Cuối tuần ra đường bỗng thấy
cái gì ngộ ngộ. Ngã 3 ngã 4 nào cũng mấy chú công an trẻ măng, áo quần mủ giáp
chểm chọe, hàng rào kẻm gai, súng ống đồ chơi đầy đủ. Ngang siêu thị Coop –
Mart, ngang trường học..., nghe lồng lộng tiếng loa nhắn nhủ lẫn hù dọa người
dân chớ dại dột nghe lời xúi giục ai đó tụ họp đông người. Té ra Sài Gòn đang sống
lại không khí chập chờn mưa nắng những ngày “biểu tình”.
Nói chi Sài Gòn và nhiều xứ lớn,
xứ biển quê tui cũng tham gia phá lưới phút bù giờ. Nghe nói Phan Thiết người
biểu tình phá hàng rào tòa Tỉnh, Phan Rí đốt xe cảnh sát, toàn vào ban đêm và
hiệp một toàn thắng. Tên Phan Thiết Phan Rí còn giải thích mức độ nào đó từ nguồn
gốc tiếng Chăm, nhưng tên Bình Thuận thì đến nay, thú thật tôi vẫn chưa nghĩ ra
tại sao vua Gia Long chọn đặt tên này. Chỉ biết, mỗi khi nghĩ về nơi chôn nhau
cắt rún, hay đôi khi phải giới thiệu với người khác về quê quán của mình, tôi
thật bình yên dễ chịu. Bình Thuận cũng miền Trung nhưng không “ăn rau má phá đường
tàu”, không ưa cải, ưa lo, ưa co, ưa ních. Bình Thuận gần miền Đông nhưng cũng
chưa nghe miệng người bản địa nói những từ
kiêu hãnh anh dũng anh hùng chiến thắng. Theo bước Nam tiến lịch sử, người
miền Bắc miền Trung tụ họp về vùng đất duyên hải Bình Thuận, đất lành chim đậu.
Dân biển thường thật thà nhưng cộc tính, nói lớn nhưng hiền lành (tâm Phật khẩu
xà), ít học nhưng lanh lẹ mau hiểu. Biển giả chứ không thật, cá tôm năm được
năm mất, lại lênh đênh trên sóng biển, sống nay chết mai, nên đàn ông ưa nhậu
nhẹt, đàn bà ham cờ bạc, con nít được dịp ham chơi. Nghề biển thường phải hành
nghề tập thể nhiều người, cả đánh bắt thu nua chế biến cũng thành hình các quan
hệ gắn kết theo “dây chuyền công nghiệp” chặt chẽ, từ đó hình thành thói quen,
tính cách, lối sống và cả văn hóa “ba đờ...” người dân biển Bình Thuận. Đen
đúa, nghêu ngao đất trời, không sợ đứa nào thằng nào con nào, nhưng người dân
vùng biển ít ham làm “chính trị chính em”. Sau 75, dân núi dân ruộng về làm
chính quyền là chính.
Vậy mà lại nghe quê mình “đồng
khởi”, trên mạng tung cả hình cảnh sát bị đánh chảy máu, ngờ ngợ sao ấy. Lại có
chuyện có người cho mấy trăm nghìn bạc để đi biểu tính ném bom xăng đốt xe cảnh
sát, phản đối khu đặc khu lỏng gì đó, giống y màn kịch sinh viên Sài Gòn đốt xe
Mỹ trước giải phóng. Hì hì, muốn tin cũng tin không nỗi. Dù rằng, thông tin đám
mây cho biết công an cảnh sát quân đội khắp nơi ào ào về nơi gió cát. Chắc rảnh
rổi chơi nhau hay diễn tập gì đó, phe ta
chống phe mình cho có chuyện làm, rung cây nhát khỉ giương đông kích tây gì đó, đở buồn. Chỉ hơi
hơi tức, một con nhà đài và một thằng nhà báo, dám lộng ngôn nói xấu dân Phan
Rí cửa toàn ngồi chơi chờ nhận tiền hàng người thân nước ngoài gửi về, toàn
giang hồ xì ke trộm cướp.
Hơi khác Bình Thuận, Sài Gòn
biểu tình ban ngày và không phá phách, bị CA đánh chứ không dám rượt CA. Mà sao
cứ lựa toàn weekend, bọn trẻ hẹn hò trên mạng, đeo khẩu trang như người nhện,
chạy xe gắn máy lòng vòng đánh du kích y chang thời trước. Cũng có chiêu hồi, 2
mang, khổ nhục kế..., nhưng hiện đại hơn cho phù hợp thời đại @ và thực tế vai
diễn cũng đã thay đổi 180 độ sau gần 50 năm. Giang hồ trộm cướp mới ra tù cũng
lên mạng chít chát xúi dân biểu tình, mấy đứa oắc con giả CA (?) xúi biểu tình,
việt kiều Mỹ cũng lơ ngơ theo đoàn biểu tình… Thật giả, giả thật, không biết đường
nào mà lường. Thật ra CA nào cũng là CA, giang hồ nào cũng là giang hồ. Ở VN, tốt
nhất là làm những gì luật cho phép hay luồn lách những gì luật cấm. Luật biểu
tình chưa có, đừng dại dột biểu tình cho mệt. Luật tham nhũng có, hãy tính chuyện…
tham nhũng, vô tư.
Sài Gòn mùa worldcup, buồn.
Dân ham bóng đá hồi hộp, thế giới mua bản quyền hết rồi, cả Lào Kampuchia, còn
đài truyền hình quốc doanh VN vẫn chưa chịu mua, linh cảm sợ ”bán” lỗ. Phút 89,
nhờ đại gia Vingroup tài trợ 5 triệu đô, hú hồn. Mà đúng thiệt, sau màn dọa khỉ,
tung tin FIFA không cho các quán cà phê cóc xem đá bóng trên TV mà không có bản
quyền, đến màn CA chìm nỗi tư tung tự tác lục soát bắt bớ người thật ngồi uống
trong các quán cà phê. Mọi lần worldcup trước, các nơi vui chơi giải trí, cả câu
lạc bộ thành đoàn thanh niên CS… đều lắp tivi màn hình to đùng, tha hồ la hét
cá độ lon thùng. Nay im thin thít, vắng như chùa bà Đanh, chác lại sợ bọn nhỏ
meeting thời @ theo các scannaro chưa kịp định hướng.
Sau cơn mưa trời lại sáng. Nhớ
lại, sau 75 với màn kịch phục quốc, năm 2014 với màn kịch công nhân Bình Dương
chống TQ đập phá nhà máy, và nay 2018 với cảnh người dân Bình Thuận biểu tình đốt
xe phá phách các tòa nhà công quyền. Cũng cái kết bắt bớ tù đày quy chụp lung
tung và thật ra cũng không ai biết đâu là sự thật. Nếu biết cũng chỉ là phần
chìm của tảng băng, phần nỗi vẫn do bọn đầu cơ chính trị tham vọng cá nhân thao
túng dàn cảnh bày trò.
Chỉ tội nghiệp cho người dân
biển quê tôi, mãi chịu cảnh co ro trong mùa biển động.
Phạm Sanh, 72PBC
No comments:
Post a Comment