Sunday, July 19, 2020

Gấm Hoa Vùng Biển Mặn - Cát Biển

Jean Paul Sartre có lần đã nói "Khi cha mẹ tôi sanh tôi ra đời, ông bà không hề hỏi ý kiến của tôi". Khác với thái độ hiện sinh và hoài nghi đó, tôi chấp nhận cuộc đời. Trong bóng tối sâu thẵm triền miên mà tạo vật đang xoay vần không ngừng nghỉ, một trăm năm kiếp người quả chăng chỉ ngắn ngủi như ánh lưả của một chiếc diêm quẹt, loé lên rồi chợt tắt. Có người sẽ hỏi cuộc đời có phải chỉ là một giấc mơ trống rỗng? Hay nó chỉ là một ước nguyện đầy khát khao nhưng không bao giờ thành tựu? Đối với tôi, kẽ đã từng được sanh trưởng trong chiến tranh và đã từng là khán giả của một thế giới mà trong đó phương tiện sinh tồn là vũ lực, tự do là áp bức, công lý là lường gạt, và tình yêu chỉ là ảo ảnh, lạ thay tôi lại muốn cãm tạ cuộc đời. Càng tăng trưởng với tuổi đời, tôi nhìn thấy sự vật một cách thiện mỹ hơn, và cùng với những thăng trầm nỗi thiện cãm với cuộc đời tăng dần lên. Càng đi xa, lòng kẽ tha hương càng hướng về bờ bên kia Thái Bình Dương để tìm về những kỹ niệm dấu yêu vui buồn của nguồn cội.

Những năm tôi chào đời tại Phan Thiết, thành phố hiền hòa êm đềm miền duyên hải, tiếng đạn bom đã được yên phần nào. Tuy nhiên, tiếng khóc uất nghẹn của một đất nước vừa mới bị chia đôi vẫn còn vất vưỡng nơi nơi. Chiến tranh đã cướp đoạt nơi gia đình tôi người anh cả mà tôi tin bất kỳ một tên con trai nào lớn lên với bốn chị em gái đều thèm khát. Vào dạo 1955, tôi còn nhớ rất rõ dù lúc ấy còn tấm bé, tôi có hai người chị, chị Hoàng Anh và chị Hoàng Minh, và cô em bé Hoàng Yến vừa mới chập chững biết đi. Một buổi tối còn mãi mê chơi bắn bi với lũ bạn trước nhà, mẹ tôi dặn dò em Yến "Má đi một chút mua kẹo về cho con ăn, con giỏi đừng khóc nhé!" Nhưng đêm đó mẹ tôi không về. Mãi 1 tuần lể sau Mẹ mới về nhà trên 1 xe xích lô, tay ẵm 1 bé sơ sanh trắng nõn, tức là em Thanh Hà, cô em út được cưng nhất của gia đình. Thế là gia đình chúng tôi có thêm một cô em bé nhõ để các bà chị của tôi cho đóng vai công chúa trong các cuộc chơi đùa, múa hát. Người anh cả mà tôi vẫn hằng ao ước đã chào đời vào những năm loạn lạc, dịch tả, và ruồng bố của thực dân Pháp nhằm bắt lính phục vụ cho chúng, khiến cha tôi phải vào rừng trốn cùng những trai tráng khác trong làng, cuối cùng chết đi với số tuổi đời bé bỏng trong sự tiếc nuối của cha mẹ tôi. Thuỡ bé tôi hay xin mẹ cho mình một người anh khiến bà buồn cười. Vào những năm 1956, 1957 khi đất nước đã hồi phục được phần nào giữa những biến động triền miên, gia đình tôi đã tạo được cơ sỡ làm ăn vững vàng với tiệm may Phan Sinh kế bên nhà hàng Nam Thạnh Lầu. Trong nhà đông người nhộn nhịp những năm ấy với hơn mười thợ may nam nữ, chiều nào nhà cũng tràn ngập hạnh phúc với tiếng đố vui, tiếng vui cười đùa cợt của những anh chị thợ may thi đua nhau xem ai may cắt nhanh và khéo nhất. Thậm chí tối tối có người còn ngũ lại trong nhà qua đêm. Dạo ấy có chú Phán là 1 thanh niên trẻ tuổi, người vui tính hay đờn ca xướng hát và cười giỡn nhiều nhất. Có đêm tôi và Ba đi xem xi nê về thấy các cô cậu còn giỡ bàn xoay Cơ giữa đêm khuya, với nét mặt vừa tò mò vừa nhút nhát của các chị thiếu nữ bên ánh nến lung linh, và miếng Cơ - làm bằng gổ từ hòm người chết - chạy rèn rẹt trên bản đồ giấy. (Sau này 15 năm sau chú Phán có ghé về thăm nhà tôi, chàng thanh niên vui tính dạo đó đã thành một tu sỉ, nghiêm chỉnh trong bộ nâu sòng). Những êm ấm ấy, dầu xen lẫn với bao thiếu thốn vật chất, đều đã tan biến vào những năm 1960 khi Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam ra đời, như cơn gió đen tàn bạo thổi vào thành phố.


Quê tôi chỉ cách Sài Gòn 200 cây số. Nếu tuổi ấu thơ của tôi có thể ví như mực nước sông Mường Giang bình dị, thì tuổi lớn lên của tôi phải ví như những đợt sóng Thái Bình Dương ồ ạt. Tôi được gửi vào Sài Gòn học theo chân người chị kế vào Sài Gòn học - chị Minh, mà sau này mấy ông thư ký trong xóm kém chử nghiả làm giấy tờ viết lộn tên của chị, kêu theo thứ thành tên "Năm", sau này được đổi lại thành Nam cho dể nghe. Năm thi trung học, chị Nam đậu hạng Bình, được nhận vào trường nữ Gia Long ỡ Sài Gòn. Chị có khiếu học sinh ngử, có nét xinh đẹp và bản chất thông minh nên thường có nhiều thanh niên theo đuổi. Gia đình muốn tôi cùng vô Sài Gòn học với chị để có chị có em cho vui. Người Pháp có nói "Đi là chết trong lòng một ít". Làm sao tôi quên được những đêm ngồi khóc thấm thía bên một góc tối sân thượng nhà Dì Hai chỉ vì một anh nghệ sỉ lãng mạng nào đó ỡ cuối hẻm 197A Lê Văn Duyệt đã thổi những tiếng sáo trầm uẩn não nề như cắt xé lòng kẽ xa nhà ra từng mãnh vụn. Và nhất là những ngày chuẩn bị về quê, từ rựng sáng chị em tôi thức dậy thật sớm để đón xe xích lô máy nổ bình bịch, náo nức ra bến xe đò để về Phan Thiết nghĩ Tết. Tuy nhớ nhà thương quê nhưng cái quyến rũ, cái náo nhiệt của Sài Gòn cũng khó mà cưỡng lại. Nếp sống nhộn nhịp, phồn hoa và táo bạo ấy tấn công tâm hồn trai trẽ vụng dại trong tôi như một cơn bão lốc. Hằng ngày học cùng lớp với những tên bạn lúc nào cũng nhai chewing gum, mặc quần jeans, đi Vespa, sáng sáng vô lớp chỉ kể chuyện đi "boum" (tức đi party) thật là khác xa với những người bạn cần mẫn chất phát quê nhà hằng ngày gắng đạp ngược gió những chiếc xe đạp củ kỹ từ Phú Long qua sỡ muối lên Phan Thiết học, hoặc có kẽ đi miệt mài hằng mấy cây số mới đến trường - và thông thường hay bỏ học vào những năm Đệ Tứ, Đệ Tam để đi lấy vợ hoặc đi cảnh sát. Rời xa những người bạn thân thương nối khố với những nụ cười dể dải hồn nhiên, vào Sài Gòn ngồi chung lớp với các cậu thanh niên chuyên ăn chơi thưỡng ngoạn nhạc ngoại quốc thường hay tán gẩu về Sylvie Vartan, Cliff Richard, Elvis Presley và ban The Beatles quả là một sự thay đổi đầy trái ngược. Những tháng đầu tiên vào trọ học Sài Gòn hồn tôi đầy những trống vắng hoang vu làm sao vì nhớ nhà nhớ bạn giữa một thế giới náo nhiệt chung quanh.

Mỗi chuyến về thăm quê Phan Thiết như vậy là để tìm về với những ấm cúng thân yêu của gia đình với gỏi cá mai, cơm gà, mì quảng với những câu chuyện vui và hấp dẫn do cha tôi kể mà mọi người chúng tôi náo nức muốn nghe. Bao năm trường lớn lên, ngoài tính chất nghệ sĩ được hấp thụ từ cha, chúng tôi được Ba kể cho nghe không biết là bao nhiêu chuyện hay. Từ những chuyện đường rừng lạ lùng kỳ hoặc, chuyện ma Bình Thuận kinh dị, những mẩu chuyện Ngàn Lẻ Một Đêm kỳ thú của vương quốc Ba Tư, những chuyện tếu và ý nhị như loạt chuyện Thi Nói Láo đăng trên báo thời bấy giờ, những mẫu chuyện sâu sắc từ quyển "Để Trỡ Thành Một Vĩ Nhân", đến những chuyện Tam Quốc Chí nêu cao cái hay đẹp trong thuật xử thế của người xưa, chúng tôi đã học hỏi không biết bao nhiêu điều qua những mẩu chuyện hấp dẫn từ cha tôi. Chị Nam (tức Hoàng Minh) là một người giỏi về văn thơ, lúc nào cũng yêu đời, hay kể các chuyện vui Sài Gòn, nhất là chuyện các cô nữ sinh Gia Long tinh nghịch, với lối pha trò và điệu bộ rất dí dõm. Các em Yến và Hà luôn lăng xăng quấn quít bên các anh chị từ xa về để góp tiếng cươì chung. Mỗi dịp các con về, mẹ tôi không bao giờ quên nấu những nồi canh chua thật ngon với đủ thứ cá tươi, giá, rau thơm, ngò, me, bạc hà, và nước cà chua vàng óng ánh đặc sản của Phan Thiết mà chúng tôi không còn được thưỡng thức khi vào Sài Gòn. Hình ảnh nồi canh chua vì vậy in khắc trong trí tôi trỡ thành biểu tượng cho sự hi sinh của người mẹ nói chung và người mẹ Phan Thiết thân yêu của chúng tôi nói riêng. Người mẹ ấy trước kia là một thiếu nử xinh xắn tại Phú Long, chị cả của một đàn em đông, chỉ được học xong lớp Ba. Vì thuỡ mới lớn nghèo khổ, mẹ phải phụ gia đình làm bánh bông lan bán nuôi đám em nhỏ dại. Bà gặp Ba tôi cũng là người anh cả trong một gia đình đông con tại Phan Rí, cũng không kém phần khổ cực. Ngày ba má tôi lấy nhau, cả hai gia đình đều khóc vì mất đi người phụ lo cho hai bầy em hai bên. Vì không một mảy may vốn liếng gì để làm ăn, ba tôi phải trôi dạt sang tận bên Miên (Cam Bốt) theo theo bác Tư Sào ba anh Nguyễn Văn Cao để học nghề may. (Sau này bác Tư Sào về lại Phan Thiết mỡ tiệm cầm đồ Phước Lợi). Trong cảnh bần cùng khó nhọc đó, ba tôi cuối cùng dành dụm được một ít tiền về lại Phan Thiết để bắt đầu một cuộc đời mới. Lúc hai chị em tôi trọ học ỡ Sài Gòn, mỗi lần có người vào Sài Gòn mẹ tôi thường hay gửi 1 nồi cá nục kho tặng Dì Hai, kèm cả một bầu trời thương yêu trong lá thư của mẹ. Thư của mẹ gửi chúng tôi có nét chử nghuệch ngoạc của bậc tiểu học nhưng đầy ý nghỉa của một người hiểu đời. Bà mẹ ấy không bao giờ quên quá khứ khổ nhọc và đã cố gắng dành hết những hạnh phúc cho các đứa con. Mẹ tôi rất khéo về buôn bán với lối giao tình thân mật với các khách hàng của bà. Chỉ một vài năm bán hàng trong chợ, bà đã mỡ rộng các gian hàng theo số thương vụ gia tăng. Chiều chiều mẹ tôi mua chè đậu xanh cho chúng tôi ăn, đến mùa mãng cầu, xoài, hay măng cụt mẹ tận tụy đem về cùng ăn với đám con. Có lẻ không gì đáng nhớ cho bằng một điều đặc biệt là mỗi khi đi đâu về nhà mẹ tôi đều mang về một chút quà cho con, dầu chỉ là 1 trái ổi, trái quít hay chỉ là một củ khoai. Tôi thích Sài Gòn với nhịp đập của cuộc sống mãnh liệt, mỹ lệ với các thời trang hấp dẫn, và vui tươi với nhiều mục giải trí. Nhưng tôi thương yêu thành phố Phan Thiết bình dị hiền hoà quê tôi bỡi đó là đất của những kỹ niệm thân thương, của những rung động và nhận thức đầu đời.

Sự tàn phá của chiến tranh càng lúc càng dữ dội. Một buổi chiều mùa hè 1967 khi được tin từ Sài Gòn nhắn về Phan Thiết cho biết tôi đậu Tú Tài 1, ba tôi khoác vai tôi, hai cha con cùng đi bộ một quãng đường dài từ nhà ngang qua trường tiểu học Đức Nghiả, vòng qua ty Cảnh Sát, rồi mới trỡ về nhà. Trên đường đi, ông sung sướng siết vai tôi kể lại đời ông và chuổi ngày ông đi học trong những điều kiện cực kỳ khó khăn. Ông ra đời năm 1918 vào một buổi chiều cuối năm âm lịch khi chợ Tết sắp tàn. Ông nội tôi chết sớm, bà nội tôi phải chật vật nuôi đàn con thơ. Cha tôi phải kiên trì lắm mới được đi học sau những giờ làm lụng vất vã. Ngày đổ bằng Sơ Học, ông được đưa về làng như cảnh tượng vinh quy bái tổ. Cho đến ngày nay, tôi vẫn không bao giờ quên được kỹ niệm buổi chiều hai cha con đi bộ ngày hôm đó. Ba tôi có chử viết rất đẹp dầu cả quãng đời niên thiếu của ông đầy giẩy những cơ cực. Điều mà tôi nhớ mãi ỡ cha là chiều chiều ông hay ra các bài toán nhân hoặc chia thật khó cho tôi làm. Mỗi khi tôi làm đúng và nhanh, ông hay thưỡng tiền, khi thì 2 đồng, khi tô mì, để khích lệ tính hiếu học trong tôi. Chính những kỹ niệm đặc thù đó đã thúc đẩy kích thích tôi yêu thích mê say môn toán như những nhà vỏ sĩ sẳn sàng lăn xả vào đấu trường. Sau này khi sang Mỹ, và suốt cả cuộc đời mài đủng quần tại các trường học, môn Toán đối với tôi vẫn là một thú tiêu khiển thích thú đầy thi vị hơn là một môn học khó nuốt. Nhờ công việc dạy kèm Toán tại các trường đại học Hoa Kỳ tôi đã có thêm ít tiền còm để chi dụng những tháng ngày theo đuổi việc học.

Đậu xong Tú Tài 1 năm 1967 tôi trỡ về trường Phan Bội Châu tại Phan Thiết học lớp Đệ Nhất, hồn tôi đầy những thương tích rã rời không kém gì thể xác phí phạm với men rượu và khói thuốc thâu đêm bên cạnh lũ bạn thân. Đấy là những năm tôi uống những lon bia đầu đời, yêu thích nhạc Trịnh Công Sơn như các người trẻ khác. Chúng tôi bắt đầu hướng về các ý niệm và nhận thức của tuổi thành niên: quân dịch, đại học, du học, tình yêu, cuộc đời và thân phận. Cả tên bạn thân Nguyễn Xuân Hùng và tôi đều thích bản nhạc "Tình Khúc Thứ Nhất", thơ của Nguyễn Đình Toàn do Vũ Thành An phổ nhạc. Chúng tôi say mê các truyện Bếp Lửa của Thanh Tâm Tuyền và truyện dài Ung Thư của ông trên tuyển tập Văn. Rồi đến các bài thơ học trò của Nguyên Sa mà điển hình là bài Áo Lụa Hà Đông. Dạo đó có bản dịch của nguyên tác La Porte Etroite (Khung Cửa Hẹp) của André Gide, Bùi Giáng dịch, mà chúng tôi rất thích, với hai câu thơ trích từ bài thơ Khúc Ly Đình của Cao Thị Vạn Giả khi người yêu sắp đi du học phương xa:


Tiễn chân anh tận phi trường  
Lỗi đi lỗi ỡ mười phương lỗi về  
Mù sương phi cảng nảo nề  
Thôi anh ỡ lại buồn về em mang  
Tiễn anh một chén rượu tàn  
Một bàn tay nắm một hàng lệ mau...


Bạn bè chúng tôi rất vui nhưng lủ chúng tôi đã qua khỏi tuổi hồn nhiên mất rồi và trỡ thành đối tượng quân dịch để đáp ứng nhu cầu chiến sự ngày một gia tăng. Những người bạn cùng lứa như Bá Long, Nam Bò, Dũng Lọ và nhiều bạn bè khác đều tuần tự phải nhập ngủ. Sử đi Thủ Đức. Nam Bò đi Thuỷ Quân Lục Chiến, chết tại vùng 4. Dũng Lọ em anh Nguyễn Kim Hùng đi Thiết Giáp, bị mất tích. Cùng ỡ lại Phan Thiết có Diệu Lý, Cu Tân, Hùng, Quang và tôi. Sau Tết Mậu Thân (1968), chiến cuộc càng tàn khốc. Nguyễn Xuân Hùng, Nguyễn Trung Quang và tôi vào Sài Gòn học đại học. Quang được học bổng đi du học nhưng vào học Quốc Gia Hành Chánh vì tuy cùng đi chơi như lủ chúng tôi, hắn đậu Tú Tài 2 hạng Bình. Các bạn ỡ Sài Gòn như Trần Văn Toàn và Nguyễn Thành Vân được gia đình gửi đi du học tự túc sang Đức, và sau này đều lấy vợ Đức. Hùng và tôi cùng học Luật và kinh tế tại Đại Học Vạn Hạnh. Một hôm sau khi nhậu say đã đời, Hùng và tôi cùng quyết định tình nguyện đi Hải Quân.

Tuy chuyến về quê nào đối với tôi cũng là những chuyến thân thương như về miền đất hứa, cũng có những chuyến về kém vui tươi vì những mất mát. Một trong những lần về thăm Phan Thiết buồn bả nhất là khi được tin em Yến chết. Tàu tôi vưà đi công tác quần đảo Trường Sa về đến bờ thì được một người quen cho biết em gái tôi bị chết đuối tại biển Thương Chánh. Tôi xin phép hạm trưỡng về Phan Thiết gấp. Buổi chiều từ mộ em Yến ỡ bia đài về, tôi chưa bao giờ thấy căn nhà mình trống trải lạ lùng đên thế. Như một chiếc răng lược đã gảy, sự vắng mặt của em thật là hiển nhiên. Mỗi khi tôi bước lên lầu, đi lên nhà trước hoặc ra sau nhà, đâu đâu cũng thấy hình bóng em ẩn hiện. Trước đó, chị Nam thấy điềm báo mộng chẳng lành về em Yến, chị đã về Phan Thiết trước tôi và làm mấy câu thơ viết trên một tấm trướng lớn lúc đưa tiển theo quan tài của em Yến:

Em chết vội không thời giờ trang điểm  
Dùm cho em nhan sắc nhuốm xanh sao
Hai mươi tuổi thú vui đời chưa hưỡng  
Em nỡ lòng về tiên cảnh đành sao


Như ai khư lại đống tro tàn dĩ vãng, buổi chiều xanh hôm ấy bên mộ em, quá khứ như một dòng sông trôi về mênh mang trong tôi. Tôi có cãm tưỡng trong lòng mình cây cối mọc hoang vu. Nước mắt tôi chảy tự nhiên, từ một con tim rủ rượi.

Sau chuyến về quê buồn thãm đó, có lần tôi về gặp lại Mai Đình Quý, con ông Cò Hiệu - người bạn thân hay giỡn phá mà đã cùng học với tôi mãi cho đến cuối năm Đệ Tứ, khi Quý đăng đi cảnh sát vì hoàn cảnh gia đình - thì Quý đã bị trúng mìn cụt cả hai tay lẫn hai chân. Mỗi ngày Quý phải nhờ cô vợ trẻ giúp cho từ ăn uống đến vệ sinh cá nhân. Tôi đến thăm Quý thấy Quý làm trò cười, tả cách ăn đậu phộng của người cụt tay: anh xoa xoa hai cánh tay cụt, xong hất tay này và chận lại bằng tay kia như để tung các hạt đậu phộng văng lên trời, rồi há miệng ra táp - và cười to, như để chứng tỏ anh vẫn có khả năng vui đùa với bạn bè như những ngày xưa. Nhưng nụ cười của Quý không còn làm cho chúng tôi có thể khỏa lấp những nghiệt ngã của thực tế để hồn nhiên vui nhộn như những ngày xưa được nữa.

Năm 1980, khi sang Mỹ được 5 năm vừa chập chững bước vào ngưỡng cửa tam tuần của cuộc đời, một buỗi chiều nắng vàng nghiêng nghiêng ngoài khung cửa kính trên lầu căn apartment nhìn đại lộ ồn ào mé dưới của thành phố Wilkes Barre thung lủng của miền đông bắc Pennsylvania tôi cũng đã từng ngồi lặng người tự hỏi tại sao mình hiện hửu? Rồi sẽ về đâu? Sẽ còn một thế giới nào khác giữa vũ trụ bao la? Hôm nay số tuổi tam tuần ấy đã từng đến và ra đi băng bẵng từ khuya, tôi lại chợt muốn ghi nhận những ý tưỡng về miền đất thân yêu mà tôi đã lớn lên. Vùng trời hiền hoà đó đã cho tôi một quá khứ, tuy không được sơn son thiếp vàng trên nhung lụa, nhưng đầy ắp những hạnh phúc và tình thân yêu mà giờ đây tôi không bao giờ còn tìm bắt được. Quá khứ đó là bóng mát nghỉ chân của kẽ lữ hành vẫn còn đang rong ruổi chuyến phiêu lưu vô tận giữa sa mạc cuộc đời. Nó là những gấm hoa kỹ niệm của vùng biển mặn quê tôi. Nó cho tôi một điểm tựa giữa bao bất trắc đổi thay của cuộc sống. Tôi muốn cãm tạ cuộc đời. Tôi đang suy tư: tôi hiện hữu.

Cát Biển

No comments:

Post a Comment