thảm nhất trong năm là tối mồng Ba Tết.
Cây bài bất giống y như bài tổ tôm nhưng nhỏ hơn, và mỗi loại chỉ có một quân bài. Ngoài các hàng văn, sách, vạn như tổ tôm, cỗ bài bất còn thêm hàng sừng, tức là sò, với cây bài ông cụ là quân nhất sừng. Khi chơi thì có một nhà cái gọi là trương, hay trang, chọi với từng nhà con, và tất cả các nhà con gọi chung là làng. Cỗ bất được để úp trên một đĩa nhỏ để mọi người rút theo lượt, mỗi lần một lá bài. Tổng số các quân bài rút, được quyết định tùy hỷ, được cộng điểm thành 10 là tốt nhất. Trên 10 thì bị loại, gọi là bị bất. Nếu cùng điểm thì so hơn thua theo hàng: sừng cao nhất, sau đó theo thứ tự là vạn, sách và thấp nhất là văn. Khi tất cả đã rút đủ bài, nhà cái (trương) so sánh hơn thua với từng nhà để thu hay chi tiền.
Đố mười cũng dùng cỗ bài bất. Mỗi người chơi được rút hay chia lần theo vòng 3 cây bài. Tổng số cộng lại nếu trên 10 sẽ trừ đi 10 làm số thành. Điểm 10 là cao nhất. Nếu cùng điểm thì cũng lại so sánh hơn thua theo hàng. Ai cao điểm nhất sẽ thắng số tiền tất cả người chơi chung vào mỗi ván. Đố mười hơi giống bài cào 3 lá đánh bằng bài Tây. Nói chung thì các lối chơi bài ngày xưa hiền, nhẹ nhàng và ít sát phạt hơn so với các dạng bài bạc bây giờ.
_____________________________
Đêm Giao thừa

Đêm 30 là lúc Tết nhất của Tết. Càng gần giờ Giao thừa thì mọi người càng trở nên nghiêm túc hơn, “hiền” hơn. Bố mẹ tôi tự nhiên có vẻ nghiêm trang, nhưng nhã nhặn hơn ngày thường. Bàn thờ Giao thừa và bàn thờ gia tiên đã sẵn sàng. Bố tôi vẫn giữ được đôi tranh Thần Đồ, Uất Lũy cũ đem ra treo hai bên cửa ra vào dưới nhà, từ tối 30 Tết mỗi năm. Người Bắc xưa ngày Tết treo cặp tranh Thần Đồ, Uất Lũy hay đôi tranh Tử Vi, Huỳnh Đàn để trấn trước nhà, chứ không treo tranh Trình Giảo Kim, Uất Trì Cung như người Hoa. Cũng có năm bố tôi trổ tài vẽ và giảng giải về ba vuông bẩy tròn và cung tên bằng vôi cho chúng tôi. Vì sân trước nhỏ, nên việc này đành phải thực hiện ở sân sau nhà, rồi Giao thừa đến. Trên radio, và sau này cả trên truyền hình, bài Ly Rượu Mừng vang lên. Hương khói nghi ngút. Mẹ tôi trở nên nghiêm trang, thành kính tối đa trong mỗi cử chỉ. Phấn son, nhưng mẹ vẫn mặc áo dài của năm cũ khi cúng Giao thừa. Những kiêng cữ như tránh quét nhà, to tiếng, nói dối… bắt đầu được tuân thủ. Trang nghiêm là đúng, vì đối với các thế hệ cũ thì cho đến lúc ấy mọi sự tin tưởng và kiêng cữ vẫn còn là hơi thở.
Theo phong tục cổ của người mình, thời khắc Giao thừa là giờ phút thiêng liêng nhất của năm. Lúc trừ tịch này trên không trung phải tuyệt đối tĩnh lặng để các thần năm cũ giao tiếp các thần năm mới. Trong khi đó dưới đất phải đốt pháo, đánh trống chiêng, xoong, nồi các thứ thật ồn ào để xua đuổi ma quỷ nhân đêm tối nhất của năm, khi mọi thổ, trạch thần đều vắng mặt, mà xâm nhập làm hại thế gian. Sai nguyên tắc này sẽ không bao giờ đạt được quốc thái dân an trong năm mới.
Lúc mọi nhà cúng Giao thừa và gia tiên xong, ở những năm được đốt pháo, pháo bắt đầu rền. Các bánh pháo Điện Quang, Toàn Hồng nổ giòn vang xa gần. Mỗi đoạn khoảng 20cm pháo con lại chen một cái pháo đại. Văn hóa đốt pháo của giới trẻ hồi đó bây giờ nghĩ lại thấy lành lắm. Nghịch nhất cũng chỉ là úp ống lon sữa bò lên pháo rời nhặt được rồi đốt cho lon bay lên. Dĩ nhiên cũng có những trường hợp rắn mắt hơn, nhưng cố ý làm đau người khác thì rất họa hoằn. Thật ra lũ chó mèo là bọn oán hờn pháo nhất. Các tràng pháo có khi dài từ lầu ba xuống đất, hoặc có khi dài hơn. Mùi khói pháo thật tuyệt vời và rất ‘sạch”.
Sau đó bố mẹ tôi đi lễ Giao thừa. Hướng xuất hành đã được bố tôi tra xét kỹ từ lịch Tam Tông Miếu. Cũng có năm các cụ đi lễ Lăng Ông, nhưng thường là đền đức Thánh Trần. Sau này tôi mới biết là do hướng xuất hành của tùy năm. Giao thừa và ngày Tết bố mẹ tôi thường không đi lễ chùa, mà để dành đến Rầm tháng Giêng. Người Bắc ở Sài Gòn thủa ấy hay đi chùa Vạn Thọ. Đây là một ngôi chùa nhỏ ấm cúng bên bờ nước, hình như ở Tân Định. Chỉ có một vài năm bọn trẻ chúng tôi theo bố mẹ đi lễ tối 30 Tết, còn thì vừa bị khích động vì pháo, vừa còn say khói pháo nên hay ở nhà đánh bài, ăn mứt, cắn hạt dưa. Ở các đình, đền đầu năm cũng có khi có hát bội, mà hồi còn bé tôi rất sợ. Lại có nhiều người đi rao “đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”. Hành khất thì vô số kể. Khói hương nghi ngút và người đông đến ngộp thở. Tiếng lắc thẻ xin xăm vang khắp nơi. Khách đi lễ ai cũng tỏ ra vui vẻ, hòa nhã. Nhưng các ông bà bán hàng đầu năm như vôi, muối, cành lộc, hoa quả, bánh mứt, giò chả, bánh chưng, bánh tét…, thì đon đả một cách rất Tết.
Lúc trở về bao giờ bố mẹ tôi cũng có một cành lộc, mà chẳng hiểu tại sao năm nào cũng là một đọt trúc đằng ngà. Vì ỷ là người được mời đi xông đất đầu năm rất nhiều, nên bao giờ bố tôi cũng tự xông đất. Một bánh pháo nhỏ lại được khai hỏa. Sau đó cả nhà quây quần ăn nhẹ một ít bánh mứt và đánh bài. Lúc này bố mẹ tôi mừng tuổi (lì xì) các con. Mỗi đứa được một phong bao, trên đó bố tôi viết sẵn rất đẹp tên từng người, và, bằng cả chữ Việt lẫn chữ Nho, dòng chữ “nhất bản vạn lợi”. Dù lúc đó xã hội hoàn toàn theo nền giáo dục tân học mang nhiều ảnh hưởng phương Tây, nhưng chúng tôi luôn thấy cảm động, và luôn trân trọng những phong tục truyền thống đẹp đẽ này.
Mồng Một Tết
Sáng sớm mồng Một Tết được bắt đầu bằng tràng pháo đón vị khách đầu tiên của năm mới. Quần áo mới được mọi người đem ra diện. Với bọn nhỏ chúng tôi thì câu vui như Tết chỉ cảm thấy được đêm 30 và sáng mồng Một mà thôi, vì những người họ hàng và bạn bè thân thiết nhất của bố mẹ tôi đều đến chúc Tết vào buổi sáng này, và họ là những khách sộp lì xì hậu hĩ nhất. Doanh thu của tất cả thời giờ còn lại của mấy ngày Tết sau đó thường không bằng một phần ba buổi sáng mồng Một. Sau khi tiếp các vị khách này, bố tôi đi chúc Tết họ hàng bè bạn, trong khi mẹ tôi ở nhà tiếp khách. Đến gần trưa bố tôi về, và lúc đó các họ hàng và bè bạn chí thân của gia đình đã có mặt đông đủ để dùng bữa đầu năm với chúng tôi.
Có một cái lệ đặc biệt mà những người thuộc giòng dõi khoa bảng cũ miền Bắc ở Sài Gòn vẫn còn giữ cho đến mãi sau này, là khi đã họp mặt đông đủ ngày mồng Một Tết, người ta dở tấm Thăng quan đồ ra để chơi cờ Thăng quan, loại giải trí phổ thông nhất của giới nho sỹ, khoa bảng từ ngàn xưa, để xem vận mệnh công danh trong năm mới. Cụ Ngô Tất Tố có lẽ đã bỏ quên món này trong tác phẩm Lều Chõng.
Bản thăng quan đồ này to bằng một mặt bàn nhỏ. Sang thì bằng gỗ sơn son thếp vàng có thể gập đôi lại được. Thường thì in trên vải hay giấy. Trên đó chia thành nhiều ô ghi cấp bậc của hệ thống quan chế triều đình ngày xưa, từ thấp nhất là Hàn lâm Đãi chiếu (tòng cửu phẩm văn giai) cho đến cao nhất là Thái tử Thái bảo (trên nhất phẩm, đầu triều). Mỗi người chơi nhận quân của mình rồi gieo xúc sắc (xí ngầu) mà đi. Chung quanh ô của mỗi cấp bậc đều có các ô mà sa vào đấy sẽ được thăng, hay bị giáng, phạt thế nào. Ai đạt đến Thái tử Thái bảo trước hết cả là thắng. Bản bố tôi giữ được không phải thuộc hệ thống triều Lê, mà từ thời Tự Đức. Cờ Thăng Quan hồi đó đã được dịch ra chữ Quốc ngữ, và trong Sài Gòn hồi ấy có thể mua ở các tiệm tạp hóa của người Bắc ở chợ Ông Tạ. Hình như bàn cờ Thăng Quan bố tôi có hồi ấy chỉ có văn ban chứ không có võ ban. Năm 1992 tôi có mua được một bản Thăng quan đồ in trên giấy từ một cửa hàng tạp hóa ở Cửu Long, Hong Kong. Nhưng bản đó lại theo quan chế Minh triều, Trung Quốc, và cũng chỉ có văn ban.
Rồi cỗ bàn lúc nào cũng sẵn sàng, một phần nhờ ơn cái tủ lạnh. Ngoài những món truyền thống cố hữu của ngày Tết như bóng, chân giò ninh măng, thang cuốn, giò chả, bánh chưng, hành kiệu, thịt thà…, vì tổ tiên họ Trịnh chúng tôi ngày xưa xuất phát từ Thanh Hóa nên mẹ tôi còn được các cụ truyền cho vài món cỗ Tết đặc biệt của vương thất xứ Thanh xưa, như sơn hào hải vị thang, nộm sứa khô bát vị, v.v. Đây là những món dùng nguyên liệu khô có thể nấu được trong những ngày Tết không có họp chợ. Nguyên liệu nấu những món này như gân nai, hải sâm trắng, giò lụa lợn rừng, sứa khô, vẫn còn mua được ở Sài Gòn thủa ấy. Những món đơn giản hơn là nem ngang, giò lòng.
Nem ngang hơi giống như nem Phùng hay nem bì của các vùng Hà Tây, Nam Định, Ninh Bình. Thịt lợn thật tươi cắt miếng vừa phải, luộc hơi tái bên ngoài, nêm với ít nước mắm, thấm thật khô, thái nhỏ, rồi băm dập đi bằng sống dao. Bì lợn thái sợi với lượng nhiều nhất là bằng lượng thịt. Mỡ giắt luộc thái nhỏ hạt lựu. Thính giã thô. Tất cả trộn đều rồi nắm thật chặt lại bằng nắm tay. Nem ngang bao lót bằng lá ổi chứ không dùng đinh lăng như ở vài nơi khác. Sau đó gói bằng lá chuối đã rửa thật sạch, lau và phơi khô thật kỹ rồi buộc lại. Khác với nem bì nấu chín ăn ngay của Nam Định, nem ngang Thanh Hóa phải đợi ít nhất ba ngày cho chín, nghĩa là hơi chua, mới dùng. Ngon nhất là cuốn bánh tráng với rau diếp, húng, thơm, mùi (ngò) cho thật chặt, rồi thái khúc. Khi ăn chấm nước mắm ngon pha tỏi ớt, làm giò lòng thì lòng lợn, khấu đuôi, bao tử cắt mở dọc ra thành lá cắt khúc, và bì heo đã bỏ sạch mỡ thái nhỏ, với chút nước mắm, hạt tiêu, rồi để ráo. Nấu bì heo cho đến khi thành hồ, giống như làm thịt đông. Trộn lòng, bao tử đã sửa soạn sẵn như trên và ít hạt tiêu vào nấu nhừ. Rồi để ráo, cho vào hồ bì trộn kỹ và gói lá chuối cho thật chặt. Sau đó luộc chín trở lại. Một phiên bản khác là trộn các thứ lòng, bao tử đã sửa soạn như trên đã hầm kỹ, để ráo và ít hạt tiêu vào nửa phân lượng giò sống đã nêm. Gói thật chặt, buộc kỹ rồi luộc chín như luộc giò bình thường. Thử tưởng tượng ngày xưa khi chưa có tủ lạnh, nếu không có không khí lạnh giá của miền Bắc thì loại giò này có thể giữ được bao lâu. Và hồi ấy người ta vẫn còn dùng hàn the mà chưa biết sợ.
Chiều mồng Một bố mẹ tôi bắt đầu cùng nhau đi chúc Tết họ hàng, bè bạn. Chúng tôi ở nhà tiếp khách để nhận lì xì. Bắt đầu từ chiều hôm nay cho đến chiều ngày mồng Ba Tết, đường phố bắt đầu có nhiều người hơn. Các nhóm Sơn Đông mãi võ lưu động, phần nhiều là người Hoa, đi múa lân và biểu diễn võ thuật kiếm tiền thưởng khắp thành phố. Chiêng trống inh ỏi. Người Sài Gòn múa lân (không phải sư tử) vào dịp Tết Nguyên Đán chứ không phải Trung Thu như ở Huế và ngoài Bắc. Tối ba ngày Tết nhiều đình, đền ở Sài Gòn và các vùng phụ cận có tổ chức hát bội. Vẫn ăn uống, bài bạc, nhưng bắt đầu từ tối mồng Một Tết, không khí thiêng liêng của ngày Tết đã bắt đầu nhạt.
Sang đến ngày mồng Hai Tết thì câu “ngày vui qua mau” đã bắt đầu được cảm thấy. Vẫn có khách đến chúc Tết, ăn uống, bài bạc, nhưng sự háo hức không còn nữa.
Mồng Ba Tết bắt đầu phải ăn bánh chưng rán. Khách chờ đến ngày hôm nay mới đến chúc Tết có vẻ hơi thẹn, gượng gạo. Chủ nhà vẫn niềm nở nhưng quần áo, thái độ không còn được chăm chút như hai ngày đầu. Bọn trẻ thì tên nào mặt mũi cũng buồn rười rượi. Đến sau khi mẹ tôi hóa vàng tối mồng Ba thì tiếng Tết gần như bị tránh nhắc đến, mặc dù các hội hè nhiều nơi vẫn được tổ chức cho đến Rằm tháng Giêng. Để ý kỹ thì dường như thường thường tối hôm mồng Ba bố mẹ tôi không giấu được nét mệt mỏi và tiếng thở dài nhẹ nhõm, có lẽ vì đã thoát được ba ngày giữ gìn, kiêng cữ và đóng bộ hết mức. Chưa kể đến sự tiêu pha đến xót ruột và công sức bỏ ra trong cả tháng trời trước đó.
Nguyễn Hữu Khoáng

Monday, February 19, 2018

Tự Sự Cuối Năm - Phạm Sanh PBC72

Trẻ mong lì xì sau Tết, già lo sửa soạn trước Tết. Tôi lại thích chạy xe lòng vòng đường phố Sài Gòn, ngắm thiên hạ mua sắm mấy ngày cuối năm, trước khi về quê đón giao thừa rước Ông Bà.
Hè phố những ngày giáp Tết, sau 23 tháng chạp, đâu cũng dễ biến thành chợ chồm hỗm. Trái cây bông hoa đơm cúng, bonsai cây kiểng chơi tết, phong bao lì xì style, các chuỗi dây happy rực đỏ, bánh chưng bánh tét, quần áo sale-off.... Món gì cũng có, chỉ có khó là không đủ tiền để mua cho hết !!!. Xem hoa khoe sắc xuân là sướng nhất, hé nụ cho đời thêm vui, cho người già trẻ lại.
Đầu năm lấy lộc, mấy năm nay năm nào cũng vậy, mua tặng cho bà xã cây mai đỏ, gai góc rực lửa y chang như bả. Thằng trai lớn, cây bon sai dâu tằm đang ra nụ, mong có cháu nội khoe hàng với cháu gái mấy bà 72. Thằng trai út (út thật 100%), chậu trạng nguyên lá đỏ chót, mong cho nó mau ra trường để còn đi phượt. Cuối cùng cho mình, chọn cây sen đá lá bạc như vôi, để thoáng chút tịnh tâm nhớ lời Phật dạy, quên tuốt cái sự đời như cái lá... Kể chuyện vợ con cho mấy bạn nghe, cũng kỳ kỳ. Nhưng thôi, xong việc nhà rồi mới ra ngoài ngõ, ngắm hoa nhìn người.
Hoa tết bán rẻ nhất Sài Gòn chắc chỉ có ở bến Bình Đông quận 8, con đường chạy dài dọc theo con kênh Tàu Hủ. Cảnh chợ tết trên bến dưới thuyền duy nhất tại Sài Gòn, chỉ xuất hiện dịp tết âm lịch. Những ngày sau rằm tháng chạp, từng đoàn ghe bầu chở đầy ắp hoa quả, bông hoa cây kiểng từ các tỉnh miền Tây về cập bến lên hàng bán tết. Công sức tiền bạc cả năm của những người nông dân, tay chân gầy guộc khuôn mặt sạm đen, cả đời quần quật bên ao vườn, chỉ biết trông chờ kiếm tiền vào ba ngày này. Ăn ngũ trên ghe, co cuộn người ngũ mê trên chiếc võng trong những tấm nylon tạm bợ giữ cây giữ hàng. Người mua nhiều, nhưng thường là đi xem, dọ giá theo đám đông, chờ đến ngày 30 mới mua... cho rẻ. Chợ hoa Bến Bình Đông bán các hoa quả cây trái miền Nam. Mai vàng nhiều cánh của Bến Tre. Mai trắng của Tiền Giang. Các loại cúc vàng Sa Đéc. Rồi các loại cây kiểng như chanh, tắc, cam, bưởi, đu đủ, vú sửa, ớt, cà chua... Người nông dân mình hay thiệt, trước chơi bon sai chỉ có me khế, mấy năm gần đây  có lúa trỗ bông, mía Tây Ninh, thanh long Bình Thuận, tết 2018  có thêm nho Ninh Thuận, dâu tằm Bảo Lộc, bưởi Diễn và phật thủ Hà Nội.
Ai tính chưng ngũ quả theo kiểu trong Nam hãy đến chợ hoa Bình Đông, “cầu-sung-dừa-đủ-xoài”, thêm dưa hấu xanh vỏ đỏ lòng cho may mắn, vài trái thanh long để lấy khí thế rồng xanh, vài quả phật thủ để nhờ Phật độ. Trong Nam tin vào tên gọi, đầu năm mà chưng mấy trái như chuối như tắc như bom như lê... là thua tận mạng suốt năm, trừ trái khổ qua thì còn nói trại khổ quá để xin xỏ gì đó... Ngoài Bắc tin vào ngũ hành, kim mộc thủy hỏa thổ, đúng ra là màu sắc ngũ hành, trái cây đơm cúng phải có đủ các màu đỏ, trắng, xanh, vàng, đen. Chưa nghĩ ra được nếu chồng bắc vợ nam (hay ngược lại) thì đơm như thế nào, có thể phải nói tên khác, ví dụ tắc thay bằng hạnh, bom thay bằng táo, lê thay bằng mận... Đức tin là chính, cả trong tình yêu.
Muốn ngắm hoa lan Tết, mai cổ thụ, mai bầu đất, cây tiểu cảnh sân vười, cây phong thủy..., cả chậu lọ, đồ nghề trồng cây..., đầy đủ nhất Sài Gòn phải là dọc trên 2 km đường Thành Thái quận 10 (trước là đường Nguyễn Tri Phương). Giá cây hơi mắc vì thuê mặt bằng giá cao, nhưng đường xá rộng rãi sáng sủa, bông hoa Trung quốc Đài Loan Thái Lan cở nào cũng có. Năm nay, địa lan Trung quốc nhiều, chậu hoa vàng hoặc cam lửa có giá chỉ bằng 1/3 đến 1/10 địa lan Đà Lạt hoặc Sapa. Dân mê địa lan chuyển qua lan TQ, không thèm Trần Mộng Hoàng Hậu gì hết.
Săn hồ điệp tặng ai đó phải ghé các cửa hàng trên đường Hoàng văn Thụ Tân Bình gần Lăng Cha Cả, mỗi chậu vài chục triệu, chơi cả tháng giêng. Hàng bán hồ điệp ngoại lại nằm gần các hàng bán bánh kẹo rượu ngoại, xéo qua một chút là khoảnh đất công viên bày bán các gốc đào già cao lêu nghêu phải chở bằng máy bay từ miền Bắc vào, một công hai ba chuyện khi tặng quà tết các sếp gốc Bắc mới di cư vào Nam sau 75. Người Bắc cũ lại ưa ngắm nhìn mai lan cúc trúc của các vựa hoa trên đường Phan Huy ích Gò Vấp, hoa đẹp Đà Lạt về đây cũng nhiều, giá lại bình dân, ít nói thách.
Còn muốn mua vài gốc mai Bình Định, hoa không to như mai Chợ Lách nhưng lâu tàn, phải đi đến đường Kha Vạn Cân Thủ Đức, dọc đường xe lửa về Trung. Những năm gần đây, chợ mai chuyển sang con đường Phạm văn Đồng rộng lớn mới mở, có thêm đào Hà Nội, bưởi Diễn, lan rừng Tây nguyên, nho Ninh Thuận..., hương hoa  mọi miền đất nước đổ về Sài Gòn. Nhưng người Sài Gòn vẫn chưa thấy loài mai mảnh dẽ dẽo dai mọc ở vùng đất khô cằn Vĩnh Hảo  Cà Ná, cả loài mai 5 cánh hương thơm nhè nhẹ mọc trên triền đá phía đông ngọn núi Cố Phú Hài cũng tuyệt tích từ lâu.
Thật ra ngày Tết, Sài Gòn chỗ nào cũng chợ hoa đường hoa, chứ không phải một đường hoa Nguyễn Huệ chen chúc chảnh chọe, một hội hoa xuân Tao Đàn hở mông hở bụng. Một năm chỉ có vài ngày tết, giàu nghèo đều sum họp nghỉ ngơi, mơ về một năm mới phước lành may mắn nhiều hơn thông qua các sắc hoa ngày Tết. Dù năm nào như năm nấy, cảnh mua bán chợ hoa Đầm Sen chiều cuối năm cũng có màn cuối, kẻ cười người khóc.
Ba mươi, năm giờ sáng đeo ba lô cưởi xe về quê, sương mù che kín cả khúc sông Sài Gòn, từng block building tối đen xám xịt bỏ lại sau lưng, chỉ còn vệt đèn vàng uốn lượn sưởi ấm cho hàng cây lặng yên ngủ muộn ven đường. Vài chiếc xà lan không bóng người cặp bến sông Đồng Nai, xe đò trên bờ cũng vắng, chỉ có người và người đèo nhau, lỉnh kỉnh con cái đồ đạc về ăn tết. Nghe nói năm nay, cả nghìn cây số, người ta cũng rủ nhau cưởi xe về ăn tết. Mình có 200 cây, ăn nhằm gì. Hố Nai, Trảng Bom, Hưng Lộc, Dầu Giây, Long Khánh, Bảo Hòa, Ông Đồn, Rừng Lá..., khoảng năm ba cây số là có chợ ven đường, tụ họp chen chúc mua sắm cuối năm. Chợ nào cũng có vài chỗ bán hoa, không cao xa quyền quý, nhưng cũng hoa cúc hoa mai  vạn thọ hướng dương vàng ửng, hoa hồng mãn đình hồng cành đào sắc hồng, hoa lay ơn mào gà đỏ chót, hoa cẩm tú cầu hoa giấy trắng cam hồng tím... Cảm ơn Đất Trời, nếu không có hoa chắc không thể nào có sắc xuân có muôn loài.
Trên đường, thấy nhà nào cũng treo cờ đỏ “giống nhau”. Té ra, ai đó treo cờ cho mình, chỉ phải trả tiền mà thôi. Treo cờ tổ quốc ngày tết, đến bây giờ, mà cũng phong trào, cũng áp đặt, giống giống Bắc Triều Tiên. Nhớ lại chuyện con mẹ tổ trưởng dân phố nói với bà xã, ngán nhất là qua nhà nhắc nhở treo cờ mà gặp phải tôi, tôi quát liền, treo cờ mà chị cũng phải đi hết từng nhà nhắc à. Hù chơi ấy mà, chơi Phật mặc cà sa, nhưng chơi với ma phải mặc áo giấy. Ngày tết, cờ thì còn có nhà nước “no”, nhưng bàn thờ thiên thì bây giờ không ai “no” hết, vắng bóng nhiều.
Qua khúc cong cuối Xuân Hòa là vào đến vùng đất Bình Thuận, mở tuồng bằng trại giam hoành tráng Thủ Đức và đồn Cảnh sát giao thông Hàm Tân. Trước đây sau 75, nhạc sỹ NVT, nổi tiếng với dáng đứng Bến Tre và chuyện tình già khó hiểu, có bài ...vào Thuận Hải ta phải đi ngay..., không biết có phải do tức khí sinh tình nghịch cảnh này không. Cũng phải ráng chạy tiếp. Tân Minh, Tân Phúc, ngã 3 bốn sáu, Tân Nghĩa, Tà Mon, Tân Lập, HT Nam, Hàm Cường, Hàm Kiệm, Hàm Mỹ, Tiến Lợi... Các vườn thanh long đến mùa thay lá, xanh mơn mởn. Các điểm bán hoa tết không nhóm ở chợ, chỉ bán trong nhà, ít hơn ở các khu vực dân cư Đồng Nai. Cũng vắng bàn thờ thiên, thay vào bằng vài chiếc công ten nơ, vài chiếc Limosine sang chảnh. Hết rồi khung cảnh “nhà quê” mộc mạc thanh bình thưở nào. Vào PT, phố xá hoa trái quang cảnh ngày tết lộ vẻ vui dần.
Trưa 30, chợ hoa các trục đường lớn phía Bắc sông Cà Ty quanh vườn hoa lớn, Trần Hưng Đạo, Thủ Khoa Huân... vẫn còn náo nhiệt kẻ xem, người bán, cả cảnh dân phòng công an la hét dẹp đuổi. Người Phan Thiết thích chơi hoa Đà Lạt như Lis, Glaïeul, hồng, cúc... Mai vàng thì đã có mai Ma Lâm Phú Hội tại chỗ, ít hoa nhưng  cao lớn tự nhiên, có tiền mua thêm thêm vài chậu bon sai mai đá Bình Định.
Lại đói bụng, ăn vội tô bánh canh chả cá, sợi bánh nhỏ nhưng nước thật ngọt, vị cá tươi của biển mặn. Đi một vòng, lại đói tiếp. Tìm bánh căn. Qua đoạn Cẩm Xìn, hết bán nghĩ Tết, cũng không nhìn thấy ML. Qua Trần Phú, nhìn vào nhà Tín, không thấy bạn mà cũng tìm không thấy bánh căn. Quẹo qua Hải Thượng Lãn Ông, không thấy ... mà hàng bánh căn cũng biến mất. Đành phải đánh tiếp một vòng qua nhà HT, người vắng nhưng bánh còn. Vẫn còn hên, ăn được 10 cặp bánh căn cuối năm con gà. Phải để bụng, tối còn làm thêm một tô mì quãng vịt nước húp cay xè với cái đùi to tướng.
No bung xong, đi thăm ông Già, định cư tận gần lầu ông Hoàng. Qua rặng dương là biển, nhìn xuống dốc là con sông Phú Hài uốn lượn quanh co từ Phú Long, quê bà Cố Nội, con gái Xóm Lụa làm dâu tận xứ Xóm Câu. Nhìn những hàng mộ trùng trùng lớp lớp, không nhận được đâu là nơi nghĩ nghìn thu của các bạn 72 mình như NN, HVS... Ai cũng phải đi về. Không biêt là may mắn hay bất hạnh cho những người ở lại. Thăm mộ Ba, nhìn hình, Mẹ tôi đã lãng, nói nhỏ,  cậu này trẻ mà chết sớm quá... Ngọn gió chiều 30, nhè nhẹ nhưng cảm thấy lành lạnh.
Đúng 8 giờ, mở tivi xem kịch Táo quân, chửi người ngẩm đời. Năm nay có cái mới, không còn từng Táo báo cáo, thay bằng catwalk. Ngọc Hoàng trở lại đời thường, chỉ thích mấy cô nàng start-up trẻ măng thiếu vải. Các Táo đua nhau giành ghế, cái ghế không có tội, ai có tội đây. Năm 2017, trần thế quá phức tạp, câu chuyện các Táo hơi dài, hơi loãng. Nhiều thằng sợ nhắc đến mình, mất ghế như chơi, lợi dụng sơ hở “đối phương”, đang giả vờ chê khen vận động bỏ chương trình này vào năm tới. Táo vẫn là Táo. Không ai giàu 3 họ, không ai khó 3 đời. Nhiều thằng mới 1 đời, con cái đã bị lội cổ xuống, còn bị lột sạch hết áo quần.
Bầu trời đêm 30 không còn đầy sao như mọi năm, không còn sao giao thừa xanh trong đôi mắt ngoan của Nguyễn Đình Toàn nữa. Trời tối mù, chắc còn ảnh hưởng cơn bão Sanba vừa tan ngoài biển đông trước tết. Tiếng đì đùng pháo hoa bắn lên từ cầu sắt, tiếng pháo chuột TQ ăn theo, tiếng mấy giàn Karaoke bọn nhỏ lối xóm gầm thét... Âm thanh ngoài sân phút giao thừa che mất tiếng gỏ chuông nhỏ nhoi khấn mời Ông Bà về với con cháu. Chừng vài phút sau, không gian bỗng nhiên tĩnh lặng.trở lại, tiếng gió thổi nhẹ, rồi hình như có tiếng gọi người tiếng chân lao xao, phải ráng về. Tôi vừa nghe nhạc xuân, vừa châm trà thay rượu, thoáng hiện hình ảnh người thân chỉ có lúc này. Nghĩ lại Mậu Thân 68, lúc này là tiếng pháo tiếng súng lẫn vào nhau, định chạy ra xem những làn đạn lửa tua tủa giăng khắp bầu trời, nhưng Ba biết, kêu cả nhà xuống gầm bàn gầm giường, rồi nói nhẹ, mấy ổng về. Sau đó, tiếng chân chạy thình thịch ngoài đường, tiếng gọi nhau ám hiệu, giọng bắc rặt của những trẻ con bé xíu ôm súng lạc đường trong đêm. Năm nay, Sài Gòn lại kỹ niệm 50 năm chiến thắng Mậu Thân. Tôi vẫn chưa hiểu tại sao chết nhiều chết oan vẫn dám gọi là tuyệt tích. Đáng lẽ phải thay bằng một lễ đại cầu siêu để còn biết đường về quê vào những đêm 30 như thế này, nếu không, vẫn còn xa lắc lê thê mãi. Những đứa nhỏ quá, chưa hề chứng kiến trận Mậu Thân, chưa hiểu hết, chưa thấm hết..., vẫn còn mãi mê tranh ghế, say sưa dối người dối lòng.
Tháng giêng là tháng ăn chơi, ra giêng chắc chắn sẽ còn nhiều chuyện về bạn bè. Một cái Tết nữa, mong dân 72 tứ xứ luôn khỏe mạnh và thành công...
Phạm Sanh, 72PBC

Saturday, February 3, 2018

Các Bạn Lại Về Thăm Phạm Sanh PBC72

Các Bạn 72 đợt này về dịp cuối năm, Sài Gòn lạnh kéo dài cả tháng, vội vã như ai, mùa đông cũng theo vào tận xứ sở mưa nắng 2 mùa. Hồng Thúy trẻ đẹp hơn, Mỹ Nhàn vui dạn hơn, Phi Vân và ông Xã thì khỏi nói, phong độ tuyệt vời hơn cả đội tuyển U 23 VN.
May mà mấy Bạn gái mình không đi Vietjet Air, hãng hành không vừa giá rẻ vừa được “ôm”, đàn ông nhìn mỏi mắt đàn bà chửi mỏi miệng. VN bây giờ là vậy, cuồng lên xung lên là bất chấp. Cô chủ nhỏ hãng hàng không “tư nhân” này chỉ mới có khoảng 3,2 tỷ đô la Mỹ, giàu thứ 780 thế giới, lại hối hả PR, cho đám người mẫu bikini lên máy bay săn đón đội tuyển, nhảy nhót kiểu demi-sex rẻ tiền, không ngờ “cục c..c” (theo kiểu đánh vần mất nết của lão giáo sĩ BH). Thôi cũng thông cảm, nhiều xếp lớn và trẻ nhỏ ở VN đang lên cơn, do không nghĩ ra được đội tuyển U23 VN phải đá luôn cả trọng tài, lại vào đến chung kết giải châu Á, chỉ thua cái thằng Uzbekistan, xứ sở nửa Âu nửa Á. Đấm đá nhau trong trời tuyết rơi trắng xóa, xem tivi chỉ thấy người không thấy bóng, y như chơi khúc côn cầu trên băng. Không tha thứ Vietjet cũng không được, con mẹ chủ hãng này lanh hơn sóc bay, bay cả ngày lẫn đêm chịu chi dữ lắm, cho mấy em trần trụi trên máy bay đã mấy lần rồi, đố ai rờ được móng chân của má mì.
Giải bóng đá này, Trung Quốc chủ nhà dở tệ thua từ đầu, rủ mấy thằng AFC, chơi xấu thậm tệ cầu thủ VN, ăn ở đi lại khó khăn và màn cuối phải thay giày để đá trên sân tuyết phủ dày. Bọn hắn còn giả vờ khen khéo... “Bắn hươu trắng trong tuyết bay đầy trời” tạm dịch từ câu "Phi tuyết liên thiên xạ bạch lộc", ghép các chữ cái trong mấy bộ tiểu tuyết kiếm hiệp sư phụ Kim Dung, Phi hồ ngoại truyện, Tuyết sơn phi hồ, Liên thành quyết, Thiên long bát bộ, Xạ điêu anh hùng truyện, Bạch mã khiếu tây phong và Lộc đỉnh ký.
VN năm nay trời lạnh kéo dài không thua Canada và Mỹ, củi khô củi ướt, củi gì lượm được cũng đốt để ấm cỏi lòng được chút nào hay chút đó. Đúng ra đang đốt mấy thằng bợm, cấu kết nhau vơ vét hàng tỷ đô la Mỹ từ nguồn tài nguyên Ông Bà tổ tiên, ăn chia khoản tiền sưu cao thuế nặng của người dân. Tư cách mấy thằng này còn thua xa con mẹ nói dối Vietjet, sắp vô lò cứ nước mắt rơi lả chả, lãi nhãi xin đảng xin bác tha cho để về ăn Tết với vợ, qua Đức nuôi con. Nhục, đúng ra là hài quá chịu không nỗi. Chắc phải nhờ mấy đứa nhỏ hoa hậu, chân dài showbiz, danh hài gì đó để mà lãng đảng lãng du, hay lãng quên càng nhiều càng tốt, theo đúng ý người lớn. Câu chuyện đội bóng VN vào chung kết, cả châu Á mơ cũng không thấy, ngu gì không chụp nhanh lấy thời cơ... lãng mạn, tạm lắng yên chuyện đốt lò chờ tìm củi, tưởng tượng theo phép tam đoạn luận, vận nước đã tới.
Thôi, trở lại đời thường vui hơn. Hôm gặp mặt trưa 23/01, trừ các ông bà họ “từ” lúc nào cũng chối khéo, nhóm bạn thường gặp tại SG gần như đông đủ, vắng ĐT chắc đang luyện cửu âm chân kinh một mình hét thi với sóng biển Vũng Tàu. Văn Ngọc xuống từ Bình Dương rủ Dũng yamaha lên từ Bình Chánh, Minh B hội ngộ Minh A, Thức gặp Quý Thắng, Hồng Tường lẽ bạn đi cùng Đình Pháp, Cao Sơn đụng Phân Sơn, nhóm người mẫu 72 cả đời chưa được ai mời diễn cũng xôn xao rực lửa gồm Hoa- Mỹ-Khánh Linh-Hồng Châu-Hồng Ba-Mộng Quyên, thêm thôn nữ Phượng về từ Tây Ninh và cả cô em gái trẻ 75 của Kim Nhung có tên giống người vợ Phan Thiết của Bạch công tử cũng tham gia tiệc vui thay chị...
Các Bạn xa về, mới xuống phi trường tầm 2 giờ sáng, nhưng xem ra, ai cũng tươi tắn, không thấy dấu hằn của chặng bay dài trên 12 nghìn cây số. Lại nhớ Giáng Hương, đợt nào cả nhóm bạn đang mừng đón Hồng Thúy mới về tại Highland Coffee ở tòa nhà Central Plaza, chợt thấy cô nàng “lù lù” xuât hiện, cười tươi như hoa, làm mình mất hồn, tưởng rằng đang lạc cỏi tiên. Năm nay, không thấy GH về, chắc phải tung tăng xăn quần lo chuyện tát nước giống y chang người Sài Gòn. Thế giới nhiều đứa lải nhải, diển biến khí hậu toàn cầu gì đó, thời tiết bất thường, trái đất nóng dần lên (cái này trật lất, đang lạnh gần chết), đám phụ nữ trẻ ở châu Phi đang lo lấy chống sớm. May cho mấy bà 72 nhà mình, nhanh miệng nhanh chân, lấy chồng gần hết, chỉ còn vài ba bà vẫn đang cố gắng chộp thời cơ phút 89. Còn giờ là còn đá, nhiều khi phải câu giờ để đá cho bằng được. Ráng lên, mấy nàng ĐT, NH, KL, KT, HC(?), còn nước còn tát, phải viết tiếp câu chuyện Khái Hưng, em phải sống.
Hội ngộ năm nay, sắp qua năm âm lịch Mậu Tuất, năm mậu nên chó đực thì trụi lũi, chó cái thì bị chửi lên chửi xuống đồ chó đ..., phải tranh thủ chụp hình lia lịa đủ cặp đủ kiểu, chuyện trò ca hát không biết mỏi miệng, quên luôn cả ăn do quá xá là vui, cũng có khi còn răng thật đâu mà ăn. Cao Sơn vẫn giọng nam cao ngọt ngào, Phân Sơn hát chúc nhau bản nhạc twist nóng dậy cả người, ...90 năm cuộc đời.
Hôm sau đi dạy học ở Đà Lạt, trời đất xứ sương mù bao giờ cũng lạnh và buồn hơn Sài Gòn. Lửng thửng trên con đường dốc vắng lặng quanh co uốn lượn bên hông trường võ bị ĐL ngày nào, một mình với hàng thông lá vàng cao vút, lấy smartphone chụp vội vài nhánh đào già khô cằn trụi lá, lốm đồm dăm ba cánh hoa hồng phấn nhỏ xíu nở muộn, lại thấy nhớ bạn nhớ nhà. Ai đó viết, ngày vui qua mau, hôm qua còn bạn bè đông vui ồn ào, nay chỉ còn cảnh vật yên ả và dăm ba người xa lạ, tâm trạng y như những ngày đầu qua Pháp đi học, trúng phóc ngay mùa đông. Mà khung cảnh Đà Lạt cũng có chút gì đó hao hao Lyon, cũng đồi núi thung lũng, cũng các cô nàng quần bó áo len khăn choàng mũ dạ ton sur ton, kín đáo pha lẫn một chút kiêu sa. Năm nay, hoa đào nở sớm hơn ngày thành phố tổ chức lễ hội anh đào, vườn đào quanh bờ hồ Tuyền Lâm, chỉ thấy gốc và cành khô đét. Cả các bụi hồng trong vườn nhà ai cũng nở sớm, hoa tàn xơ xác hơn mọi khi. Nhủ thầm, về lại Sài Gòn chuẩn bị gặp bạn còn vui hơn.
Chiều mùng 2 gặp nhau lại tại Ân Nam, một quán nhỏ nhưng khung cảnh thật xinh, thiết kế phong cách sân vườn Nhật Bản, có thiên nhiên có cả chút thiền, đá- nước- hoa- cỏ quyện vào nhau trong một không gian tĩnh lặng, nằm sâu tít cuối một con hẻm nhỏ ở Phú Nhận. Mấy hôm trước, cũng tiển Lộc về Mỹ chỗ này.
Gặp nhau, có đủ 2 Minh, vắng cả 2 Sơn, vắng thêm mấy bạn ở xa, cả ĐT hứa về, về rồi cũng không gặp. Rủ nhau chụp ảnh lưu niệm đủ đôi đủ cảnh. Hồng Thúy nói, hôm về PT, gặp nhau lần này đông lắm, có đến 50 bạn, nhưng thiếu “phó nhòm”, không chụp được nhiều hình. Lại nhớ Thày Ân, nhớ ta ta mi mi khi Thày mau giận, nhớ tình yêu “ăn mày” sao thật phủ phàng sao ấy. Thương Thày vô cùng nếu chuyện này có thật (vái Trời đừng có thật), ngẩm nghĩ lại mình số còn hên, ăn may nhiều hơn ăn mày. Về PT đợt này, các bạn lại có dịp chia tay vĩnh viễn bạn Nữ Tài và má của bạn LT Rớt. Người Bà Cố mà tôi quý suốt đời, nhờ Bà mà tôi biết mình gốc Quãng, biết được các ngôi mộ Ông Bà nằm rải rác suốt dãi đất khô cằn miền Trung.
Chiều nay gặp nhau thoáng nét buồn, chỉ chụp hình, hàn huyên, uống nước vội rồi các bạn về còn phải đi gặp những người bạn muốn lắm nhưng không cách gì tới được. Mong may mắn phước lành đến với tất cả, trong đó có một hai bạn của mình.
Ra đường cái đón xe, xe đến chậm lại càng mừng, thời gian còn lại quý từng giây, vội hẹn nhanh gặp nhau xứ người, xứ mình năm tới. Đứa nào, sức khỏe lúc này cũng đã giận hờn lên tiếng. Riêng tôi, mong sao xe đừng đến, bạn đừng đi. Lại ăn mày tình bạn nữa rồi.
Hẹn nhau ngày mới, những người Thày người Bạn trường Phan xứ Phan...

Phạm Sanh, PBC 72
Video Em Chờ Anh Trở Lại Video Nhớ Một Chiều Xuân Hoa Trinh Nữ Nhật Trường - Hải Yến