Friday, April 17, 2020

Thi Sĩ Vũ Anh Khanh Và Bài Thơ Hận Tha La. - Phạm Thắng Vũ / Từ Đó Em Buồn Trần Thiện Thanh

22448248_10214375111952513_3379083750016303284_n
(Bài viết này thì Phạm Thắng Vũ (PTV) viết từ tháng 12 năm 2010 nhân nay nghe lại bài hát Hận Tha La nên mới lục trên Net và post nó trở lại trong trang WordPress của mình).
Bạn thân mến; Nếu bạn từng sống ở Sài Gòn và thường có lúc đi rảo mua sách thì chắc phải biết đến con phố sách báo cũ mang tên Đặng Thị Nhu thuộc phường Nguyễn Thái Bình, quận 1-Saigon. Lòng con phố hơi chật vì các quầy kiosk sách báo nằm đối diện, kề sát nhau và chỉ để một lối đi ở chính giữa cho khách (có khi dẫn xe máy đi cùng) ra vào. Một đầu con phố tiếp với đường Ký Con và đầu phố còn lại thông ra đường Calmette. Anh Hữu, một người bạn lớn hơn PTV cả chục tuổi mà nhân trong một lần đi vượt biên chung, đã quen nhau, có một kiosk bán sách ở con phố này và cả nhà dùng nó như một phương tiện mưu sinh sau cuộc đổi đời tháng 4 năm 1975. <!>
 Nghề mua bán sách báo cũ, coi lèng xèng vậy mà kiếm ăn rất ngon chỉ kẹt cái là đọng vốn nhưng khi có khách cần đến thì cầm chắc có lời. Sách báo cũ được mua đi rồi bán lại ngay tại chỗ và chủ kiosk nào cũng có những mối quen trong nghề. Mối đây là người đến tìm mua sách về để họ bán lại và thường họ ở xa đâu đó ngoài miền Trung, thậm chí có mối ở tít tận Hà Nội. Mối cũng là những người có sách do họ lùng mua được rồi mang bán lại cho chủ kiosk. Thỉnh thoảng gặp khách cho địa chỉ mời đến tận nhà để xem sách họ có và muốn bán. Các dịp như vậy, chủ kiosk thường mua được một lúc khá nhiều sách giá trị và tất nhiên, sẽ là một món lời. Anh Hữu vẫn từng đến những chỗ mà khách cho địa chỉ nằm trong nội đô Sài Gòn hay ở Chợ Lớn, vùng Bình Thạnh hoặc khu dân Bắc di cư Gò Vấp. Ngoài những tựa sách quen có tiếng hoặc vì đã từng được khách lùng mua nên biết, còn thường thì anh Hữu vẫn lúng túng mỗi khi cầm quyển sách lạ trong tay. Đó là lý do mà anh hay rủ tôi đi chung cho vui, để có người góp ý với anh về các tựa sách lạ. Có lần, anh rủ tôi cùng đi Tha La.
Tha La, cái tên tôi thường nghe qua các bài hát như Tha La Xóm Đạo, Hận Tha La… và cũng biết nó nằm đâu đó trong vùng Trảng Bàng-Tây Ninh nhưng chưa lần nào có dịp đặt chân đến. Nhiều vùng quê miền Nam có các địa danh thật lạ như Hóc Bà Tó, Chắc Cà Đao, Cạnh Đền, Muồng Luông, Soài Cả Nãi và Tha La… dường như từ gốc Khmer mà ra. Theo địa chỉ đã có, tôi và anh Hữu trực chỉ hướng Tây Bắc đi Hốc Môn rồi vượt qua Củ Chi và đến thành phố Trảng Bàng lúc gần trưa. Từ Trảng Bàng, theo một con đường đất đỏ (cũng về hướng Tây) mà hai bên là các thửa ruộng, rẫy chung với nhà dân hoặc các đám rừng cây lưa thưa, chúng tôi đi về một xã có tên là An Hòa khoảng 6, 7 cây số gì đó thì gặp Tha La. Đây là một xóm nhỏ với những nhà lợp tranh, mái ngói và cả nhà tôn nằm thấp thoáng sau hàng cây ăn trái như mít, xoài, ổi và dừa. Tha La, một miền quê do khung cảnh và cũng vì con đường chính cùng các ngõ nhỏ đều là đường đất đỏ. Mùi rạ, mùi đất bùn cùng mùi lá tre và cả mùi mít chín thơm thoang thoảng trong gió. Có những ngõ nhỏ đan chặt các hàng tầm vông, tre hoặc trúc trông thật mát mắt. Loanh quanh một hồi, chúng tôi tìm được nhà của người có sách muốn bán nằm riêng một ngõ với hai hàng trúc bao thành lối đi mát rượi dẫn vào bên trong. Chúng tôi chạy xe thẳng vào sân của một căn nhà vách ván gỗ xập xệ lợp ngói có chỗ đã bong mất hở cả mè cây đỡ mái. Căn nhà có một bàn thiên chính giữa mặt tiền cùng những cây cúc ngày tím sẫm, hoa vạn thọ vàng chóe chung với bụi mẫu đơn đỏ thắm. Chủ nhà ở phía sau nghe tiếng xe liền ra xem rồi nhận ra anh Hữu, ông mời chúng tôi vào trong và lấy các sách muốn bán ra bày trên bộ ván ngựa xưa cũ. Mới trông qua thấy toàn sách xưa, những quyển mà dân bán sách cũ đang kiếm, anh Hữu chộp ngay các quyển: Kim Cổ Kỳ Quan, Châu Về Hợp Phố, Mai Hoa Dịch Tân Biên, Vạn Huê Lầu, Đông Chu Liệt Quốc, Long Trùng Quyết Sách… và số còn lại (khoảng hai chục quyển) là loại thường nhưng anh Hữu cũng mua hết nói dùng làm sách bày cho có trong kiosk. Theo lời gia chủ, sách vừa bán là do từ gia đình (ông ngoại) để lại từ lâu, nay vì cần tiền đành phải bán. Đồ đạc bài trí trong nhà ngoài các trang thờ bằng gỗ, tủ cẩn ốc xà cừ chưng hình ảnh ông bà, bộ ván ngựa thì còn có các tủ danh mộc đã cũ. Một nếp nhà khá giả xưa còn sót lại đang trong cảnh sa sút. Tôi hỏi thăm gia chủ ít điều về Tha La thì được biết nguyên thủy Tha La tên gốc từ chữ Schla của Khmer có nghĩa là trại hoặc nơi nghỉ mát rồi không biết từ khi nào, người Việt đọc Schla thành Tha La và địa danh này tồn tại cho tới bây giờ. Tha La hiện thời thuộc ấp An Hội của xã An Hòa (có 8 ấp) thuộc huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh và là một xứ đạo Thiên Chúa. Theo ông, từ thời vua Minh Mạng, dân theo đạo trốn chạy, lánh nạn vào đây (khi đó còn là rừng) rồi khai hoang lập ấp, xây dựng cuộc sống để bảo tồn nền đạo cùng niềm tin tâm linh. Ông cũng cho biết, trong Tha La nơi nhộn nhịp-trù phú nhất chính là khu vực dân cư sống chung quanh họ đạo gần ngôi thánh đường Thiên Chúa giáo gọi là xóm đạo (thuộc 2 ấp An Hội 1, An Hội 2). Cũng có một số người theo các tôn giáo khác như đạo Phật, Cao Đài, thờ cúng ông bà… sống ở Tha La. Tôi hỏi thêm về bài hát mang tên Tha La Xóm Đạo, ông liền gật đầu rồi hát vài đoạn ngắn cho tôi cùng anh Hữu nghe như để khắng định và chỉ biết vậy, không hơn.

13495025_850420108397860_1726068069953970236_n
Chia tay với ông, chúng tôi chạy xe lòng vòng trong vùng Tha La để biết thêm. Đến khu xóm đạo nơi đông dân cư nhất rồi vòng qua thánh đường là một nhà thờ vừa phải với tháp chuông cùng hang đá nằm êm ả dưới các bóng cây mát. Sau đó, tôi và anh Hữu dừng xe, nghỉ chân ở một quán nhỏ bán dừa tươi trong khu thị tứ của Tha La (ấp An Phú). Chị bán quán khi nghe tôi hỏi chuyện về Tha La Xóm Đạo, đã mau mắn lấy ra một băng cassette rồi dò tìm mở đúng bài hát đó. Vài khách đang ngồi uống nước trong quán cũng hát theo rành rẽ. Họ là dân ở đây, chắc vậy và họ đang hãnh diện vì có bài hát hát về địa phương mình. Ngay sau ngày 30-4-1975, nhạc của miền Nam VNCH được chính quyền mới gọi bằng cái tên chung là Nhạc Vàng bất kể thể loại nào. Thực ra nhạc vàng (chiếm đa số) là các bài hát về tình yêu đôi lứa, về quê hương hoặc về nỗi niềm riêng tư nào đó… không thôi. Mà nếu vậy, các bài hát thời bây giờ như Lá Diêu Bông, Chị Tôi, Hà Nội Mùa Vắng Những Cơn Mưa, Phượng Hồng, Tình Thôi Xót Xa… cũng là nhạc vàng và đó là lý do tại sao công chúng lại yêu thích loại nhạc này! Một khi bạn đã yêu đã thích nhạc vàng thì mỗi lần nghe nó, bạn sẽ nhớ đến quê hương nếu như bạn đang sống ở nước ngoài. Còn nếu bạn đang ở trong nước, hồi tưởng về tháng ngày hoa mộng cũ, những kỷ niệm (tùy từng người) sẽ lại về trong tâm tưởng bạn. Ngày hôm đó tôi cũng vậy, những lời hát tai đang nghe đã dẫn tôi về khung cảnh xa xưa của Tha La và tự dưng lòng tôi se sắt buồn. Tôi đã là người dân của Tha La xóm đạo.
… Tha La ơi! Xóm Đạo ơi! Còn đâu nữa chiếc áo ngày xưa đành khép kín khoác vào bộ chinh y. Lòng hờn căm một chiều xưa lửa dậy, nghe não nùng chưa? Tha La sầu quốc biến Xóm Đạo chất hận thù! … Đây Tha La đây Xóm Đạo hoang tàn Mây trời vây quanh mầu tang khói lửa, Bao năm qua Tha La còn trơ đó, đoàn người đi giết thù đã hẹn thề từ dạo ấy, Long viễn khách bồi hồi như thương tiếc mùa thu nắng hanh vàng …
Trên đường về, tôi gặp một cụ già cởi trần gầy gò đang gánh một gánh dừa đi về phía quán nước. Cụ già với hàm râu trắng như hình ảnh trong bài thơ. Không biết thời bài thơ Hận Tha La ra đời, khung cảnh khi đó có giống như hiện tại? Vài bụi tre bị chặt trụi lũi bên đường trơ gốc cây mốc trắng và tất cả những mụt măng đã bị chủ gia cắt sớm để bán. Họ cần tiền cho một nhu cầu gấp rút nên không thể chờ măng thành tre được, y như chủ nhân căn nhà mà tôi và anh Hữu vừa ghé vào mua sách cũ gia đình để lại. Tha La là vùng đất lành, mầu mỡ do nguồn nước từ kinh Vàm Trảng dẫn từ sông Vàm Cỏ về tưới mát đất đai ở đây nhưng sao dân cư trong vùng vẫn mang vẻ buồn, hiu quạnh. Tôi cảm thấy… hay Tha La tự nó là như vậy.
Như nhiều bài hát nổi tiếng khác, Tha La Xóm Đạo được phổ từ một bài thơ của một thi sĩ và cũng là một người lính chiến thời chiến tranh Việt-Pháp. Đó là bài thơ Hận Tha La và tác giả là Vũ Anh Khanh. Tới tận bây giờ vẫn ít người biết về thân thế cùng số phận của nhà thơ Vũ Anh Khanh dù có thể họ vẫn hát bài hát Tha La Xóm Đạo. Vũ Anh Khanh có tên là Võ Anh Khanh nhưng cũng có người nói ông tên thật là Nguyễn Năm, sinh năm 1926 quê quán ở Phan Thiết thuộc tỉnh Bình Thuận. Ông sống ở Sài Gòn, có thơ-văn đăng trên các trang báo từ những năm cuối thập niên 1940. Nước Việt trong giai đoạn này, bị xáo trộn bởi các ảnh hưởng chính trị, thời thế quốc tế và từ các vận động của các tổ chức-đoàn thể trong các địa phương. Giai đoạn này cũng là sự thức tỉnh tự thân của giới thanh niên-trí thức trẻ (trong đó có các văn nghệ sĩ), đưa đến cuộc đấu tranh chống Pháp năm 1945. Người ra chiến khu, vô bưng hoặc về lại thành phố trong tinh thần ái quốc chống ngoại xâm và được một làn sương lãng mạn-thi vị nhưng hào hùng phủ lên. Người yêu nước, khởi đầu gia nhập hàng ngũ kháng chiến chỉ một ý nghĩ là giặc Pháp tiếp tục muốn đặt lại ách thống trị thì phải chống chứ chẳng hề vì lý tưởng đại đồng, CS gì và Vũ Anh Khanh là một người trong số họ. Là một chiến sĩ, đi qua nhiều vùng đất nước, mắt ông đã thấy nhiều cảnh chết chóc, nhà cháy, tang thương của xóm làng sau một trận chiến. Và, không biết trong một lần nào đó, ông đã có dịp dừng chân tại Tha La rồi khung cảnh của một xóm đạo thời ly loạn… đã gây một xúc động ghê gớm nơi ông, khiến ông sáng tác ra bài thơ (chúng ta hãy nghĩ vậy).
Hận Tha La là một bài thơ dài kiểu hợp thể. Đoạn mở đầu là Ngũ Ngôn rồi chuyển sang Tám Chữ, sau đó thành Kịch Thơ (đoạn giữa) và kết thúc bằng hai câu Thất Ngôn. Một bài thơ hay, có hồi có cảnh. Tiết tấu thay đổi với khung cảnh và khung cảnh thay đổi với các nhân vật trong bài thơ.
Xin mời quý bạn đọc, đọc bài thơ Hận Tha La
HẬN THA LA
Đây Tha La xóm đạo Có trái ngọt cây lành Tôi về thăm một dạo Giữa mùa nắng vàng hanh. Ngậm ngùi Tha La bảo: – Đây rừng xanh rừng xanh Bụi đùn quanh ngõ vắng, Khói đùn quanh nóc tranh. Gió đùn quanh mây trắng, Và lửa loạn xây thành. – Viễn khách ơi! Hãy dừng chân cho hỏi, Nắng hạ vàng ngàn hoa gạo rưng rưng. Đây Tha La, một xóm đạo ven rừng, Có trái ngọt, cây lành, im bóng lá, Con đường đỏ bụi phủ mờ gót lạ. Ngày êm êm lòng viễn khách bơ vơ! Về chi đây? Khách hỡi? Có ai chờ? Ai đưa đón? – Xin thưa, tôi lạc bước! Không là duyên, không là bèo kiếp trước, Không có ai chờ, ai đón tôi đâu! Rồi quạnh hiu, khách lặng lẽ cúi đầu, Tìm hoa rụng lạc loài bên vệ cỏ, Nhìn cánh hoa bay ngẩn ngơ trong gió, Gạo rưng rưng, nghìn hoa máu rưng rưng. Nghìn cánh hoa rơi, lòng khách bỗng bâng khuâng. Tha La hỏi: – Khách buồn nơi đây vắng? Không, tôi buồn vì mây trời đây trắng! – Và khách buồn vì tiếng gió đang hờn? Khách nhẹ cười, nghe gió nổi từng cơn, Gió vi vút, gió rợn rùng, gió rít. Bỗng đâu đây vẳng véo von tiếng địch: Thôi hết rồi còn chi nữa Tha La! Bao người đi thề chẳng trở lại nhà. Nay đã chết giữa chiến trường ly loạn! Tiếng địch càng cao, não nùng ai oán, Buồn trưa trưa, lây lất buồn trưa trưa, Buồn xưa xưa, ngây ngất buồn xưa xưa, Lòng viễn khách bỗng dưng tê tái lạnh. Khách rùng mình, ngẩn ngơ lòng hiu quạnh. – Thôi hết rồi! Còn chi nữa Tha La! Đây mênh mông xóm đạo với rừng già. Nắng lổ đổ rụng trên đầu viễn khách. Khách bước nhẹ theo con đường đỏ quạch, Gặp cụ già đang ngóng gió bâng khuâng. – Kính thưa cụ, vì sao Tha La vắng? Cụ ngạo nghễ cười rung rung râu trắng, Nhẹ bảo chàng: ” Em chẳng biết gì ư? Bao năm qua khói loạn phủ mịt mù! Người nước Việt ra đi vì nước Việt. Tha La vắng vì Tha La đã biết, Thương giống nòi đau đất nước lầm than. “ Trời xa xanh, mây trắng ngoẹn ngàn hàng, Ngày hiu quạnh. Ờ.. ơ.. hơ tiếng hát. Buồn như gió lướt lạnh dài đôi khúc nhạc. Tiếng hát rằng: Tha La giận mùa thu, Tha La hận quốc thù, Tha La hờn quốc biến, Tha La buồn tiếng kiếm, Não nùng chưa! Tha La nguyện hy sinh. Ơ.. ơ.. hơ.. có một đám chiên lành. Quỳ cạnh Chúa một chiều xưa lửa dậy. Quỳ cạnh Chúa, đám chiên lành run rẩy: Lạy Đức Thánh Cha! Lạy Đức Thánh Mẹ! Lạy Đức Thánh Thần! Chúng con xin về cõi tục để làm dân… Rồi… cởi trả áo tu. Rồi… xếp kinh cầu nguyện. Rồi… nhẹ bước trở về trần… Viễn khách ơi! Viễn khách ơi! Người hãy dừng chân. Nghe Tha La kể, nhưng mà thôi khách nhé! Đất đã chuyển rung lòng bao thế hệ. Trời Tha La vần vũ đám mây tan. Vui gì đâu mà tâm sự? Buồn làm chi mà bẽ bàng? Ơ… ơ… hơ… ờ… ơ… hơ… tiếng hát Rung lành lạnh ngâm trầm đôi khúc nhạc. Buồn tênh tênh, não lòng lắm khách ơi! Tha La thương người viễn khách đi thôi! Khách ngoảnh mặt nghẹn ngào trông nắng đổ, Nghe gió thổi như trùng dương sóng vỗ Lá rừng cao, vàng rụng lá rừng bay… Giờ khách đi. Tha La nhắn câu này: – Khi hết giặc, khách hãy về thăm nhé! Hãy về thăm xóm đạo Có trái ngọt cây lành. Tha La dâng ngàn hoa gạo, Và suối mát rừng xanh. Xem đám chiên lành thương áo trắng. Nghe mùa đổi gió nhớ quanh quanh.
Trong giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1950, Vũ Anh Khanh là một cây bút chuyên viết truyện ngắn và tiểu thuyết. Tác phẩm của ông gồm truyện dài như Nửa Bồ Xương Khô, Bạc Xíu Lìn, Cây Ná Trắc và truyện ngắn như Ngũ Tử Tư, Đầm Ô Rô, Sông Máu, Bên Kia Sông, Một Đêm Trăng… Các tác phẩm của Vũ Anh Khanh rất có giá trị, tiêu biểu cho dòng văn chương thời kỳ kháng chiến chống Thực dân Pháp ở Nam Bộ. Tuy vậy, hầu như nhiều người chỉ biết chỉ nhớ đến Vũ Anh Khanh với bài thơ Hận Tha La.
13427935_850419908397880_7970536679815729006_n
Năm 1954, Hiệp Định Geneva về ngưng chiến được thực hiện, chia cắt nước Việt làm hai, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới. Người dân miền Bắc (khoảng gần 1 triệu người) ồ ạt di cư vô miền Nam thì đổi lại cán bộ-chiến sĩ thuộc phe Cộng Sản ở trong miền Nam được chuyển ra miền Bắc (gọi tên chung là tập kết). Có 3 khu vực tập kết là Hàm Tân-Xuyên Mộc, Đồng Tháp Mười, Cà Mau và không biết Vũ Anh Khanh tập kết tại địa điểm nào kể trên. Ông ra Bắc rồi đi dự Hội Nghị Các Nhà Văn Á Châu (HNCNVAC) tại New Dehli (Tân Đề Li) thuộc nước Ấn Độ trong tháng 12 năm 1956. Tham dự hội nghị là phái đoàn của 16 quốc gia gồm 14 quốc gia Cộng Sản và chỉ 2 quốc gia Tự Do là Ấn Độ và miền Nam Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Vũ Anh Khanh có mặt trong phái đoàn miền Bắc Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa chung với nhà văn Nguyễn Công Hoan (tác giả Bước Đường Cùng, Đống Rác Cũ…). Lý do Vũ Anh Khanh được nhà cầm quyền miền Bắc khi đó cử đi dự đại hội HNCNVAC là vì công an không thấy ông trong cuộc tụ tập ở khu Trường Tiền-Hà Nội để phản đối sự chỉ huy văn nghệ của Đảng (nhân có phong trào Trăm Hoa Đua Nở-Trăm Nhà Đua Tiếng). Cuộc tụ tập đó do nhóm dân tập kết miền Nam phản đối các lãnh đạo CS Hà Nội. Sau khi dự đại hội HNCNVAC về, có lẽ đã thấy bộ mặt thật của chế độ Cộng Sản tại miền Bắc nên khi Vũ Anh Khanh có giấy đi công tác (cách vài tháng sau) ở tỉnh lỵ Vĩnh Yên (phía Bắc Hà Nội) và hình như thi sĩ đã sửa giấy công tác đó từ Vĩnh Yên thành Vĩnh Linh (một đặc khu tương đương cấp tỉnh), địa danh gần sông Bến Hải. Vũ Anh Khanh đến Vĩnh Linh và ông đã mạo hiểm vượt tuyến bằng cách bơi qua sông Bến Hải nhưng không thoát. Một mũi tên độc đã cắm vào người ông, lôi ông chìm xuống đáy và chết mất xác.
342aedf1c0d44c4b8b7f2e1602ae6da2 Sông Bến Hải (giới tuyến chia cắt hai miền Nam-Bắc) thuộc thôn Hiền Lương (cầu trên sông mang cùng tên) xã Vĩnh Thành huyện Vĩnh Linh của tỉnh Quảng Trị. Giai đoạn Vũ Anh Khanh đến Vĩnh Linh thì ở phía bờ Bắc (do chính quyền miền Bắc VNDCCH kiểm soát) có 2 đồn công an đóng tại Hiền Lương và Cửa Tùng. Đồn Hiền Lương nằm sát bên cầu, đồn Cửa Tùng đóng ở bãi biển xã Vĩnh Quang. Đồn nào (theo quy định của bản Hiệp Định Geneva) chỉ có 16 nhân viên nhưng con số thực tế nhiều hơn. Vả lại, vì là giới tuyến trực diện với vùng đất phía Nam của chính quyền miền Nam VNCH nên dân chúng sinh sống sát bờ sông Bến Hải thực tế là các gia đình công an giả trang. Vũ Anh Khanh đến đây nhằm tìm dịp để vượt tuyến đào thoát vào miền Nam VNCH nhưng ông không ngờ trước đó (ngày 4 tháng 10 năm 1956), đã có 3 người dân miền Bắc liều mạng bơi qua sông và họ thành công. Chính quyền miền Nam VNCH đã không giữ kín việc này khi họ tổ chức họp báo để thông tin và miền Bắc VNDCCH biết được. Công an CS tại Vĩnh Linh đã họp và quyết không để trường hợp tương tự tái diễn. Họ đã kín đáo canh phòng nghiêm nhặt dù bên ngoài vẫn để các sinh hoạt dân dã bình thường và Vũ Anh Khanh đã mắc bẫy. Có lẽ vào ban ngày ông đã tìm cách bơi sang sông (chỉ rộng hơn 100 m) rồi bị công an phát giác và các mũi tên độc (được bắn ra từ nỏ lớn) của công an đã kết liễu đời ông. Việc dùng tên tẩm thuốc độc (thay cho súng) là cách mà công an CS muốn tránh bị Ban Liên Hợp Quốc Tế Giám Sát-Kiểm Soát việc áp dụng Hiệp Định (có mặt tại đây) phát giác việc họ truy sát dân lành vượt tuyến (Có tiếng súng nổ thì họ sẽ cho điều tra). Cái chết của Vũ Anh Khanh, có thể do công an CS đã thông báo cho dân chúng biết như một răn đe nên kể từ sau đó (tháng 4 năm 1957), không còn người vượt tuyến vào miền Nam bằng cách bơi sang sông Bến Hải nữa.
13510800_850420101731194_5257537987095032620_n
162fc43e3b704146936030a694436c7e
Là một người yêu nước tuy có lúc sai lầm khi đứng bên phía Cộng Sản, sau cùng Vũ Anh Khanh đã đào tị nhưng không gặp may. Chính quyền Cộng Sản đã cố tình gạt bỏ tên ông trong văn học sử mà ngay cả chính quyền miền Nam VNCH cũng đối xử tương tự với ông khi gạt bỏ tên trong chương trình giáo dục phổ thông cùng cấm lưu hành các sách in của ông. Họ xếp Vũ Anh Khanh là văn-thi sĩ Cộng Sản (do đã tập kết ra miền Bắc VNDCCH năm 1954 và dự đại hội HNCNVAC tháng 12 năm 1956) và đó là một đối xử bất công, ít nhất đối với cá nhân ông, một văn-thi sĩ nước Việt (xếp theo thứ bậc có thể ông còn trên cả các văn-thi sĩ Lý Văn Sâm, Hồ Hữu Tường, Phi Vân, Dương Tử Giang, Thẩm Thệ Hà, Sơn Khanh…).
Tha_La_xom_dao_(Dzung_Chinh_-_Vu_Anh_Khanh)_outside  

Bài thơ Hận Tha La được các nhạc sĩ Dzũng Chinh phổ thành bài hát (năm 1964) mang tên Tha La Xóm Đạo, nhạc sĩ Sơn Thảo’S phổ thành bài hát (năm 1965) mang tên Hận Tha La và nhạc sĩ Anh Tuyền phổ thành bài hát (năm 1965) mang tên Vĩnh Biệt Tha La.

Câu chuyện có thật trong bài hát “Từ Đó Em Buồn” của Trần Thiện Thanh



Từ Đó Em Buồn là bài nhạc vàng nổi tiếng của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, được biết đến qua tiếng hát Thanh Lan trước năm 1975. Tuy nhiên hoàn cảnh sáng tác bài hát này là câu chuyện có thực ít người biết và có những điều thú vị đằng sau đó.

Trước 1975, có 2 ca sĩ hát bài Từ Đó Em Buồn là Thanh Lan và Phương Dung. Riêng Thanh Lan có đến ba bản thu âm khác nhau, với phần lời được hát khác nhau ở 1 câu mà ít người để ý tới.
Về hoàn cảnh sáng tác bài này, sinh thời nhạc sĩ Trần Thiện Thanh có kể lại như sau: Hồi xưa, ông học Trung học ở Phan Thiết. Ông có cô bạn cùng lớp. Cô này có bà chị rất xinh đẹp. Giai nhân thành phố biển có người yêu tập kết ra Bắc vào năm 1954. Chàng hứa hẹn hai năm sau sẽ về cưới nàng làm vợ. Nàng chờ đợi người tình suốt 10 năm, nhưng bóng hình người yêu vẫn biệt vô âm tín. Một hôm, nàng nhận được tin khủng khiếp, anh ta đã bỏ mình trong rừng sâu núi thẳm. Tin tức như sét đánh bên tai, nàng đau khổ vô cùng. Bao năm qua, người đẹp thương yêu, nhung nhớ, đợi chờ người tình hồi hương. Trong phút chốc, hy vọng, mong đợi mòn mỏi của má hồng đã trở thành mây khói…
Khi kể xong câu chuyện, Trần Thiện Thanh cảm thán: Liệu tình yêu trai gái kia, liệu nỗi buồn của người đẹp, liệu sự chờ đợi của giai nhân với anh chàng tập kết kia, có đặt đúng chỗ hay không?
Xưa nay ai cũng nghe câu nói quen thuộc là “tình yêu là mù quáng”. Có những thứ thuộc về phạm trù tình yêu không thể giải nghĩa một cách rõ ràng. Có lẽ là một khi con tim đã rung động thì người trong cuộc khó mà tỉnh táo để suy nghĩ được xem là có đặt đúng chỗ hay không được.
Theo câu chuyện kể của tác giả Trần Thiện Thanh, người trai trong bài hát là một người đi tập kết. Trong lời bài hát có một câu mà Trần Thiện Thanh viết thành 2 lời khác nhau, với hai nghĩa khác nhau hoàn toàn (xem hình bên dưới):



 

Lời 1: “tin anh gục c.h.ế.t giữa chốn nông trường xa, cho tơ duyên bẽ bàng”.
“Nông trường” là từ ngữ đặc trưng của vùng miền Bắc trước 75 chứ hoàn toàn không có ở miền Nam trước 75. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và kiểm soát hoàn toàn miền Bắc từ tay Pháp, chính phủ VNDCCH đã tổ chức hệ thống các nông trường để khai thác các vùng đất hoang vào mục đích nông nghiệp. Vì vậy Trần Thiện Thanh viết: tin anh gục c.h.ế.t giữa nông trường xa, nghĩa là người trai đã gục ngã trên xứ người.
Lời 2: tin anh gục c.h.ế.t giữa lúc băng dòng sông vô đây xây ân tình.
Với lời nhạc này, ai cũng hiểu là anh đã băng dòng sông Bến Hải để xây lại ân tình, tương tự một câu hát của nhạc sĩ Xuân Tiên trong bài hát “Khúc Hát Ân Tình”: Người từ là từ phương Bắc đã qua dòng sông, sông dài tìm đến phương này một nhà thân ái.




 Phương Dung - Khúc Hát Ân Tình 

Như vậy, ý nghĩa của hai câu hát này, theo tác giả, là người trai trong bài hát đã từ giã người yêu ở miền Nam để tập kết ra Bắc, nhưng có thể sau đó anh thấy mình có chọn lựa sai lầm nên đã trốn quay lại phương nam bằng cách vượt sông Bến Hải, về “xây lại ân tình”, nhưng rồi anh đã ngã xuống ở nơi đó.
Trường hợp này trùng khớp với cuộc đời của nhà thơ Vũ Anh Khanh (tác giả của bài thơ Tha La Xóm Đạo

Hoàng Oanh | Tha La Xóm Đạo | Dzũng Chinh 

đã được nhạc sĩ Dzũng Chinh phổ nhạc thành bài hát nổi tiếng). Vũ Anh Khanh quê ở Phan Thiết (cùng quê với Trần Thiện Thanh), tham gia kháng chiến chống Pháp, rồi tập kết ra Bắc. Tuy nhiên sau đó ông nhanh chóng đổi ý, nên quay trở lại băng qua dòng Bến Hải để rồi bỏ mạng oan uổng nơi đó.
Từ những dữ kiện chắp nối này, người viết suy đoán, rất có thể người trai trong bài hát này chính là nhà thơ sáng tác nên Tha La Xóm Đạo là Vũ Anh Khanh, với sự trùng lắp dữ kiện một cách đáng ngạc nhiên như sau:

  • Vũ Anh Khanh và người con gái trong bài hát đều là người ở Phan Thiết
  • Vũ Anh Khanh tập kết ra Bắc năm 1954
  • Theo lời bài hát, người trai hứa là: “đếm tròn hai mùa Xuân sẽ về nối lời thề…” Theo tiểu sử của nhà thơ Vũ Anh Khanh, thì cũng đúng 2 năm sau khi ra đi, đến năm 1956, ông đã tìm cách quay lại miền Nam nhưng thất bại.
  • Mười năm sau đó (Đông qua hè tới thấm thoát đã mười thu không tin thư đưa về...), người con gái ở quê nhà Phan Thiết mới nhận được tin người yêu đã không còn nữa. Hoàn cảnh đất nước lúc đó là hai nơi, có khi mười năm hoặc thậm chí cả đời cũng không nhận được tin về nhau. Có nhiều người con gái thời đó, cả ở Nam lẫn Bắc, mỏi mòn xuân xanh để chờ tin người yêu, hoặc tin chồng để rồi mãi mãi không thể gặp lại.
Việc cho rằng người con trai trong bài Từ Đó Em Buồn là Vũ Anh Khanh chỉ là sự võ đoán của người viết, hoàn toàn có thể không phải. Tuy nhiên NẾU người trai trong bài hát không phải là Vũ Anh Khanh, thì chắc chắn là Trần Thiện Thanh cũng đã lấy cảm hứng thêm câu chuyện về cuộc đời Vũ Anh Khanh để đưa vào bài hát. Vì hai người là đồng hương, có quen biết nhau, nên có thể Trần Thiện Thanh đã lồng câu chuyện về người giai nhân đất Phan cùng câu chuyện đời bi kịch của Vũ Anh Khanh để viết thành một ca khúc bất hủ.
Nói trở lại về các bản thu âm trước 1975 của Thanh Lan hát bài Từ Đó Em Buồn, trong 3 bản thu âm, chỉ có 1 bản (thu trong băng nhạc “Thanh Thúy đặc biệt”) là ca sĩ Thanh Lan hát lời 1:



Từ biệt nhau đi giữa mùa trăng xẻ đôi, lúc tình mới thành lời
Trông nhau lần cuối, nước mắt tuôn mặn môi, nước mắt chia đôi đời
Bóng anh khuất sau đồi, lúc mây tím giăng trời
Lúc giông tố tơi bời, lúc đường đời ngăn đôi
Tình mình chia phôi nhưng tình đầu làm sao với
Nên từ đó em buồn
Tạ từ anh hứa đếm tròn hai mùa Xuân sẽ về nối lời thề
Xuân qua hè tới, thấm thoát đã mười thu không tin thư đưa về
Nhớ anh, nhớ vô vàn, nhớ anh nhớ muôn ngàn
Nhớ anh đã bao lần mắt nhòe lệ đêm mơ
Lệ nhòa đêm mơ, trông đợi người về lau khô
Nên từ đó em buồn
Từ đó đâu còn nữa, đêm hẹn xưa tha thiết gọi tên nhau
Từ đó đâu còn nữa, trăng ngày xưa lưu luyến soi đôi đầu
Gương xưa còn đó nhưng bóng người nào thấy đâu
Áo xưa còn đó nhưng mùi hương phai nhạt rồi
Từ đó, nghe trong lòng, nghe trong lòng mưa gió từng đêm
Vào một đêm sương có người trai hồi hương, báo một tin thật buồn
Tin anh gục c.h.ết giữa chốn nông trường xa cho tơ duyên bẽ bàng
Phút giây cuối trong đời, vẫn không nói nên lời
Vẫn xa cách phương trời, uất hờn nghẹn tim côi
Trọn đời ngăn đôi để một người sầu lên môi
Nên từ đó em buồn


 



 



 



Đông Kha

1 comment:

  1. Năm 1954, Hiệp Định Geneva về ngưng chiến được thực hiện, chia cắt nước Việt làm hai, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới. Người dân miền Bắc (khoảng gần 1 triệu người) ồ ạt di cư vô miền Nam thì đổi lại cán bộ-chiến sĩ thuộc phe Cộng Sản ở trong miền Nam được chuyển ra miền Bắc (gọi tên chung là tập kết). Có 3 khu vực tập kết là Hàm Tân-Xuyên Mộc, Đồng Tháp Mười, Cà Mau và không biết Vũ Anh Khanh tập kết tại địa điểm nào kể trên. Ông ra Bắc rồi đi dự Hội Nghị Các Nhà Văn Á Châu (HNCNVAC) tại New Dehli (Tân Đề Li) thuộc nước Ấn Độ trong tháng 12 năm 1956. Tham dự hội nghị là phái đoàn của 16 quốc gia gồm 14 quốc gia Cộng Sản và chỉ 2 quốc gia Tự Do là Ấn Độ và miền Nam Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Vũ Anh Khanh có mặt trong phái đoàn miền Bắc Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa chung với nhà văn Nguyễn Công Hoan (tác giả Bước Đường Cùng, Đống Rác Cũ…). Lý do Vũ Anh Khanh được nhà cầm quyền miền Bắc khi đó cử đi dự đại hội HNCNVAC là vì công an không thấy ông trong cuộc tụ tập ở khu Trường Tiền-Hà Nội để phản đối sự chỉ huy văn nghệ của Đảng (nhân có phong trào Trăm Hoa Đua Nở-Trăm Nhà Đua Tiếng). Cuộc tụ tập đó do nhóm dân tập kết miền Nam phản đối các lãnh đạo CS Hà Nội. Sau khi dự đại hội HNCNVAC về, có lẽ đã thấy bộ mặt thật của chế độ Cộng Sản tại miền Bắc nên khi Vũ Anh Khanh có giấy đi công tác (cách vài tháng sau) ở tỉnh lỵ Vĩnh Yên (phía Bắc Hà Nội) và hình như thi sĩ đã sửa giấy công tác đó từ Vĩnh Yên thành Vĩnh Linh (một đặc khu tương đương cấp tỉnh), địa danh gần sông Bến Hải. Vũ Anh Khanh đến Vĩnh Linh và ông đã mạo hiểm vượt tuyến bằng cách bơi qua sông Bến Hải nhưng không thoát. Một mũi tên độc đã cắm vào người ông, lôi ông chìm xuống đáy và chết mất xác.

    ReplyDelete