Sunday, December 10, 2017

Những “cặp đôi”…Phạm Sanh PBC72



Người ta thường nói Vu Lan là các đợt tương phùng hợp tan tan hợp, nhưng sao tôi lại thấy phải là rằm tháng 10. Năm nào cũng vậy. Năm nay, tin Anh Hưng mất, tin Đào Hoa và Lộc về, rồi tin Thày Tuấn ra đi. Vẫn biết, mọi con sông có yên lặng hay thác ghềnh rồi cũng phải chảy về biển…
Đi học, ai cũng quý trọng Thày Cô. Tiểu học, mỗi lớp một Thày Cô, sợ là chính. Lên Trung học, mỗi môn học một Người, kính phục nhiều hơn. Vào được Đại học, mỗi môn hai ba Thày, con trai ráng thi đậu trốn lính con gái ráng ra trường cho mau để còn lấy chồng. Cho nên, hình ảnh Thày Cô để lại nhiều trong đầu, chính là Thày Cô thời Nhất cấp Nhị cấp. Tuổi lúc này cũng hơi chớm nở, người lớn gọi là tuổi hoa tuổi ngọc gì đó, nghịch ngợm phá phách, để ý nghe ngóng, săm soi thủ thỉ nhiều chuyện…
Ngày khai trường đệ thất PBC, bọn con gái áo dài mới tinh, đám con trai hết còn quần sọt (short), là đã háo hức “dòm ngó” Thày Cô rồi. Cảm xúc ban đầu, Cô nào cũng đẹp như Mẹ, Thày nào cũng trầm lặng như Ba. Thấy Ai cũng hiền, trừ mấy Ông Giám thị già và Thày Hiệu trưởng, oai và nghiêm hơn. Vào lớp học ra sân chơi…, năm này qua năm khác, lớp này qua lớp khác, Bạn cũ có đứa ra đi, Bạn mới không rủ cũng về. Nhưng tình cảm với Thày Cô mỗi ngày mỗi vun đắp, êm ái sâu lắng nhẹ nhàng. Hình ảnh phong cách từng Thày Cô đã len lén nhét thêm vào hành trang vào đời từng người lúc nào không hay biết.
Thuở nhỏ thích nhạc Phạm Duy, …Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời… Mẹ hiền ru những câu xa vời… Cô Quán dạy lớp tôi môn Việt văn, giọng Bắc thánh thót phát âm hỏi ngã chuẩn 100% không như người xứ nẩu, dáng người ốm cao, cả cái cổ và gò má cũng cao cao. Nhớ Cô rõ nhất ở khuôn mặt trang điểm phấn trắng với chiếc áo dài đường may thật khéo ôm sát người. Sau những buổi học Cô Quán, về nhà tôi đều len lén nhìn Mẹ, so sánh thắc mắc tưởng tượng thời con nít. Cô Quán dạy bọn tôi học những truyện mới của nhóm Tự Lực văn đoàn, Nhất Linh-Khái Hưng-Hoàng Đạo-Thạch Lam-Thế Lữ, cả Vũ Trọng Phụng…, những bài Anh phải sống với thằng Bò cái Nhớn cái Bé, Chị Doãn với hình ảnh một người đàn bà có cái nhan sắc của một người đàn ông không đẹp giai… Cô dạy cho lớp chia nhóm thuyết trình, thế là phải tìm đọc cho kỹ mấy tác phẩm Hồn bướm mơ tiên, Nửa chừng xuận, Thừa tự, Đoạn tuyệt, Lạnh lùng, Đôi bạn, Gió đầu mùa, Nhớ rừng… Trong lớp P3 có Võ văn Lợi, thuyết trình thuộc bài vanh vách, chăm chút từng nét chữ trên giấy ruky, so tài cùng BT Ngọc, cả lớp phục sát đất. Nhân tính, nhân cách, nhân văn, nhân bản cũng hình thành dần từ những bài văn nghị luận đầu đời như thế này. Sau này lên nhị cấp, nhờ Thày Hiền tăng thêm mấy thành công lực, thuộc làu mấy bài thơ mới bất cần đời của Tú Xương, hay mấy đoạn thơ say xỉn của Vũ Hoàng Chương … Em ơi lửa tắt bình khô rượu Đời vắng em rồi say với ai…, nhớ lại vui thật. May mà bọn mình không phải học những áng thơ văn cách mạng, kiểu như trăng treo đầu súng, trăng Trung Hoa tròn hơn trăng nước Mỹ, Chí phèo, vợ chồng A Phủ… Thật tình, mấy chục năm, giờ vẫn chưa biết Cô Quán và nhiều Cô khác ở đâu. Mong Cô mạnh khỏe bình yên hạnh phúc tuổi xế chiều.
Hai Cô tiếp theo tôi muốn nhắc, dạy Công dân và Sử Địa. Cô Hương dạy môn Sử Địa, học để thương đất nước lớn dần thành hình chữ S. Người Cô Hương thấp, nước da hơi đen, giọng lãnh lót, mấy ông nội ngồi bàn cuối  trêu là Cô giận lên giọng lí nhí mặt đỏ bừng. Nhờ Cô Hương, tụi này mới khá hơn so với tụi trẻ thời nay, chúng dám cho rằng Lê Lợi là chú của Lê Duẩn hay là bác của Lê Nin gì đó. Cô Bạch Thu Hà dạy môn Công dân Giáo dục, môn học dạy làm người trong xã hội để có trách nhiệm với Cộng đồng với Tổ quốc, Cô nhỏ nhắn xinh xắn nhưng rất nghiêm. Con trai tóc dài ăn nói ngọng nghiu, cả con gái muốn làm người lớn ham cười giởn, là “chết” với Cô. Bà Bác sỹ Lộc mà lỵ. Vậy mà Cô lại thích lão Mão nghịch ngợm nhất nhì lớp, cứ nhờ hát đi hát lại mấy câu vọng cổ ,…Thu Hà ơi, ta còn chi mà mòn mỏi đợi chờ… Mão đi lính và đã chết, giống y chang hình ảnh một Võ Đông Sơ thời ly loạn. Sau này dạy Công dân Sử Địa toàn là Thày, như Thày Thạnh (ở PT, đã mất), Thày Dũng (đang buôn bán ở Vũng Tàu).
Cô giáo mà lại dạy Toán, đó là cô Tuyết. Cô cao, trắng như tuyết, nụ cười đẹp, nói nhỏ nhẹ dễ nghe (nhờ tiếng nói cùng dân Phan Thiết), chỉ đi hơi chậm. Lớp toàn con trai, thích toán nên rất mến Cô. Có lần, nghe Cô bệnh nghỉ dạy, cả lớp hoảng hồn kéo nhau đến nhà thăm, thấy Cô khỏe ru cười tươi. Còn nhỏ, có biết ốm nghén là gì, cứ sợ Cô lâm bệnh nặng không dạy mình nữa. Chồng Cô Tuyết là Thày Bình, nghiêm hơn thấp hơn “chậm chạp” hơn Cô. Có thằng nói bậy, chắc Thày tán giỏi. Nhờ Thày Bình, bọn này mới biết gia đình ông Vincent ở Montréal, bạn Nam nhỏ con nhất lớp được thêm cái tên J’en ai deux ngộ nghĩnh… Thày Bình Cô Tuyết là cặp đôi Thày Cô đầu tiên tôi gặp. Về nhà nghĩ thầm, ước ao lớn lên ráng làm thày giáo và phải kiếm cho được một cô giáo dạy chung trường, để bọn học trò nó nể.
Cặp đôi thứ hai mà tôi bái phục là Cô Lệ và Thày Tùng. Cô dạy Vạn vật từ khi mới bước chân vào PBC và mãi lên lớp 12 mới được Thày Tùng dạy Triết. Cô Lệ từ tốn hiền hậu, bản tính người miền Tây có khác. Còn Thày Tùng thì… giống y chang bọn mình, tính tình người Phan Thiết (khỏi cần diển tả). Biết Thày Tùng từ những năm tiểu học ở nhà Ngoại, cứ nghĩ hè, mấy Cậu ở Sài Gòn về rủ Bạn đến chơi, đánh bài đàn địch dancing gì đó, sai mình canh cửa rồi chạy mua này mua nọ mệt gần chết. Đám bạn có Văn Sỹ rất khoái môn Thày Tùng dạy, mấy Ông  Aristotle Descartes Kant có cả Phạm Công Thiện hôm nào cũng nhậu với Sỹ tới khuya. Tôi thì chỉ thương Thày nhiều lúc Thày tận tụy dạy tụi này môn Triết để qua được kỳ thi tú tài, còn trước đó thấy Thày Hiệu trưởng khó chịu sao ấy, nhớ năm đệ tam, bắt cha mẹ từng đứa phải lên trường viết cam đoan vì cả lớp dám cả gan hát quốc ca sửa lời. Cũng không giận nhiều, nghe đàn anh đàn chị 71 nói lại, Thày còn định mời cả Phụ huynh em ruột Thày lên “nói chuyện”. Mến Cô phải đành thương Thày.
Cặp vợ chồng Thày Cô mà tôi thấy đẹp đôi đẹp đủ thứ, mãi lên đệ tam mới gặp. Thày Tuấn dạy Anh văn và Cô Đào dạy Pháp văn. Thày ốm cao, đẹp trai, giọng sang sảng, không nói nhiều như Thày Dũng, Thày Hiền…. Cô thấp hơn một chút, hiền từ nhỏ nhẹ. Lúc nhỏ nghĩ mênh man, con của Thày Cô sau này  chắc là giỏi sinh ngữ lắm, nhưng không biết học Pháp hay Anh. Như mấy anh em nhà tôi thì quá dễ, Ba Mẹ quyết cái rột, chỉ có Pháp và Pháp mà thôi, không Anh Mỹ nào cả. Nếu biểu quyết, thương ai hơn, chắc là cả lớp chọn Cô, trong đó có tôi. Dễ hiểu, lớp toàn đực rựa, xem các Cô như Mẹ ruột của mình. Rời PBC, học tiếp, ra đời, nước ngoài nước trong, giao tiếp không sợ thằng Tàu con Tây nào, nghĩ mang ơn nhiều các Thày Cô dạy sinh ngữ như Thày Kỳ, Thày Châu, Cô Đào Thày Tuấn. Các Thày mất, không làm sao viếng được, buồn bực lẫn lộn, ngẩm nghĩ cả đời chẳng làm được cái gì như các Thày đã dạy …Vouloir, c’est pouvoir. Mong Thày về  bên Chúa yên bình, phù hộ Cô và  gia đình qua cơn thử thách.
Còn nhiều gia đình Thày Cô nữa xứng đôi vừa lứa dưới mái trường Phan Bội Châu Phan Thiết như Thày Vũ Cô Tâm, Thày Nghệ Cô Thoa…, để lại các hình ảnh thật đẹp và làm gương cho mấy chục cặp đôi học trò cùng lớp, cùng khóa, cùng trường. Tôi không nằm trong số những cặp đôi may mắn đó, nhưng ủng hộ hết mình. Thời gian không thể nào quay trở lại để làm lại phép thử cuộc đời.
Mới đây, nói theo giọng văn chương, đã gần nửa thế kỹ. Bạn bè ai cũng già và cũng yếu, đứa đi đứa về. Đào Hoa về VN lần này không biết là lần thứ mấy, nhưng riêng tôi thì gặp lại lần đầu. Trẻ hơn đẹp hơn thời học PBC, làm tôi ngộ nhận Phấn Hoa là chị Phụng Hoa. Gặp mặt lần này, lại có thêm ông xã đi kèm, hiền nhưng hơi ngầu, cùng tên Tín nhà mình, làm nhiều bạn hiểu lầm có Tín ở Úc về. Đặt tên Tín, tên đẹp,  dễ trùng tên, hai ba bà bạn của mình đều lấy chồng tên Tín. Bạn gái có Khánh Linh, Huyền Châu, Mộng Quyên, Đặng Tỵ…, bạn trai có Dũng lên từ Bình Chánh, Ngọc xuống từ Bình Dương…, cặp đôi có Minh – Thức…, gia đình có Phấn Hoa và người anh. Vắng HH.Tường, Pháp, Sơn… vì cái lỗi chấm chấm chấm. Cười vui, nhắc lại chuyện xưa xa lơ xa lắc. Minh A còn nhắc cả chuyện tâm tình (chuyện tình có tâm) bí mật mấy mươi năm. Có ông xã đi theo, nên không dám hỏi Đào Hoa có mối tình nào vắt vai không, ít ra cũng vài mối tình câm trên đường đi học về hay trên đường đi ra biển Thương Chánh ưởn ngực tung tăng. Năm nay hoa đào rụng, chẳng thấy ông đồ già… Đào chưa rụng mà đồ sắp rụng gần hết. Lớp 72, nhiều gia đình “ngũ long công chúa” lắm (mấy nàng nào???), nhưng nhiều “Hoa” nhất, không ai qua được nhà cô Đào.
Có Hoa là thấy Lộc. Chỉ một ngày sau, cả bọn gặp nhau bên hồ, có thêm Minh B, Kim Loan, Tường, Pháp. Nếu Đào Hoa đã trẻ thì Lộc còn trẻ và minhol nữa. Láng giềng mừng rỡ tưởng như mấy mươi năm về trước, ngồi ê a tại trường làng Đức Thắng, hè học thêm Cô Được, Thày Cùi. Nhà tôi (nhà ông Ngoại tôi), nhà Lộc, nhà Tỵ nằm trên đỉnh một hình tam giác cạnh hơn trăm thước. Xa hơn chút phía biển là Thúy Sương, Hồng Ba, Kim Loan, bà Rớt…, phía núi là Phạm Hòa, hai Hồng (đứa đen đứa đỏ), Kim Thoa, Ánh Tuyết… Mượn câu tuy xa mà gần tuy gần mà xa để giải thích tại sao và tại sao. Lúc nhỏ, thấy Lộc có vẻ “đàn chị”, vì mỗi lần cùng Năm Lửa đá banh ở con hẻm nhỏ nhà Đặng Tỵ, thấy nàng ra la hét gọi em trai về là đã sờ sợ. Nói vui thôi, mấy bà bạn hàng xóm nhà tôi chỉ có cái tội là mau lớn, trừ bà Tỵ. Ngày chia tay Lộc, cũng khá bất ngờ, ngoài Mộng Quyên Hồng Ba luôn có mặt trên từng cây số, có thêm Ngọc Hoa, Mỹ, chị Bốn và vợ chồng chị Minh từ Na uy về (khóa 71, NPT. Hùng phải gọi Chị này bằng sư tỷ). Giòn tan ôn chuyện thời hoàng kim của PBC… Lộc về, lại nhớ nhiều về mấy Bà Già, nhớ thùng lều thùng thiếc, nhớ nước mắm PT nổi tiếng một thời nay còn đâu. Xong tiệc trưa, mấy bà còn rủ nhau đi thi Ka…, tôi hết hơi, lại một mình là đàn ông trơ trọi, đành phải nén lại gát kiếm về sớm.
Đang nhớ về Thày Tuấn, về các cặp đôi Thày Cô tự nhiên nhắc đến bè Bạn, bắt đầu hơi lẩn thẩn sao ấy. Chắc ảnh hưởng thời sự VN, lúc này nhiều chuyện, giống thời khủng long bạo chúa tìm diệt bằng được khủng long thiên nga, rồi cũng phải đến chuyện luân hồi.
Chắc 72, bạn nào đó làm ơn “trích lục” danh sách Thày Cô, còn mất, địa chỉ liên lạc… Bây giờ còn nhớ, còn chưa mỏi gối chồn chân, một giờ cũng là Thày.

Phạm Sanh, 72PBC

No comments:

Post a Comment